Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng”

Sự kiện: Thời sự

Bản đồ làng Hành Thiện (nổi tiếng là vùng đất địa linh sinh nhân kiệt) mang hình một con cá chép: Đầu hướng Nam, đuôi hướng Bắc, bụng hướng Tây, lưng hướng Đông...

Tìm về làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) nằm bên bờ sông Ninh Cơ trong ngày hè nóng nực, chúng tôi ngỡ ngàng trước phong cảnh cổ kính, non nước hữu tình nơi đây. Những ngôi nhà hai tầng san sát vẫn giữ nét hoài cổ nằm hai bên bờ kênh được kè đá sạch sẽ soi bóng những rặng liễu thướt tha. Vùng đất nổi tiếng là địa linh sinh nhân kiệt mang một vẻ đẹp yên bình, trù phú.

Xuất phát từ quan điểm học là để tu nhân tích đức, học để có chữ tiếp cận gần với Thánh hiền, chứ học không vì mục đích phát triển con đường quan lộc, như Giáo sư Vũ Khiêu - người con của làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) từng nói: “… Cuộc sinh nhai ai cũng mong giàu. Nhưng giàu bạc không bằng giàu chữ”. Do đó, người dân ở vùng đất này từ đời này đến đời khác rất coi trọng việc học hành".

Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng” - 1

Nét đẹp cổ kính của chùa Keo làng Hành Thiện.

Đất Hành Thiện có hình thái khá độc đáo, giống hình con cá chép, phía tây bụng cá (lối trước), phía đông sống cá (lối sau), sông nhỏ, sông lớn chảy quanh như hình con cá đang vẫy vùng trong dòng nước. Làng Hành Thiện hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm ngôi nhà cổ có giá trị mỹ thuật và lịch sử, cùng nhiều miếu thờ, văn chỉ, võ chỉ đã được khôi phục lại, trong đó nổi tiếng nhất là chùa Keo Hành Thiện.

Đây là nơi dân làng thờ Thiền sư Không Lộ là Quốc sư nhà Lý, người có công lập làng Hành Thiện xưa. Chùa Keo Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, kiến trúc cổ kính. Phía trước tam quan chùa có hồ bán nguyệt và hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục; trên bờ có đôi voi đá khổng lồ, quanh chùa là hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Chùa có quy mô bề thế với 13 tòa nhà rộng và 121 gian của các dãy nhà dài, tạo thành những cụm kiến trúc hài hòa, cân đối...

Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng” - 2

Bản đồ làng Hành Thiện được ví như cá chép đang tung mình lao ra biển Đông.

Là người dày công sưu tầm các tài liệu về khoa bảng từ các đời của làng, thầy Nguyễn Đăng Hùng (80 tuổi, Hội trưởng Hội Khuyến học, khuyến tài làng Hành Thiện) giới thiệu: Làng Hành Thiện có nhiều người đỗ đạt cao, trước hết vì là vùng quê có truyền thống hiếu học lâu đời. Tính đến khoa thi Nho học cuối cùng (1919), Hành Thiện đã có 352 người từ đỗ tú tài đến tiến sĩ. Thời Pháp thuộc, Hành Thiện có 51 người đỗ tú tài và cử nhân.

Còn tính từ năm 1945 đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ vùng đất này có tới 204 giáo sư, tiến sỹ; Trong đó, có hơn 80 người là giáo sư. Truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện trọng chữ, trọng người tài như một dòng chảy liên tục, không bị đứt đoạn, thời kỳ nào cũng có người tài cho đất nước để làm sao cho xứng với câu “Đông Cổ Am - Nam Hành Thiện”.

Sử sách cũng đã ghi lại có những gia đình ở làng Hành Thiện có 9 người (cha – con, chú – cháu) cùng đi thi, có 7 người đỗ cao. Giai đoạn học chữ Pháp tuy rất ngắn, nhưng làng Hành Thiện cũng có 51 vị ghi danh. Trong đó có một tên tuổi đã trở thành niềm tự hào của dân làng Hành Thiện - Đặng Xuân Khu (tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh).

Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng” - 3

Dù phải chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày suốt 15 năm qua nhưng chưa khi nào thầy giáo Nguyễn Đăng Hùng quên trách nhiệm nối mãi dòng chảy hiếu học của quê hương.

Điều mà người Hành Thiện nói riêng, người Việt Nam nói chung có thể tự hào, đó là ở Bỉ, vào năm 2012 đã có một GS y khoa thuộc loại trẻ nhất thế giới, khi mới 32 tuổi. Đó là tiến sĩ thần kinh học Đặng Vũ Thiên Thanh. Ông rời Việt Nam khi mới 2 tuổi và nay trở thành một chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu giấc ngủ - một lĩnh vực đặc biệt của thần kinh học. 

GS Thiên Thanh nhận bằng tiến sĩ y học khi mới có 23 tuổi và năm 28 tuổi, ông tiếp tục bảo vệ tiến sĩ lần 2 với đề tài y sinh và dược. Ông đang say sưa đeo đuổi nghiên cứu về bí mật của giấc mơ, ý thức của con người trong giấc ngủ... và anh đã giành được hàng loạt giải thưởng của các tổ chức rất uy tín trên thế giới về y học như Hội Nghiên cứu giấc ngủ châu Âu, Hội Nghiên cứu giấc ngủ Hoa Kỳ, Hội Thần kinh học Bỉ...

Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới tên những người con tên tuổi khác của làng Hành Thiện như GS-TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Thụ, Giải thưởng Hồ Chí Minh; GS-TSKH Đặng Xuân Thu; GS-TS Trương Việt Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo Bộ Y tế; GS-TS Đặng Vũ Phương Anh; PGS-TS y học dân tộc Nguyễn Nhược Kim; PGS-TS Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, Hà Nội...

Chuyện chưa kể về ngôi làng địa linh mang hình “cá chép hóa rồng” - 4

Đình làng Hành Thiện, nơi vinh danh người đỗ đạt.

Khi tìm hiểu về truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của người Hành Thiện, nhiều nhận xét cho rằng truyền thống quý báu đó được xuất phát từ nếp sống có văn hóa của mỗi gia đình, từ sự ganh đua vươn lên của mỗi con người. Họ ganh đua tích cực chứ không hề đố kị ghen ghét nhau.

Hành Thiện, tạm giải nghĩa là nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện. Bản đồ làng Hành Thiện mang hình một con cá chép: Đầu hướng Nam, đuôi hướng Bắc, bụng hướng Tây, lưng hướng Đông. Nơi đầu cá có miếu thờ thần Tam giáp, người có công đầu tạo lập làng. Nơi bụng cá là chợ Hành Thiện, cái chợ quê rất đông đúc.

Khu dân cư ở từ mang cá đến rốn cá, được chia thành 14 khúc, mỗi khúc cách nhau 60m. Chiều sâu của khúc dài nhất là 600m, khúc ngắn nhất là 200m. Mỗi khúc gọi là một dong. Dong dài được chia làm hai xóm, dong ngắn là một xóm. Từ rốn cá đến đuôi cá là ưng điền (ruộng gieo mạ) và nghĩa trang nhân dân của làng. Đuôi và vây sau của “con cá” có ngôi chùa Keo, xây dựng năm 1588.

Theo xã chí của làng thì Hành Thiện xưa là vườn kim quất của vua Trần. Chạy dọc từ đầu tới đuôi cá là một con đường trục của làng lát gạch nghiêng. Đã hàng trăm năm con đường này hình thành nên hai dãy nhà hai bên như một đường phố, có các cửa hàng, cửa hiệu buôn bán sầm uất.

Theo cách nhìn của các nhà tử vi thì hình dáng của làng Hành Thiện ở thế cá hoá rồng. Phía “bụng cá” giáp làng Ngọc Tiên có hình giống một nghiên mực; phía “lưng cá” giáp làng Hương Phúc có mảnh đất giống cái ngòi bút. Đầu cá Thành Hoàng ngự, làng sẽ giữ được bản sắc thuần phong. Đuôi cá Nguyễn Minh Không vừa là Thiền sư vừa là thi nhân ngự. Vậy luận theo Phong Thủy và Kinh Dịch thì Hành Thiện là đất phát tiết cho cả chính khách và thi nhân.

Chuyện 2 làng “sát vách” trai gái trăm năm không lấy nhau: Cọc gỗ cắt duyên đôi lứa

Để ghi nhớ việc bị cướp ruộng đất, người dân làng Quang Ốc đã lập lời thề truyền kiếp răn đe con cháu mình không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Nguyên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN