Chuyện chưa kể trên những chuyến tàu xuyên mưa lũ

Trên những chuyến tàu xuyên mưa lũ, vừa vất vả phục vụ khách, nhân viên đường sắt còn canh cánh nỗi lo nguy hiểm nếu không may xảy ra sự cố...

Thực hiện chuyển tải hành khách trong đêm 8/10/2020

Thực hiện chuyển tải hành khách trong đêm 8/10/2020

Không sợ mưa lũ vì “đường sắt là an toàn nhất rồi”

22h đêm 29/10, đoàn tàu SE1 chuẩn bị rời ga Hà Nội để vào rốn lũ Quảng Bình. Siêu bão số 9 đã qua, nhưng khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị vẫn mưa rất to, nguy cơ sạt lở, ngập đường vẫn hiển hiện.

Dường như hiểu được băn khoăn này của PV, Trưởng tàu Hoàng Mạnh Tường (Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội) trấn an: “Giờ thông tin liên lạc nhanh lắm, nếu có sự cố gì, ngành Đường sắt có phương án ngay. Đi tàu là an toàn nhất rồi”.

Bây giờ việc cho tàu dừng tránh mưa bão, sự cố ách tắc phía trước thường ở các ga có điều kiện thuận lợi về hạ tầng, giao thông để việc xử lý tình huống dễ dàng hơn. Nhưng cách đây hơn chục năm, thông tin liên lạc không thuận lợi, nhiều khi tàu chạy qua khu gian rồi mới nhận được tín hiệu báo của tuần đường hoặc ga là phải dừng lại vì phía trước mưa lũ ngập hay sạt đường. Khi đó, việc phục vụ hành khách trên tàu rất vất vả.

Anh Phan Văn Thọ, Tổ trưởng Tổ Phục vụ ăn uống, Đoàn Tiếp viên đường sắt phương Nam

Theo trưởng tàu Tường, nếu không may ách tắc thì trên tàu có nhà vệ sinh, lại được phục vụ ăn uống miễn phí. Bất đắc dĩ, đường sắt có thể tính phương án chuyển tải cho dù việc này sẽ phức tạp hơn, nhân viên vất vả, lại tốn kém chi phí phát sinh.

Nhân viên trên tàu sẽ phải hỗ trợ hành khách mang vác hành lý, rồi dìu, dắt người già, trẻ nhỏ, giúp hành khách kiểm tra hành lý, tư trang… Việc chuyển tải giữa tàu lên ô tô, xong lại từ ô tô lên tàu, hành trình ô tô đi giữa hai ga cũng phải đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn.

Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển tải, Trưởng tàu SE3/4 Đặng Xuân Định (Đoàn Tiếp viên đường sắt phương Nam) cho hay, có ga địa hình tốt, nhưng có ga cũng ngập nước nên việc chuyển tải, hỗ trợ hành khách phải chuẩn bị chu đáo, an toàn mọi mặt.

Ví dụ: Phải chuyển tải từng toa xe một theo kiểu cuốn chiếu. Vì một xe ô tô, to cũng chỉ 54 chỗ, nhỏ thì 30 chỗ, trong khi một đoàn tàu mấy trăm người, phải dùng cả chục chuyến xe. Hành khách có cả người già, trẻ nhỏ, hành lý lỉnh kỉnh, nếu không làm như vậy sẽ gây hỗn loạn.

Việc bố trí khách sang tàu khác cũng phải hợp lý, nếu không khách sẽ phản ứng. Vì khách mua vé các loại chỗ khác nhau, tương đương với đó là giá vé khác nhau nên phải bố trí loại chỗ tương đương. Như đợt bão số 8 vừa rồi, trước khi chuyển khách từ tàu SE4 sang tàu SE2, trưởng tàu phải xem kĩ phương án chỗ trên hệ thống vé điện tử để ghép chỗ.

“Ví dụ người già mua vé giường nằm tầng 1 khoang 4 giường cho thoải mái, giờ chuyển tàu lại bố trí khách lên giường tầng 3 khoang 6 giường thì khách sẽ phản ứng. Cơ bản nhất là trước khi chuyển khách phải thông báo rõ ràng để hành khách thông cảm. Trước kia, còn phải rà phương án trên giấy nên có lúc không nắm được phương án các đoàn tàu khác, dễ xảy ra nhầm lẫn, sai sót. Trường hợp khách khó tính thì mời về khu vực dành cho trưởng tàu và nhân viên, bố trí giường tầng 1 cho khách, nhân viên thì chịu khó nằm ghép. Nói chung là vất vả nhưng hành khách an toàn là chúng tôi yên tâm rồi”, Trưởng tàu Định nói.

Đội mưa mổ heo phục vụ bữa ăn cho hành khách mắc kẹt trên tàu

Trưởng tàu Đặng Xuân Định cùng Tổ trưởng Tổ Phục vụ ăn uống Phan Văn Thọ bàn bạc, rút kinh nghiệm công tác chuyển tải, phục vụ hành khách

Trưởng tàu Đặng Xuân Định cùng Tổ trưởng Tổ Phục vụ ăn uống Phan Văn Thọ bàn bạc, rút kinh nghiệm công tác chuyển tải, phục vụ hành khách

Tâm sự về những kỷ niệm trên những chuyến tàu xuyên mưa lũ trong 30 năm làm nhân viên trên tàu, anh Phan Văn Thọ, Tổ trưởng Tổ Phục vụ ăn uống (Đoàn Tiếp viên đường sắt phương Nam) kể, một lần, tàu nằm ở ga La Hai (Phú Yên) do sạt lở đường.

Ngay tại ga La Hai cũng ngập, tàu không tiếp tục chạy được, trong khi mưa vẫn như trút nước. Dừng chờ lâu quá, hết cả nước dự trữ trên tàu, nhân viên phục vụ ăn uống phải xuống lội nước, vào nhà dân xin nước giếng đổ vào nồi quân dụng, khuân từng nồi về tàu để nấu cơm phục vụ hành khách. Mà mưa to, mặc áo mưa thì vướng víu, thành ra cứ đội mưa mà đi.

Rồi có những chuyến, tàu cũng dừng khu gian lâu, hết thực phẩm, phải vào nhà dân mua heo, mổ tại chỗ để có thực phẩm phục vụ hành khách. Có lần tàu đến ga Suối Cát (Khánh Hòa) thì lại phải dừng lại vì ga Cây Cầy phía trước bị ngập.

“Tàu nằm tại ga gần hai ngày, nước cạn, thực phẩm hết, chúng tôi phải xuống tàu đội mưa đi xin nước ở nhà dân, rồi ra chợ địa phương gần đó mua gạo, rau xanh, thịt cá để phục vụ khách”, anh Thọ kể và cho biết, giờ thì vẫn phải trữ lương thực, thực phẩm theo tàu, nhất là gạo, nhưng không cần nhiều như trước, chủ yếu là đem theo tiền mặt để khi cần là mua được ngay tại địa phương tàu bị “mắc kẹt”.

Vất vả trong phục vụ khách là một chuyện, có chuyến tàu xuyên mưa lũ, anh chị em nhân viên đường sắt còn đối mặt với hiểm nguy. Nhớ lại chuyến tàu LC1 vào cuối tháng 8/2008, anh Dương Quốc Cường, Trạm phó Trạm Công tác trên tàu Hà Nội cho biết, đó là trận mưa lũ, ngập lụt lịch sử ở Yên Bái.

Đêm đó là thứ sáu, dịp cuối tuần nên hành khách đi tàu lên Lào Cai để đi Sapa rất đông, phải đến 1.500 hành khách. Khi tàu đến Km 141 tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (địa phận Văn Phú, Yên Bái) thì lái tàu phát hiện có lũ ống về nên vội cho tàu chạy lùi.

Khi các toa xe lùi về được phía sau ở vị trí cao hơn thì đầu máy bị lũ ào về xô đổ, tách ra khỏi đoàn tàu. Nhân viên trên tàu phải ném chiếc can rỗng có buộc dây để lái tàu bám vào, rồi kéo lên toa xe.

Nước lũ về ngập mấp mé sàn toa. Tổ tàu nhận được lệnh của cấp trên: không được phát thanh thông báo cho hành khách, vì nếu hơn một nghìn con người hoảng loạn sẽ rất khó giữ an toàn. Cùng đó, theo dõi mực nước, báo cáo tình hình cho lãnh đạo. Rất may, lũ về ban đêm nên hành khách ngủ, không biết sự cố xảy ra.

Về phía ngành Đường sắt, ngay trong đêm, nhờ địa phương hỗ trợ và sáng hôm sau, bộ đội đưa quân ra, cùng nhân viên đường sắt chăng dây để hành khách bám, lần dây đi ngược lại dọc đường sắt lên chỗ cao, an toàn.

“Cũng may, khi đó tàu chạy chậm, đầu máy đổ nhưng không kéo theo toa xe phía sau đổ hay trật bánh theo. Bây giờ, thông tin liên lạc thuận lợi hơn nên ngành Đường sắt cho tạm dừng chạy tàu ngay ga xuất phát, để tránh các sự cố, rủi ro dọc đường”, anh Cường chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện chưa kể mở đường tìm nạn nhân tử nạn vì mưa lũ

Các lực lượng ngành GTVT vẫn đang ngày đêm nỗ lực mở đường tiếp cận vào thủy điện Rào Trăng 3...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thúy ([Tên nguồn])
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN