Chuyện chưa kể của người tường thuật giờ phút lịch sử 30/4/1975

Nhà báo Trần Mai Hạnh vừa cho ra đời cuốn sách dựa theo tư liệu mà ông thu thập được, hé lộ nhiều câu chuyện mà ông chưa bao giờ kể.

Cuốn sách viết về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa của nhà báo Trần Mai Hạnh vừa chính thức ra đời. Đây là cuốn sách được cựu phóng viên Thông Tấn Xã viết dưới dạng tiểu thuyết tư liệu lịch sử với tên gọi "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75".

Nhà báo Trần Mai Hạnh chính là người có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân.

Ông là phóng viên chiến tranh của Thông Tấn xã Việt Nam. Ông theo chân quân giải phóng có mặt khắp chiến trường miền Nam, tại hầu hết thành phố, thị xã suốt từ Huế vào Sài Gòn trong những ngày tháng lịch sử gần 40 năm trước. Chính vì vậy mà ông đã thu gom được kho tài liệu khổng lồ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng như các tướng lĩnh bên kia chiến tuyến.

Cũng theo đó, nguồn tư liệu để nhà báo viết cuốn tiểu thuyết chủ yếu là biên bản các cuộc họp, biên bản trả lời phỏng vấn và tự thú, thư từ, điện tín,... của tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày tháng cuối cùng.

Chuyện chưa kể của người tường thuật giờ phút lịch sử 30/4/1975 - 1

Cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh

"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" gần 500 trang viết về bối cảnh chế độ miền Nam Việt Nam 4 tháng cuối cùng trước khi sụp đổ. Qua đó, cuốn sách phác họa chân dung hầu hết những nhân vật chủ chốt của chính quyền Sài Gòn.

Cuốn sách ra đời khá muộn - sau gần 40 năm bởi nó "không may gắn với cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tác giả", nhà báo Trần Mai Hạnh viết. Đến nay, đúng dịp kỷ niệm 39 năm ngày thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã cho phát hành cuốn sách này.

"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" cung cấp thêm một bức tranh tham khảo sống động về quá trình sụp đổ từ phía bên kia, càng làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.” - Lời tác giả.

Cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng hình ảnh, không khí u ám, của Sài Gòn trong những ngày cuối năm 1974 - đúng dịp noel. "Sự trang hoàng tại các nhà thờ, ngay cả Vương Cung Thánh Đường (Nhà thờ Đức Bà) cũng thật đơn giản. Không thấy nữa những ngôi sao giáng sinh được kết thành dây đèn chăng từ những ngọn tháp chót của các nhà thờ sà xuống tận mặt đất... 11h đêm, các giáo đường thanh vắng âm u... Trung tướng Dư Quốc Đống (Tư lệnh Quân đoàn 3) vừa đặt tấm thân nặng nề xuống ghế sô pha (nhà Lý Long Thân - vua sắt thép, vải sợi toàn miền Nam) đã thốt lên "Phước Long cầm chắc vào tay cộng sản rồi!".... 7/1/1975, Thiệu (Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) tuyên bố trên đài Sài Gòn: "Toàn quốc dành ba ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long." - Thông tin đoạn đầu tác phẩm.

Với sự đồng ý của nhà báo Trần Mai Hạnh, chúng tôi xin đăng tải một số trích đoạn trong cuốn sách về những câu chuyện mà đến nay ít người biết về Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của 40 năm trước.

Mời các bạn đón đọc kỳ 1 vào lúc 10h ngày 30/4/2014

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN