Chuyện cảm động về nữ giáo viên dạy lớp học đặc biệt "có 1 không 2"
Không chỉ là một cô giáo, cô Hà còn là người mẹ, một người bạn và là một nhân viên y tế chăm sóc cho những đứa trẻ nhiễm HIV.
Lớp học 5 học sinh
Cô giáo Phùng Thị Thuý Hà (47 tuổi,ở Ba Vì, Hà Nội), giáo viên Tiểu học Yên Bài B có 15 năm dạy dỗ, chơi đùa với trẻ nhiễm HIV, tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 Hà Nội. Đối với cô, việc được gặp gỡ, chăm sóc và yêu thương các bé là cái "duyên nợ", cũng là việc cô lựa chọn sẽ gắn bó vì tình cảm và cái tâm với nghề nhà giáo.
“Trẻ em không có tội, các con chỉ là nạn nhân của những người bố người mẹ thiếu trách nhiệm và sống buông thả thôi. Thực sự, các con rất đáng thương nên tôi chẳng lo sợ hay e ngại gì cả, các con vẫn là những học sinh bình thường như bao đứa trẻ khác”, cô Hà Nói.
Lớp học đặc biệt của cô giáo Hà tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 Hà Nội.
Ngày đầu, cầm quyết định được phân công tới dạy trẻ nhiễm HIV, cô Hà cũng lo lắng và hoang mang. Nhưng ngay khi gặp gỡ, cảm nhận được tình cảm của các bé đối với mình, cô đã gạt bỏ đi mọi rào cản tâm lý, toàn tâm toàn ý dạy dỗ và chăm sóc các bé.
“Khi tôi đến trung tâm, các con ùa ra đón rồi vây quanh, đứa níu chân, đứa níu áo bảo ‘mẹ ơi bế con, mẹ ơi bế con’ khiến tôi không cầm được nước mắt. Nhìn ánh mắt ngây thơ của các bé, thương thực sự. Có những con còn vô tư hỏi ‘mẹ ơi bao giờ chúng con được học ạ?’ Lúc này, tôi vừa khóc vừa nói ‘mẹ sẽ dạy các con’, cô Hà rơm rớm nước mắt kể.
Lời hứa đó như một cơ duyên để gắn kết cuộc đời cô Hà với Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 Hà Nội. Vượt lên sự kỳ thị của xã hội, trên cả ranh giới cô trò để làm mẹ, làm bạn và yêu thương lũ nhỏ kém may mắn này. Vì biết các bé thiệt thòi cả về vật chất lẫn tình cảm nên cô Hà cố gắng dành nhiều thời gian và lòng yêu thương cho các bé.
Hiện tại, ở Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 Hà Nội chỉ có 2 lớp học tiểu học với 2 cô giáo và 9 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5). Điều đặc biệt, hai lớp học ghép các trình độ học sinh khác nhau vào cùng một lớp.
Cô Hà có 15 năm dạy dỗ, chơi đùa với trẻ nhiễm HIV.
Lớp học ghép của cô giáo Hà hiện có 5 học sinh. Trong đó, có 2 học sinh lớp 3 và 3 học sinh lớp 5. Dạy ghép 2 trình độ đã khó, nhưng dạy ghép 3 trình độ người giáo viên phải đóng 3 vai một lúc.
Nhiều bé vì chưa được học trường mầm non nên nhận thức có phần chậm hơn, cùng với đó là ảnh hưởng của bệnh tật nên việc dạy học cũng gặp khá nhiều khó khăn. Cô Hà phải tự tay giúp các con tô từng nét chữ, viết từng con số, kèm cặp theo sát để con có thể nhớ được mặt chữ.
"Vì các con là những học sinh đặc biệt, cũng rất nhạy cảm nên tôi phải thật kiên trì, tâm huyết và dành nhiều thời gian. Dạy các con không chỉ đứng trên bục giảng mà phải xuống tận nơi, ngồi cạnh các con hướng dẫn tận tay thì các con mới hiểu bài được", cô Hà nói.
Dạy các con không chỉ đứng trên bục giảng mà cô Hà phải xuống tận nơi.
Những trẻ được chăm sóc và theo học tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đều phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Hầu hết các bé không có bố mẹ bên cạnh nên thường thấy thiếu thốn tình cảm và dễ tổn thương. Cô Hà cho biết, mỗi lần các bé kể chuyện nhớ nhà, nhớ gia đình bằng chất giọng ngây thơ, ánh mắt hồn nhiên lại khiến cô xúc động.
“Có lần tôi đang đứng viết bài trên bảng, có con chạy lên nói với tôi ‘con chỉ ước có bố, có mẹ thôi cô ạ’ rồi khóc nức nở khiến lớp học bị gián đoạn. Hay những hôm cuối tuần có bạn thở dài nói, thứ 7, chủ nhật không được đi học, con sẽ rất nhớ cô. Những câu nói giản dị nhưng khiến tôi bất ngờ và xúc động. Tôi phải động viên các con thật nhiều, khơi dậy những ước mơ của các con để các con cố gắng sống tốt, sống khỏe còn hoàn thành giấc mơ của mình”, cô Hà tâm sự.
“Gia tài của tôi là một hòm bưu thiếp và tranh vẽ”
Vì mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên sức khỏe của các bé cũng yếu ớt hơn, chỉ cần trở trời cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, cô Hà cũng phải chú ý hết sức đến tình trạng sức khỏe của các con, vừa chăm sóc, vừa theo dõi để thông báo cho nhân viên y tế điều trị.
Hầu hết các bé không có bố mẹ bên cạnh nên thường thấy thiếu thốn tình cảm và dễ tổn thương.
Suốt 15 năm qua, cô Hà đã có được không ít kỷ niệm tại ngôi trường tiểu học này. Có lần do sơ ý, cô Hà bị đứt tay nhưng chưa kịp băng lại. Sau giờ dạy, cô rửa tay tại chậu nước trong lớp, khi nhìn xuống thì chậu nước đầy máu, hỏi các con thì mới biết có một bạn vừa bị chảy máu cam rửa vào trong chậu không nói với cô.
“Lúc đó tôi hoảng vì vết thương hở nhưng không dám nói với ai. Tôi tự đi xét nghiệm và kết quả không sao. Từ đó tôi nhắc nhở bản thân phải cẩn thận, chú ý hơn. Việc lây nhiễm không dễ dàng như chúng ta thường nghĩ, phải là máu và máu tiếp xúc trực tiếp với nhau trong khoảng 24 - 72 tiếng mới có khả năng cao. Hiện cũng có nhiều loại thuốc phơi nhiễm và phòng ngừa, nên tôi không còn e ngại khi chăm sóc học sinh của mình”, cô Hà tâm sự.
Nhiều thế hệ học sinh đã học lên đến cấp 3 nhưng vẫn nhớ đến người mẹ hiền này. Cứ đến dịp 20/11, cô lại nhận được rất nhiều lời chúc từ các em học sinh cũ, nhiều em còn tự làm thiệp cùng những lời chúc rất dễ thương để gửi người cô yêu quý.
“Những năm trước ngày 20/11 của tôi rất đặc biệt, các con ngất những bông hoa ngoài hàng rào rồi lấy sách vở cũ gói lại đem tặng tôi. Cầm bó hoa đấy tôi thấy hạnh phúc lắm, cảm giác khác với những bó hoa khác. Còn một số con lại vẽ tranh tặng tôi, nhìn bức tranh nguệch ngoạc thôi nhưng chứa cả tấm lòng của các con trong đó. Hiện tại, gia tài của tôi là một hòm bưu thiếp và tranh vẽ của các con, mỗi lần chuyển nhà tôi vẫn cất nó vào một góc”, cô Hà xúc động nói.
Gia tài của tôi là một hòm bưu thiếp và tranh vẽ của các con.
Ngoài những giờ học trên lớp, các con tìm đến cô để tâm sự những chuyện thầm kín, những thay đổi trên cơ thể - những điều mà một đứa trẻ mới lớn luôn thắc mắc. Cứ như thế, cô Hà dần nhận ra, điều mà các con khao khát nhất chính là một mái ấm gia đình, nơi có cả bố cả mẹ.
"Khi các con đến nhà chơi, cô trò cùng nhau nấu ăn, đứa này nhặt rau, đứa kia qoét nhà và đôi khi trong vô thức chúng gọi tôi ‘mẹ ơi làm thế này à? Mẹ ơi nấu như thế có được không?’... sau lời nói ấy, gương mặt của các con ửng hồng vì ngại ngùng, chúng nhìn nhau tủm tỉm cười. Không chỉ chỉ riêng tôi được làm mẹ của các con mà các cô chú phụ trách chăm nuôi, thậm chí các chú học viên cai nghiện của trung tâm, các con đều gọi /Mẹ ơi, Bố ơi rất tự nhiên", cô Hà kể.
Cô Hà cũng chia sẻ, thời gian đầu nhận công việc dạy học cho trẻ nhiễm HIV, cô không tránh được việc bị cộng đồng kỳ thị, duy chỉ có người chồng ủng hộ. Nhưng sau khi cô chia sẻ câu chuyện về các bé bị nhiễm HIV bị bỏ rơi nhưng vẫn rất ham học, bản thân cô cũng muốn được giúp đỡ, yêu thương và chăm sóc các em nên mọi người đã dần hiểu và thông cảm.
Sau 15 năm gắn bó với bục giảng, mang lại cái chữ, yêu thương và chăm sóc các bé, cô Hà vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi thấy các con nở nụ cười vui vẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Tâm thư vùng bão lũ của Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 khiến người đọc cay khoé mắt vì xúc động.