Chuyện cảm động về đôi vợ chồng mù làm chổi mưu sinh, nuôi con khôn lớn
Hình ảnh hai vợ chồng ông Thụ bị mù, dắt díu nhau, chống gậy, gánh chổi đi bán mỗi buổi chiều đã quá quen thuộc với người dân sống ở phố An Dương, Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội).
Hai mảnh đời, một số phận
Ngôi nhà rộng hơn 30m2 nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở phố An Dương, là chỗ ở của 6 con người, bao gồm vợ chồng ông Bùi Doãn Thụ (71 tuổi), bà Trịnh Thị Mai (69 tuổi), hai vợ chồng người con gái cùng 2 đứa cháu.
Trong căn nhà nhỏ, vợ chồng ông Thụ vẫn tất bật công việc làm chổi mưu sinh của gia đình. Với một người bình thường làm nên một cây chổi đã khó. Thế nhưng, gần 30 năm nay 2 vợ chồng ông Thụ bị khiếm thị bẩm sinh vẫn xây nên tổ ấm gia đình, nuôi được cô con gái trưởng thành từ những chiếc chổi.
Vợ chồng ông Thu bị mù bẩm sinh nhưng vẫn miệt mài với công việc làm chổi mưu sinh.
Vừa cắt dây thép để buộc chổi, ông Thụ mỉm cười kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời mình. Ít ai biết được, để có cuộc sống như ngày hôm nay ông đã phải trải qua không ít sóng gió.
Từ nhỏ, khi sinh ra ông Thụ đã bị mù bẩm sinh. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cộng với sự mất mát khi đôi mắt không nhìn rõ khiến tuổi thơ của ông là những tháng ngày tăm tối.
Trong khi bà Mai phụ giúp chồng những công việc vặt thì ông Thụ tay khỏe hơn đang buộc lại cán chổi bằng những sợi thép.
“Lúc nhỏ tôi mặc cảm, tự ti mất hết niềm tin vào cuộc sống, sống khép kín, thu mình trong vỏ bọc. Đến khi trưởng thành, bản thân tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ yêu ai và có một ai đó chấp nhận lấy một người mù như tôi”, ông Thụ chia sẻ.
Thế nhưng, được sự động viên của người thân, năm 1980 ông Thụ quyết định tham gia vào Hội người mù của TP.Hà Nội. Trong những tháng ngày hòa nhập đó, điều kỳ diệu mà ông không dám nghĩ tới đã đến với ông đầy bất ngờ.
Ngày đó, ông Thụ đã gặp được người phụ nữ đích thực của đời mình, là bà Trịnh Thị Mai ở Hà Đông, vợ ông bây giờ. Qua những lần trò chuyện với bà Mai, ông Thụ đã dần có tình cảm với người con gái kém may mắn như mình.
Bà Mai cũng bị mù bẩm sinh, được sự giới thiệu của một số người cùng cảnh ngộ, bà Mai cũng tham gia vào Hội người mù. Tại đây, bà Mai và ông Thụ gặp nhau, hai con người chưa một lần nhìn thấy mặt nhưng qua những lần trò chuyện, bằng sự cảm thông, thương mến họ đã tìm thấy nhau khi trái tim cùng chung nhịp đập.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu mới yêu nhau, ông Thụ cho biết, lúc đó gia đình hai bên đã phản đối rất kịch liệt. Mọi người, ai cũng lo sợ kẻ mù, người khiếm thị lấy nhau về cuộc sống sẽ càng vất vả hơn. Rồi đến khi có con cái, sẽ trở thành gánh nặng cho nhau.
Hai con người chưa một lần nhìn thấy mặt nhưng qua những lần trò chuyện, bằng sự cảm thông, thương mến họ đã tìm thấy nhau khi trái tim cùng chung nhịp đập.
“Mẹ tôi nói hai đứa không nhìn thấy gì, lấy nhau về chỉ có khổ cả đời, rồi lấy gì mà ăn. Tôi chỉ nói chúng con đã hợp nhau rồi bố mẹ để chúng con quyết định. Nếu lấy người mắt sáng người ta sẽ không chung tình với mình còn khổ hơn”, ông Thụ nói.
Bằng tình yêu chân thành, sự ủng hộ của những người cùng cảnh ngộ, hai bên gia đình cuối cùng cũng gật đầu đồng ý cho ông bà nên duyên vợ chồng.
Năm 1983, sau mâm cơm nhỏ xin phép tổ tiên nên nghĩa vợ chồng, bà Mai dọn về chung sống với ông Thụ ở Tây Hồ, Hà Nội.
Sau nhiều năm chung sống, niềm vui của gia đình nhân lên khi ông bà sinh được một người con gái. Thời gian đầu, bà Mai được sự giúp đỡ của bố mẹ 2 bên việc chăm sóc con gái. Lâu dần, bà Mai học cách tự tay chăm con.
“Ngày đó tôi vẫn bế ẵm và cho con ăn uống được. Làm dâu mấy chục năm nay nhưng tôi vẫn cơm nước, đi chợ lo nấu ăn cho gia đình nhà chồng đủ đầy. Mọi vật dụng trong nhà được tôi cất gọn gàng nên rất dễ lấy”, bà Mai kể.
Khi con gái lớn lên học trung cấp rồi tốt nghiệp Cao đẳng kế toán, hiện có công việc ổn định tại một nhà sách gần nhà. Con gái bà Mai cũng đã kết hôn, có 2 con (1 trai, 1 gái) và dọn về sống cùng bố mẹ tại phố An Dương để tiện chăm sóc.
Với người bình thường thì việc nội trợ, chăm con đã khó và vất rồi nhưng với một người khiếm thị như bà Mai thì công việc trên càng khó gấp bội lần nhưng bà vẫn vui vẻ vượt qua.
Hạnh phúc mỉm cười
Những năm đầu vợ chồng bà Mai vẫn đi làm tăm bên hội người mù. Sau này, ông Thụ nghỉ về làm chổi chít, đẩy xe đi bán khắp các phố. Bà Mai, sau đó cũng đi bán chổi cùng chồng.
Bức ảnh cưới của ông Thụ bà Mai được chụp cách đây không lâu trong chương trình đám cưới dành cho những cặp đôi khuyết tật.
Ngõ 35 phố An Dương nhỏ bé giữa thủ đô Hà Nội hằng ngày đã quen thuộc với hình ảnh vợ chồng ông Thụ dắt díu nhau đi bán chổi. Mọi người càng thương cho số phận không may mắn bao nhiêu, thì càng cảm phục nghị lực, tình yêu và sự lạc quan của hai vợ chồng ông Thụ.
“Mấy năm trước bà ấy còn khỏe vẫn theo tôi đi bán hàng nhưng giờ sức khỏe yếu hơn nên chỉ ở nhà phụ tôi làm chổi. Còn tôi, ngày nào cũng ra chợ An Dương bán hàng từ 8h sáng đến 11h trưa, còn buổi chiều từ 15h đến 18h30, hôm nào mưa thì tôi nghỉ”, ông Thụ kể.
Trong khi bà Mai phụ giúp chồng những công việc vặt thì ông Thụ tay khỏe hơn đang buộc lại cán chổi bằng những sợi thép.
“Tôi đi ra đường 2 lần bị tai nạn, 1 lần bị tụt xuống hố ga, lần khác lại bị xe taxi đâm phải nên từ đó tôi sợ không dám theo ông đi bán hàng nữa”, bà Mai kể.
Đến giờ đi làm, bà Mai mò mẫn từng bước chân lên tầng lấy cho chồng chiếc áo sơ mi mặc đi bán hàng. Còn ông Thụ tay lần theo bức tường lại nơi đặt gánh hàng trong góc nhà, móc lên những cây chổi vừa làm chuẩn bị ra chợ gần nhà để bán.
Đúng 15h, ông Thụ đi dép, cầm cây gậy dò đường với gánh chổi trên vai men theo bức tường gần 40 năm nay ông bám dựa đi ra đầu ngõ, tiến về khu chợ An Dương đứng bán chổi.
Hình ảnh ông Thụ với cây gậy và gánh chổi khiến mọi người cảm phục.
Ông Thụ cho biết, mỗi cây chổi được ông bán ra với giá 50.000 đồng. Mỗi cây chổi vợ chồng ông chỉ lãi 10.000 đồng. Ngày nào đắt khách thì cũng bán được 3 đến 4 chiếc, nhưng có ngày cũng không bán nổi chiếc nào.
Theo lời ông Thụ, mấy ngày gần đây ông bán đắt hàng hơn vì có người chụp ảnh ông đăng lên mạng xã hội nên mọi người tìm đến.
“Ai mua hàng thì vợ chồng tôi cám ơn chứ chúng tôi không mong muốn mọi người ủng hộ. Ngoài kia xã hội vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn vợ chồng tôi, vợ chồng tôi không muốn ỷ lại vào sức lao động, lợi dụng lòng tốt của mọi người”, ông Thụ nhấn mạnh.
Không muốn trở thành gánh nặng cho con cái, nên dù ở tuổi đáng ra nên nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng, hai vợ chồng ông Thụ vẫn mệt mài làm chổi chít để bán.
Đến với nhau không vì hình thức hay của cải, tình yêu chân thành, mộc mạc đã giúp họ vượt qua mọi định kiến của xã hội, xây nên cổ tích giữa đời thường.
Câu chuyện của ông Thụ, bà Mai chính là nguồn động lực cho những người trẻ ngoài kia, hãy luôn dũng cảm đối diện với tình cảm, cùng nhau cố gắng, sẻ chia, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Mỗi khi qua đường ông Thụ hay được người dân hoặc CSGT dẫn sang.
Ông Hoàng Xuân Sáng – Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết vợ chồng ông Thụ và bà Mai hiện sinh sống trên địa bàn phố An Dương, phường Yên Phụ. Hai ông bà bị khiếm thị bẩm sinh, đang được hưởng chế độ 1.450.000 đồng/ người/ tháng.
Theo ông Sáng, vợ chồng ông Thụ có một cô con gái đang sống cùng ông bà. Hằng ngày, ông Thụ vẫn làm chổi đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.
13 năm đứng gác tại ngã tư "tử thần" ngay cạnh quốc lộ 5, ông lão khuyết tật trở thành "khắc tinh" của những vụ tai nạn giao thông đường sắt từng một thời...
Nguồn: [Link nguồn]