Chuyện cảm động ở tiệm cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân ung thư
Duy trì suốt 7 năm qua, ở một ngách hành lang nhỏ tầng 7 của Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư vẫn đều đặn chiều thứ năm hàng tuần tổ chức cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân.
“Tiệm cắt tóc” miễn phí mỗi chiều thứ năm tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư - Ảnh: Minh Hiếu
Góc chia sẻ, cảm thông, yêu thương
Đưa ánh mắt chăm chú nhìn từng đường tông-đơ, vớt đi nốt những sợi tóc dài lưa thưa còn sót lại sau đợt hóa trị đầu tiên của người vợ mới ngoài 30 tuổi, anh N.V.H. (Ninh Bình) khe khẽ mỉm cười. Anh H. bảo, cắt tóc đi trông chị có sức sống hơn rất nhiều.
Theo lời anh H., cách đây chừng nửa năm, bỗng một sáng cuối tuần, chị thức dậy kêu cơ thể bải hoải, mệt mỏi vô cùng. Thương vợ, anh bảo chị nên đi viện thăm khám. Nhưng rồi chị lần lữa vì lo tốn kém. Sức khỏe cứ yếu dần, anh ép chị mới đến viện. Kết quả trả về với nghi ngờ ung thư máu ở BV tuyến huyện khiến anh chị chết đứng vì chị còn trẻ quá, hai đứa con vẫn còn bé quá. Ngay hôm sau, anh H. đưa chị lên thẳng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, kết quả khẳng định chị bị ung thư máu, cần nhập viện và điều trị ngay. Sau đợt hóa trị đầu tiên, mái tóc xanh dài của vợ anh H. cứ thưa dần, từng mảng tóc rụng đi và từ đó chiếc mũ vải gắn chặt với chị ngoại trừ lúc đi ngủ.
“Tiệm cắt tóc” nhỏ cuối hành lang mỗi buổi chiều thứ năm vẫn âm thầm, bền bỉ gieo thêm niềm an ủi, sự khích lệ và những nụ cười quý giá cho những người bệnh ở Viện Huyết học và truyền máu T.Ư. |
Lần này trở lại viện để chuẩn bị cho đợt hóa trị thứ 2, anh H. bảo, vợ anh quyết định xuống tóc hết cho nhẹ lòng, đỡ ngày ngày ngắm chính mình với mái tóc lưa thưa, ốm yếu. “Nhưng chị nhà anh bảo chỉ cắt tóc ở cái góc nhỏ miễn phí ở viện, vì ở đó, chắc chắn sẽ không ai tỏ vẻ thương cảm khi hỏi về bệnh tình của mình”, anh H. chia sẻ.
Ngồi lặng khi chiếc tông-đơ lướt nhẹ hớt đi phần tóc thưa rụng gần hết sau hai tháng truyền hóa chất, bệnh nhân T.V.K. (Nam Định) khẽ bật cười khi “thợ cắt” tếu táo nói: “Anh hợp để trọc, trông cá tính, đẹp hơn nhiều đấy”. Rướn người ngắm lại thành quả cạo trọc trong chiếc gương nhỏ xinh gắn trên tường, anh K. tỏ vẻ hài lòng, nói lời cảm ơn trước khi rời khỏi “cửa hàng cắt tóc” này. Trước đó, anh K. đã kiên nhẫn chờ đợi suốt 30 phút để được tới lượt cắt.
Vừa trở về phòng điều trị sau khi cắt hết những sợi tóc còn sót lại, mở to đôi mắt trong veo, cô bé 9 tuổi N.H.G. (Hà Giang) vẫn hồn nhiên thổ lộ: “Các bác bảo rồi tóc con sẽ lại dài ra rất nhanh thôi”. Vòng tay ra tận sau ót, cô bé G. bảo: “Trước tóc con dài đến đây này, giống mẹ con. Giờ chỉ cần con đội mũ thôi, đeo khuyên tai, vòng cổ, mặc váy hoa dài con vẫn xinh đúng không cô?”.
Sau những lần truyền hóa chất buộc phải cạo trắng đầu, mái tóc anh L.V.S. (Hà Nội) lún phún mọc lại. Chờ đợi suốt 6 tháng, lần này đến viện tái khám, anh S. lại quyết định tìm đến điểm cắt tóc thân quen này nhưng không phải tông-đơ cạo trọc như những lần trước mà anh đề nghị được cắt tóc kiểu. Chỉ chừng 10 phút sau, mái tóc được tỉa gọn gàng, trông anh mạnh mẽ, đầy sức sống. “Mình không rõ điểm cắt tóc này hình thành từ khi nào, nhưng suốt hơn một năm điều trị ở đây với nhiều đợt truyền hóa chất, các bệnh nhân như mình vẫn đều đặn đôi tháng lại cắt một lần, giờ thành thân quen rồi. Như bọn mình còn được cắt tóc đồng nghĩa còn được nhìn thấy nhau và còn tồn tại, thế là vui rồi”, anh S. chia sẻ.
Cũng ở điểm cắt tóc miễn phí này, có những bệnh nhân ngồi hàng giờ không phải để được cắt tóc, mà họ ngồi đây để được trò chuyện với những người đồng cảnh ngộ, với y tá, bác sĩ. Hay đôi khi chỉ là để được lặng ngắm sự đông vui vốn hiếm gặp ở bệnh viện này.
Những “thợ cắt” đặc biệt
“Tay kéo trưởng” của tiệm cắt tóc này chính là BS. Vũ Quang Hưng, Phó trưởng Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ.
BS. Hưng cho biết, ý tưởng cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân của Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư được thực hiện từ năm 2011 và đều đặn duy trì cho đến bây giờ với sự tham gia nhiệt thành của các y, bác sĩ bệnh viện.
BS. Hưng cho biết, sau mỗi đợt truyền thuốc, bệnh nhân thường đối mặt với cảnh rụng tóc. Sự mặc cảm vì mái tóc đang bị rụng, chỗ dày, chỗ mỏng nham nhở khiến họ “ngại” ra ngoài. Hơn nữa, với đặc thù các bệnh nhân của viện có bệnh về máu, nhất là các bệnh nhân ung thư, da dễ tổn thương, dễ dị ứng, bị rách, dễ chảy máu và máu khó đông, không dễ các hiệu cắt tóc bên ngoài phục vụ họ.
“Những bệnh nhân ung thư cực kỳ nhạy cảm. Việc cắt bớt tóc hoặc cạo trọc trước khi tóc của họ rụng không chỉ vì lý do vệ sinh, mà còn giảm bớt gánh nặng tâm lý của bệnh nhân. Chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân rất xinh đẹp, tóc dài thướt tha sau khi truyền hóa chất, bần thần đưa tay lên vuốt tóc rồi nhìn ngắm từng chùm tóc rụng xuống bàn tay, thật đau lòng…”, BS. Hưng chia sẻ.
Nếu như thời gian trước, việc chăm sóc, cắt tóc cho bệnh nhân chủ yếu do BS. Hưng cùng các anh chị em đồng nghiệp thực hiện, nay lại thu hút thêm các tay kéo chuyên nghiệp hơn.
Tình nguyện dành 2 giờ mỗi tuần để cắt tóc cho bệnh nhân, ít ai ngờ Đào Tiến Dũng (Hà Nội) là một thợ cắt tóc chuyên nghiệp nhưng cũng đang là bệnh nhân của bệnh viện này. Mắc căn bệnh rối loạn đông máu di truyền, Dũng đã gắn chặt cuộc đời mình với Viện Huyết học, cứ khi nào thấy đau là nhập viện. Hơn một năm nay gắn bó với công việc này, Dũng bảo sẽ cố gắng duy trì. Dáng người cong vẹo vì bệnh tật, nhưng vẫn đều đặn có mặt và luôn là người chờ đợi bệnh nhân cuối cùng đến cắt tóc mới xách túi ra về, đủ để thấy sự nhiệt thành của Dũng.
Dũng chia sẻ: “Luôn thấu hiểu nỗi lòng của mỗi bệnh nhân nơi đây, họ cần được chia sẻ dù chỉ một câu hỏi thăm”. Vậy là cứ đều đặn các chiều thứ năm, Dũng lại đến, dù bàn tay cầm kéo có sưng u, tím thẫm vì bệnh tình tái phát.
Còn với Hoàng Trung, tay kéo chuyên nghiệp của một salon tóc tại Hà Nội, thời gian tham gia ngắn thôi, nhưng Trung bảo: “Công việc mới này cho em một cái nhìn rất khác về cuộc sống. Nhân văn và hạnh phúc hơn. Lần đầu nâng kéo cắt tóc cho một chị còn trẻ lắm, đã có hai con nhỏ, nghe câu chuyện điều trị của chị ý mà thấy xót xa quá. Còn nữa, vào đây mới thấy sao nhiều bệnh nhân trẻ mắc bệnh hiểm nghèo thế. Để thấy rằng mình cần trân trọng cuộc sống hiện tại hơn”.
Trung chia sẻ, qua facebook mới biết đến BS. Hưng và “tiệm cắt tóc” miễn phí này. Mong muốn được chia sẻ, Trung quyết định kết nối và được sự đồng ý của các bác sĩ. “Dù việc ở salon khá bận nhưng em cố gắng thu xếp để có 2 giờ đồng hồ mỗi tuần làm việc tại đây. Chỉ khi nào không thể, em sẽ bố trí nhân viên của salon làm thay mình”..., Trung cho hay.
Sáu tháng sau ngày chồng mất, chị Trinh đã quyết định đến Bệnh viện để đặt phôi và sinh con. Khi ấy nhiều người đã...