Chuyện ba người Nhật ở Hội An

Từ thế kỷ XVI, nhiều thương nhân Nhật Bản đã vượt đại dương đến định cư làm ăn tại thương cảng Faifo sầm uất. Qua 400 năm, người Nhật để lại nơi đây nhiều công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa Nhật. Hậu duệ của họ, nay cũng nhiều người gắn bó với mảnh đất này với những công việc khác nhau.

Kana - người “dọn rác”

Kana Furuya đến từ thành phố cảng Kawasaki, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản).  5 năm làm tình nguyện viên tại Hội An, Kana nói được một ít tiếng Việt, tiếng Anh và xen cả tiếng Nhật khi trò chuyện. Trực thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cô gắn bó với Phòng Tài nguyên và Môi trường, thường xuyên đi thu gom rác thải và phân loại rác tại bãi biển An Bằng, khu vực phố cổ và Chùa Cầu.

Chuyện ba người Nhật ở Hội An - 1

Kana (bên trái) đang thu gom rác tại biển. Ảnh: Kana CC

Ngoài ra, Kana còn thực hiện giáo dục về môi trường trong nhà trường. “Chúng tôi cùng nhau tổ chức nhiều buổi ngoại khóa cho học sinh lớp 4-5. Tôi thực hiện thí nghiệm chôn một túi ni lông và vỏ quả chuối dưới đất gần một tuần liền. Sau đó, chúng tôi quay lại kiểm tra, túi ni lông không phân hủy trong khi vỏ chuối thì phân hủy tốt. Nếu như chúng ta chỉ nói lý thuyết, học sinh sẽ không nhớ, nhưng trải nghiệm thực tế tốt hơn nhiều”, cô nói.

“Tôi sẵn sàng giúp bất kỳ ngôi trường hay chương trình giáo dục nào trong việc cho học sinh tiếp cận với thiên văn học. Tôi muốn trẻ em Việt Nam có điều kiện như Nhật Bản, nuôi dưỡng mơ ước trở thành nhà nghiên cứu thiên văn hay phi hành gia tương lai”.

Genta Miyagawa

Từ năm 2014 đến nay, Kana bắt tay vào việc giúp thu hút du khách Nhật Bản đến Hội An. Cô nhận thấy, khi có đường bay Đà Nẵng-Tokyo, người Nhật sang Hội An ngày càng nhiều, nhưng các tài liệu hướng dẫn viết bằng tiếng Nhật rất ít, chủ yếu là Pháp, Anh. Vì vậy, cô tìm cách tăng cường tiếng Nhật trong các tài liệu hướng dẫn, với mong muốn “người Nhật sẽ mến Hội An như tôi đã chọn sống”.

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH&TT thành phố Hội An, cho biết, Kana luôn góp mặt tại các chương trình giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản những năm qua bằng các shop mang đậm văn hóa Nhật. Đồng thời chị đã quyết định định cư tại Hội An.

Yuki - kết nối học trò Nhật - Việt

Yuki Hirukawa đến từ Ayase-shi, Kanagawa (Nhật Bản). Năm năm trước, cô tới Hội An du lịch đúng dịp diễn ra sự kiện giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản. Để rồi sau đó, cô kêu gọi những người bạn cùng đến Hội An chung tay tổ chức sự kiện này. Nhiều gian hàng được dựng lên, Yuki mang sang nhiều bộ trang phục hoạt hình Cosplay của Nhật, khiến những đứa trẻ Việt luôn thích thú. Cô mở một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ, gần sông Hoài, bán những món đồ truyền thống Nhật Bản.

Vốn là nhà giáo dục, Yuki thường tổ chức và tham gia các hoạt động giao lưu giữa những học sinh Nhật Bản và học sinh Việt Nam. “Các nhóm học sinh Nhật Bản sẽ thường xuyên sang Việt Nam. Cụ thể là chúng tôi đã đến Đà Nẵng để hướng dẫn ngoại khóa cho trẻ em từ 6-12 tuổi ở trường học về văn hóa Nhật vừa qua”, cô cho biết. Theo đó, mỗi nhóm sẽ có học sinh Nhật và 7 học sinh Việt, các bạn sẽ cùng nhau vẽ văn hóa bốn mùa tại Nhật Bản, làm quạt Nhật, còn học sinh Nhật sẽ học về văn hóa Việt, đồng thời tham quan, tìm hiểu văn hóa Hội An.

Genta và người thầy “kéo” các vì sao xuống trái đất

Chuyện ba người Nhật ở Hội An - 2

Thầy Fumitaka (ngoài cùng) hướng dẫn trẻ em và người dân Hội An quan sát bầu trời qua kính thiên văn. Ảnh: Nguyễn Trang

Genta Miyagawa và người thầy thiên văn Fumitaka Sugino, cả hai từng làm việc tại thành phố Kobe, tỉnh Hyogo, một thành phố cảng sầm uất, nổi tiếng với món thịt bò Kobe. Tôi gặp Genta và thầy Fumitaka khi hoạt động ngắm vì sao qua kính thiên văn diễn ra tại Hội An. Genta có nhà hàng mang tên Samurai Kitchen tại Hội An sau 5 năm định cư.

“Tôi và thầy Fumitaka trước cùng làm trong một bảo tàng khoa học tại Kobe. Tuy nhiên vì quá mệt mỏi, tôi nghỉ việc, bạn bè hỏi tôi tại sao. Khi đó tôi thấy trên tivi đang chiếu về Hội An, tôi trả lời họ, tôi đi du lịch Hội An. Sang đến Hội An, tôi quyết định ở luôn”, Genta cho biết.

Ở Hội An, Genta nhớ món ăn quê nhà, nên anh thường xuyên gọi điện về cho mẹ để học cách nấu. Sau đó, anh nghĩ nhiều người Nhật sang đây cũng sẽ như anh và anh quyết định đặt tên Samurai như là khí thế, tinh thần người Nhật tại Hội An.

Genta và thầy cùng nghiên cứu về thiên văn nhiều năm tại Kobe. Khi đến Hội An, Genta nhận thấy bầu trời Hội An thật rộng, không có nhà cao tầng, những vì sao nhìn thấy rõ ràng. Tuy nhiên, khi Genta hỏi những đứa trẻ Hội An có biết gì về những vì sao, thì chúng đều lắc đầu.

“Tại Nhật, trẻ em được học về thiên văn học và khi lớn hơn, chúng có thể tự tìm đến các trung tâm thiên văn để quan sát. Ở Kobe, các trung tâm luôn rộng cửa để giúp trẻ em học và quan sát thiên văn. Đó là cách học sinh có thể mơ về một ngày đặt chân lên ngân hà”, anh nói.

Thế là anh quyết định mang 2 ống kính thiên văn của mình để giúp trẻ em phố Hội được nhìn ông trăng, các ngôi sao trên thiên hà và mời “cộng sự” là thầy Fumitaka giúp đỡ. Kính thiên văn Meade ETX90 có thể giúp dễ dàng nhìn thấy sao Thổ, sao Kim, sao Mộc… Khi quang mây có thể nhìn thấy 12 chòm sao dải Ngân Hà. Thầy Fumitaka đến Hội An lần thứ 2 và tỏ ra rất vui khi những đứa trẻ nhìn qua kính thiên văn và reo lên thích, nói rằng chúng chưa bao giờ thấy mặt trăng gần và to thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Trang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN