Chụp ảnh chân dung chủ thuê bao: 3 sự vô lý

Từ chỗ không được Bộ TT&TT và nhà mạng cung cấp đầy đủ thông tin chính xác mà có rất đông chủ thuê bao di động đã ùn ùn đi chụp ảnh, đi đăng ký lại, gây ra nhiều lãng phí cho xã hội.

Chụp ảnh chân dung chủ thuê bao: 3 sự vô lý - 1

Nhiều người sợ bị khóa thuê bao nên cố hoàn thành thủ tục dù phải chờ đợi. Ảnh: H.DƯƠNG

Nhiều chủ thuê bao di động (TBDĐ) đã phải gấp rút đi đăng ký lại thông tin cá nhân, trong đó có việc bổ sung ảnh trước ngày 24-4 để không bị nhà mạng cắt hai chiều nghe gọi. Có thể nói những phiền toái, lãng phí của việc buộc chủ thuê bao chụp ảnh chân dung xuất phát từ ba điểm vô lý trong quy định lẫn thực thi Nghị định 49/2017.

1. Quyền của nhà mạng không tương thích nghĩa vụ của khách hàng

Nghị định 49/2017 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực vào ngày 24-4-2017 để sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định 25/2011 liên quan đến việc đăng ký TBDĐ theo hướng thông tin thuê bao được mở rộng so với trước.

Theo đó, thông tin thuê bao gồm có: Số thuê bao; đối tượng sử dụng cho từng số thuê bao; thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân (như họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú…) và đặc biệt là ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu.

Điều đáng nói là ứng với ảnh chụp này, Nghị định 49 cho phép các nhà mạng dùng trang thiết bị chụp ảnh khách hàng để lưu giữ, quản lý nhưng lại không hề quy định khách hàng phải chấp nhận cho nhà mạng chụp ảnh (hoặc tự gửi ảnh đến nhà mạng như cách làm trong mấy ngày nay của các nhà mạng). Chi tiết hơn, Nghị định 49 chỉ yêu cầu khách hàng khi đi giao kết hợp đồng phải xuất trình bản chính các giấy tờ tùy thân như CMND, căn cước công dân (CCCD). Thế thôi!

“Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Chiếu theo quy định này của BLDS 2015 thì xem ra Nghị định 49/2017 đã có sự bất đối xứng quyền của nhà mạng trong việc chụp ảnh với nghĩa vụ của khách hàng trong việc phải có ảnh để nộp như thể nhà mạng muốn chụp ảnh ai là chụp!

2. Mâu thuẫn lý do phải có ảnh chụp

Trên báo chí, Cục phó Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Lê Thị Ngọc Mơ giải thích việc chụp ảnh của chủ thuê bao nhằm xác định giao dịch có thật. Theo bà, ảnh chụp giấy tờ tùy thân của chủ thuê bao trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng có thể là giả, có thể được nhân viên giao dịch lấy của người này gắn cho người khác, thời hạn lưu hành của CMND là 15 năm nên khuôn mặt người dùng có sự thay đổi…, vậy nên các chủ TBDĐ phải thể hiện sự “chính chủ” bằng hình ảnh thật, được chụp ở thời điểm hiện tại.

Cần lưu ý là CMND có giá trị chứng nhận những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi quy định. Trên cơ sở đó, Nghị định 03/2013 cho phép người dân được dùng CMND để thuận tiện thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ. Tương tự, Luật CCCD cũng cho phép chủ thẻ này sử dụng thẻ trong các giao dịch.

Với việc buộc phải bổ sung ảnh, chẳng lẽ CMND hoặc CCCD (có sẵn ảnh) không có giá trị để các chủ thuê bao giao kết hợp đồng TBDĐ mà nôm na là để mua SIM? Nếu đúng vậy, Nghị định 49/2017 đang phủ nhận một phần Nghị định 03/2013 và Luật CCCD và có cần thiết phải xung đột như thế?

Sẽ là không thuyết phục nếu vì e ngại có sai lệch thông tin nên phải đòi ảnh chụp riêng. Bởi lẽ theo các quy định trước đây, nhà mạng có nhiệm vụ đối chiếu, kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mua SIM để đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác. Nếu họ không làm đúng yêu cầu khiến SIM rác… tràn lan, mất kiểm soát thì các cơ quan chức năng cứ theo quy định mà chế tài để vi phạm theo đó mà giảm thiểu. Bên cạnh đó, nếu phát hiện có sự giả mạo hoặc dùng giấy tờ của người khác để mua SIM, các cơ quan có thẩm quyền có thể xử phạt hành chính người làm sai.

Tức khi tính xác thực của giao dịch có thể được thể hiện qua việc đăng ký, giao kết hợp đồng với các thông tin thuê bao có đầy đủ căn cứ, kèm theo thời gian, địa điểm cụ thể thì vấn đề cần xem xét chính là mức độ chấp hành của nhà mạng. Bên cạnh đó là năng lực quản lý, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, chứ không phải là “đẻ” ra việc chụp ảnh để gây phiền toái, hao tốn cho mấy chục triệu TBDĐ bị cho là sai thông tin mà phần lớn do lỗi lỏng lẻo của các nhà mạng lẫn các cơ quan có thẩm quyền.

34 triệu là số lượng thuê bao cần tiếp tục bổ sung thông tin, ảnh chân dung tính đến ngày 15-3. Cụ thể, theo ghi nhận của Bộ TT&TT, tại thời điểm 15-3 đã có gần 4 triệu thuê bao trong tổng số 38 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp viễn thông xác định là thông tin chưa đầy đủ, chính xác đã thực hiện việc cập nhật lại thông tin thuê bao.

3. Bất nhất trong triển khai

Những thắc mắc, lo âu của số đông liên quan đến việc chụp ảnh, bổ sung thông tin TBDĐ đã có cách đây một năm, ngay sau khi có Nghị định 49/2017 chứ không phải đợi gần đến “giờ G” (ngày 24-4-2018). Theo lẽ phải có văn bản hướng dẫn chi tiết trường hợp nào phải chụp lại ảnh, trường hợp nào không… để các nhà mạng và các chủ thuê bao có căn cứ triển khai chu đáo, thực thi thống nhất thì rất tiếc Bộ TT&TT chỉ giải thích miệng.

Chẳng hạn, tại buổi làm việc vào chiều 10-4 của lãnh đạo Bộ TT&TT về việc triển khai Nghị định 49/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đưa ra gợi ý khi đã có ảnh CMND chính chủ thì các nhà mạng có thể lấy ảnh này làm ảnh chụp và chỉ cần cập nhật các thông tin còn thiếu (nếu có). Cũng theo ý này, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung khẳng định là các chủ thuê bao đã đăng ký thông tin chính xác và nhà mạng có sao lưu CMND theo đúng Thông tư 04/2012 của Bộ TT&TT thì không cần phải chụp lạiảnh. Thế nhưng gần đây, Cục phó Cục Viễn thông Ngọc Mơ lại có một số phát biểu trên báo chí dẫn đến cách hiểu ảnh trên CMND có thể bị cũ nên người muốn duy trì số thuê bao đang xài buộc phải chụp lại ảnh để xác định đúng nhân dạng.

Từ chỗ không được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết mà rất đông người dân (trong đó có không ít người không thuộc diện bổ sung ảnh theo ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng Bộ TT&TT) đã tự mình hoặc theo nội dung tin nhắn chung chung, không chính xác của nhà mạng ùn ùn đi chụp ảnh, đi kê khai lại thông tin. Để rồi trước tình hình nhiều khách hàng không đăng ký kịp, các nhà mạng đã dời thời hạn đăng ký đến tháng sau. Tuy đây là sự linh động để khách hàng không bị thiệt nhưng thực ra là nhà mạng đã có thêm việc thực hiện không tốt quy định về quản lý TBDĐ, cụ thể là vi phạm mốc thời gian hoàn thành cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao được Nghị định 49/2017 quy định là ngày 24-4-2018.

Và sau cùng, thực tế triển khai mấy ngày qua đã cho thấy đòi hỏi ảnh chụp đã không đảm bảo được “sự hợp lý, đơn giản, không gây phiền hà và không làm phát sinh thêm chi phí cho các chủ thuê bao” trong phương thức, thủ tục đăng ký TBDĐ từng được Bộ TT&TT đề ra trong Thông tư 04/2012.

Chờ Bộ TT&TT cùng Bộ Tư pháp xem xét lại

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một văn bản không bị xem là trái pháp luật nếu phù hợp với luật, thống nhất với các văn bản hiện hành của cùng một cơ quan. Ngược lại, khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo… thì chính cơ quan ban hành văn bản hoặc tự mình hoặc theo yêu cầu của các cơ quan có chức năng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thực hiện việc sửa đổi, bổ sung.

Với Nghị định 49/2017, dư luận đang chờ Bộ TT&TT và Bộ Tư pháp xem xét, báo cáo Chính phủ bãi bỏ việc chụp ảnh khách hàng do không cần thiết và đang bị chỏi với nhiều quy định khác. Nhiều chủ thuê bao cũng đề nghị Chính phủ phục hồi quy định cũ với một ít điều chỉnh. Đó là với bản chính CMND, CCCD do khách hàng xuất trình, các nhà mạng có thể chủ động sao chụp lại bằng nhiều hình thức để xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tập trung. Khi ảnh khách hàng có sẵn trên bản sao các giấy tờ tùy thân hợp pháp cùng được lưu giữ, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng sử dụng thông tin thuê bao cho nhiều mục đích chính đáng.

Trường hợp nào nhà mạng không được cắt liên lạc của chủ thuê bao?

Thuê bao không nhận được tin nhắn mời cập nhật của nhà mạng sẽ tiếp tục yên tâm sử dụng dịch vụ bình thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THU TÂM (Pháp luật TP.HCM)
Thiếu ảnh chân dung bị khóa sim Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN