Chung sống an toàn với Covid-19 thế nào sau ngày 1-10?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng cần có sự điều chỉnh chiến lược chống dịch để "yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái mới, không quá lo lắng..." như thông điệp Thủ tướng Chính phủ đưa ra

Phóng viên: Thưa ông, nhiều người nhận định chúng ta khó "làm sạch" Covid-19 như trước đây. Tại sao như vậy?

PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, trong thời gian ngắn, dịch đã lan rộng hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia đưa ra quan điểm "sống chung an toàn với Covid-19", dần bỏ quan điểm "zero Covid-19". 

Tại Việt Nam cũng vậy, dịch đã "ngấm" tương đối sâu trong cộng đồng, việc "làm sạch" Covid-19, đưa F0 về "zero" trong thời điểm hiện nay là rất khó. Chúng ta chỉ có thể khống chế ở mức độ nhất định, nhất là khi tới đây, chúng ta thực hiện nới lỏng để phát triển kinh tế.

PGS-TS Trần Đắc Phu

PGS-TS Trần Đắc Phu

Nhu cầu làm kinh tế cũng vô cùng quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội, cũng là để có nguồn lực cho phòng chống dịch. Chính vì thế, Thủ tướng mới đưa ra vấn đề cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả; có biện pháp, bước đi phù hợp để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Vậy chúng ta sẽ phải chung sống thế nào với Covid-19?

Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để thích ứng là vẫn phải kiểm soát dịch. Vì tỉ lệ tiêm vắc-xin của nước ta còn thấp, chưa đồng đều giữa các địa phương nên vẫn phải kiểm soát. Nếu số ca mắc cao quá, bệnh viện sẽ quá tải và số tử vong tăng.

Chúng ta có thể tính toán số ca mắc/100.000 dân/tuần tại mỗi địa phương để kiểm soát yếu tố nguy cơ này. Nhưng hoạt động phòng chống sẽ theo hướng linh hoạt, địa phương có số ca mắc ít, truy vết được thì vẫn truy vết; địa phương nào dịch đã xâm nhập cộng đồng quá nhiều thì tập trung điều trị… Đặc biệt lưu ý, khi dịch xảy ra thì phải điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ, phong tỏa ổ dịch theo nguy cơ, phong tỏa hẹp nhất có thể; tránh ngoài chặt, trong lỏng; để vẫn phòng chống dịch được mà không gây ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội.

Điều kiện thứ 2 là phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Điều kiện này là vô cùng quan trọng để Việt Nam nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Khi đạt được miễn dịch cộng đồng thì về lâu dài, có thể "chung sống" như bệnh cúm mùa thông thường.

Để trở lại “bình thường mới”, cần có biện pháp phù hợp để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Để trở lại “bình thường mới”, cần có biện pháp phù hợp để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Điều kiện thứ ba là phải luôn có sẵn cơ sở điều trị để người bệnh được can thiệp y tế khi cần thiết. Phải có hệ thống y tế cơ sở tiếp cận dân, đủ ôxy… để người mắc Covid-19 không bị chuyển nặng, không gây "sụp đổ" hệ thống y tế.

Điều kiện cuối cùng là tất cả các ngành, các cấp, các địa phương phải có phương án bảo đảm an toàn để thích ứng với dịch bệnh một cách phù hợp và linh hoạt, vừa kiểm soát được dịch vừa làm kinh tế. Ví dụ như công nghiệp hoạt động như thế nào, nông nghiệp ra sao, các ngành nghề (chuỗi cung ứng, vận tải, siêu thị...), giáo dục..., học sinh đi học an toàn thế nào. Tất cả các ngành, các địa phương đều phải có phương án thích ứng an toàn với dịch vì có tính đặc thù riêng.

Dưới góc độ một chuyên gia, theo ông, để linh hoạt chống dịch, thích ứng an toàn với dịch bệnh thì các địa phương cần làm gì?

Việc linh hoạt chống dịch cũng tùy từng địa phương. Chẳng hạn, địa phương chưa có ca bệnh sẽ thực hiện khoanh vùng, phong tỏa, truy vết được. Còn với các khu công nghiệp, khu chế xuất thì Bộ Y tế đều đã có hướng dẫn.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương cần linh hoạt trong phương án để vừa chống dịch vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Hiện một số nơi đã thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến". Cung đường là nơi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc và 2 điểm đến là nơi ở và nơi làm việc của người lao động. Trong đó, nơi ở là nơi người lao động ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt để tái tạo sức lao động; có thể là nơi tập trung hoặc phân tán theo nhóm người lao động hoặc gia đình của người lao động.

Còn với những nơi không thể truy vết được như TP HCM thì phải giảm số mắc, giảm số bệnh nhân nặng; điều trị sớm, hạn chế quá tải, chống lây lan bằng cách cho cách ly điều trị tại nhà, giảm tử vong. Chẳng hạn, để tránh tình trạng quá tải người mắc Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị và tạo tâm lý thoải mái cho F0 mau hồi phục sức khỏe thì mô hình điều trị, cách ly F0, F1 tại nhà đã phát huy hiệu quả.

Trong sản xuất, sinh hoạt, học tập cần lưu ý các điều gì? Nhất là khi trẻ em chưa được tiêm chủng?

Trẻ em chưa tiêm vắc-xin cũng là đối tượng dễ bị tổn thương. Người đã tiêm vắc-xin rồi vẫn có thể mắc bệnh và lây bệnh sang trẻ em nên phải phòng bệnh cho đối tượng này. Bản thân trẻ em cũng phải phòng bệnh, phòng bệnh trong trường học và thực hiện nghiêm quy tắc 5K. Bởi nếu trong 1 gia đình có người mắc thì trẻ em cũng là nguy cơ.

Các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị phải xây dựng phương án an toàn để phòng bệnh cho nhân viên, người lao động. Phương án cụ thể phải tùy từng địa phương nhưng phải có phương án an toàn. Các địa phương cũng phải xây dựng phương án để vào vệ "vùng xanh", ngõ xóm, phường - xã, chợ búa an toàn. Cần thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm đối tượng và vùng nguy cơ, chẳng hạn bệnh viện, chợ hoặc "vùng xanh" có ca nghi ngờ.

Với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… hay các điểm du lịch, liệu có sự khác biệt nào trong thực hiện "chung sống an toàn với Covid-19" không thưa ông?

Theo tôi, tùy theo tính chất dịch để có các biện pháp phòng chống cũng như thực hiện giãn cách. Ở nhiều nước, khi dịch bùng phát và lây lan mạnh, họ thực hiện giãn cách để hạn chế việc quá tải cho hệ thống y tế. Tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, mỗi địa phương, khu vực cũng cần có phương án cụ thể, tùy tình hình dịch bệnh.

Đối với TP HCM, một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, phải có những biện pháp chống dịch đặc biệt, như tập trung kiểm soát nguồn lây, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin; sau đó, dần nới lỏng các hoạt động sản xuất - kinh doanh theo trạng thái "bình thường mới".

Cần cơ chế riêng cho TP HCM

PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng TP HCM đang có số ca mắc cao nhưng tỉ lệ tiêm vắc-xin cũng cao thì cần có những cơ chế riêng cho vùng này.

Theo đó, thiết lập vành đai an toàn xung quanh khu vực này, có quy định việc đi lại của người dân trong thành phố cũng như đi ra ngoài thành phố để người dân có điều kiện làm việc sau tháng ngày dài giãn cách nhưng đồng thời không để dịch lây lan ra các địa phương khác, nhất là những nơi đang có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Người dân Thủ đô phấn khởi trong ngày hội ”toàn dân tập thể dục”

Các vườn hoa, đường ven hồ nhộn nhịp trong sáng đầu tiên Hà Nội cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC DUNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN