Chùm ảnh: Xem “đụng lợn” ngày Tết ở làng quê
Chú lợn khoảng 80kg được chia làm 4 phần cho 4 gia đình để lấy thịt gói bánh chưng, làm giò, ăn Tết…
Tục lệ “đụng lợn” ở làng Kiến Châu, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có từ thời xa xưa. Đến nay, dù các cửa hàng, siêu thị mọc lên rất nhiều, các loại thức ăn luôn sẵn có, nhưng người dân Kiến Châu vẫn duy trì tục “đụng lợn” ngày Tết để giữ gìn tập tục đẹp của cha ông và tạo không khí gắn kết, chan hòa tình làng nghĩa xóm.
Bà Thắm (chủ nuôi lợn, làng Kiến Châu) cho biết, trước khi “đụng lợn”, các gia đình đã bàn nhau để lại một con từ trước Tết khoảng 5-6 tháng. Đây là con lợn còi được gia chủ nuôi bằng những thức ăn truyền thống như rau, cám ngô, vì thế, lợn thường nạc và rất chắc thịt.
Với mục đích nuôi để ăn Tết chứ không bán nên việc lỗ lãi không quan trọng đối với gia đình bà Thắm. Những người tham gia “đụng lợn” tại nhà bà Thắm đều là anh em, trong họ hoặc hàng xóm thân cận.
Việc thực hiện “đụng lợn” khá đơn giản. Đúng 6h sáng 27 Tết, chú lợn khoảng 80kg của nhà bà Thắm được đưa đi tắm rửa sạch sẽ. Tiếng lợn kêu hòa với tiếng dao, tiếng thớt, tiếng nồi niêu xoong chảo, tiếng cười nói, tiếng gọi nhau khiến không khí những ngày cận Tết càng trở nên rộn ràng.
Sau khi chọc tiết, lợn được cạo lông sạch sẽ, phanh mổ bày ra trên chiếc nong phủ lá chuối xanh. Phần thịt, xương được pha ra thành từng tảng to, sau đó được chia thành các phần đều nhau. Để chia đều, số thịt, xương được cân hết và chia theo số người và tỷ lệ “ăn đụng”. Các gia đình “đụng lợn” để lấy thịt gói bánh chưng, làm giò chả và nấu đông…
Mỗi người chia nhau một việc. Người đun nước, người cạo lông, người làm lòng. Phụ nữ thì chuẩn bị muối mắm, hành răm, rổ rá, chậu thau, lá chuối để đựng phần. Đám trẻ con chạy quanh, thích thú xem cảnh đụng lợn và nghe sai bảo làm những việc vặt cho người lớn.
Ông Phạm Văn Cừu (một trong số những người “đụng lợn” với gia đình bà Thắm) chia sẻ: “Chúng tôi sẽ phát huy tục “ăn đụng” vào năm sau. Bởi “đụng lợn” vừa giữ được tục lệ truyền thống, vừa tạo không khí rộn ràng, vui vẻ, chan hòa với hàng xóm”.
Dưới đây là chùm ảnh "đụng lợn" được ghi nhận vào ngày 27 Tết:
Lợn được bắt từ chuồng về để chuẩn bị giết mổ.
Đem cân lợn trước khi mổ để tính tỉ lệ thịt khi chia nhau.
Những người đàn ông tham gia "đụng lợn" khiêng ra thềm giếng chuẩn bị chọc tiết.
Lợn được tắm rửa sạch sẽ trước khi mổ.
Thanh niên có sức khỏe và kinh nghiệm thực hiện việc chọc tiết.
Trong khi đó, những người khác ngồi nhặt hành.
Sau khi mổ lợn, một số người ngồi làm lòng.
Sau khi lợn làm sạch sẽ, cân lại lợn để chia tỷ lệ cho đều.
Chia lợn thành từng mảnh đều nhau.
Sau khi thịt đã chia xong, các gia đình nhận phần thịt của mình đem về ăn Tết.
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])