Chùm ảnh: Những người lính rà phá bom mìn
Những người lính rà phá bom mìn vẫn miệt mài đối mặt với tử thần để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Chiến tranh đã lùi xa, dân tộc Việt Nam đang sống trong ấm no hòa bình, độc lập tự do. Khúc ruột miền Trung – Tây Nguyên trước đây oằn mình gánh chịu bom, đạn của kẻ thù cũng đã hồi sinh tươi tốt. Nhưng ẩn sâu trong lòng đất vẫn còn đó những hậu quả của chiến tranh để lại. Bom, mìn, đạn chưa nổ và cả những vùng đất bị ô nhiễm về chất độc hóa học Di-ô-xin vẫn gây ra những tang thương cho người dân vô tội.
Nhiều năm qua, các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là lực lượng bộ đội Công binh vẫn miệt mài ngày đêm dò tìm, xử lý, tiêu hủy bom, mìn, vật liệu nổ trên các mảnh nương, rẫy, khu dân cư… cố gắng xóa sạch những vùng đất bị ô nhiễm bởi bom, mìn.
Cuộc chiến thầm lặng ấy vẫn hết sức ác liệt và gian khổ, không quản tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, những người lính rà phá bom mìn vẫn miệt mài đối mặt với tử thần để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Xin gửi đến độc giả một số hình ảnh về công tác rà, phá bom mìn của lực lượng Công binh trên địa bàn Miền Trung – Tây Nguyên.
Cán bộ, chiến sĩ Công ty Trường An thuộc Bộ Tổng tham mưu thực hiện dò gỡ bom, mìn trên địa bàn xã Hòa Nhờ, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng
Máy dò nông được sử dụng phổ biển, máy có khả năng phát hiện bom, đạn ở độ sâu từ 1-3m
Ngoài ra các lực lượng công binh còn được trang bị máy dò sâu Valloon EC1303A1 có khả năng dò sâu đến 5m
Phát hiện một quả bom loại 250 cân Anh ở độ sâu hơn 2m
Gian khó, vất vả, hiểm nguy-đó là những gì người lính công binh phải đối mặt khi làm nhiệm vụ dò, gỡ bom, mìn sót lại sau chiến tranh
Ngay sát khu dân cư phường Hòa Quý quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) lực lượng Trung tâm dò phá bom mìn 20 thuộc Tổng công ty 36 phát hiện một quả bom ở độ sâu khoảng 1m
Bom, mìn, vật liệu nổ được quy tập chờ đưa đi hủy nổ
Anh Nguyễn Hưng (1973) ở Tổ 1 phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, bị mù 2 mắt, chân, tay, bụng bị nhiều vết thương nặng do vướng phải mìn khi đi chăn trâu năm 1985
Nhóm Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao quà cho A Luyện ở làng Kon Trang Kép, xã Đắkla, huyện Đắk Hà (Kon Tum) nạn nhân duy nhất sống sót sau vụ nổ lựu đạn 9/11/2007. 3 đứa trẻ chăn trâu cùng Luyện là A Cảo, A Thế, A Luy bị chết tại chỗ khi quả lựu đạn phát nổ.
Những bản làng mới với những con đường uốn lượn như dải lụa trên vùng đất đỏ Ba zan phì nhiêu rợp màu xanh tươi tốt của cây cà phê, tiêu… Có ai biết chúng được mọc lên từ những bãi mìn dày đặc trước kia. Sự sống đang được hồi sinh trên “vùng đất chết” là do một phần công sức không nhỏ của những người chiến sĩ công binh.