Chửi người khác "ngu" trên Facebook có bị xử phạt?
Nhiều người sử dụng Facebook hiện nay khá vô tư buông lời xúc phạm người khác hoặc chửi người khác “ngu như bò”… Những hành vi này có bị xử phạt?
Chị Hằng thừa nhận câu chuyện mình chia sẻ trước đó trên mạng facebook là không có căn cứ và làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm nên đã đăng đàn xin lỗi.
Hành vi như thế nào bị coi là xúc phạm người khác?
Mới đây, chị Bùi Thị Thanh Hằng (Hà Nội) chia sẻ công khai trên facebook cá nhân thông tin cho rằng cậu con trai 15 tuổi đang biểu diễn đàn violon bên hồ Hoàn Kiếm thì bị công an thu đàn và có lời lẽ quát tháo, nạt nộ.
Tuy nhiên, sau đó, báo cáo của các thành viên trong tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra phố đi bộ của quận Hoàn Kiếm cho thấy, không có việc cán bộ có hành vi quát tháo, nạt nộ cháu bé. Chị Hằng sau đó đã xin lỗi Công an quận Hoàn Kiếm.
Ngoài vụ việc trên, rất nhiều người dùng mạng xã hội đăng tải những thông tin bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tổ chức hoặc đưa thông tin sai sự thật đã bị xử phạt.
Nhiều người đặt câu hỏi, sử dụng mạng xã hội như thế nào cho phù hợp, tránh xúc phạm, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của người khác? Và nếu vi phạm sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, mọi hành vi xúc phạm, danh dự nhân phẩm, uy tín người khác là trái pháp luật.
“Theo cách hiểu chung thì xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm là có những lời lẽ hoặc hành động có tính chất thóa mạ, khinh bỉ để bôi nhọ người khác hoặc gán một sự kiện xấu xa cho người khác làm xã hội đánh giá sai hay hình dung sai về người đó.
Ví dụ, anh A thấy anh B làm một việc gì đó liền chửi bới anh B là làm việc “ngu như bò, ngốc như lợn” trước đám đông. Hoặc anh A lên Facebook chửi bới anh B làm việc “ngu như bò” là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Hành vi ví anh B như một loài vật nuôi trước đám đông hoặc cộng đồng mạng của anh A rõ ràng đã hạ thấp danh dự, nhân phẩm của anh B.
Ngoài ra, các hành vi đăng tải trên mạng xã hội thông tin chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ cũng là vi phạm pháp luật”, luật sư Kiên cho biết.
Theo luật sư Kiên, Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định, các hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vu khống” hoặc "làm nhục người khác".
Theo luật sư Kiên, mỗi cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
“Anh A có thể xúc phạm, chửi anh B “ngu như bò” nhưng nếu anh B bực tức, thiếu kiềm chế có hành vi tượng tự thì vẫn bị xử lý. Dù vậy, nếu bị hại không có đơn đề nghị xử lý đối tượng thì cơ quan điều tra sẽ không có căn cứ xử phạt”, luật sư Kiên nói.
Sử dụng mạng xã hội như thế nào để tránh bị phạt?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết, việc sử dụng mạng xã hội như Facebook để bày tỏ ý kiến cá nhân hoặc bình luận trên mạng xã hội là quyền của mỗi con người.
Tuy nhiên, khi quyết định chia sẻ tới cộng đồng thông tin gì đó, đặc biệt là những thông tin có thể gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của người khác, đặc biệt là thông tin “cáo buộc” người khác phạm tội thì người dùng mạng xã hội cần xem xét kỹ thông tin có đủ tin cậy hay không.
“Mới đây, nhiều người đăng ảnh, clip hình ảnh 2 phụ nữ bán tăm bị đánh ở Sóc Sơn (Hà Nội) lên Facebook kèm theo thông tin “kết tội” họ bắt cóc trẻ em. Nhưng sự thật không phải vậy, công an kết luận, hai phụ nữ này bị đánh oan.
Hai phụ nữ bán tăm bị người dùng mạng xã hội “kết tội” oan bắt cóc trẻ em
Những người dùng mạng xã hội chia sẻ hình ảnh 2 người bán tăm kèm theo những lời xúc phạm, cáo buộc 2 phụ nữ phạm tội có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”, luật sư Thơm nói.
Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho rằng, để tránh bị xử phạt và gây ảnh hưởng tới cá nhân, xã hội, người dùng mạng xã hội khi đăng tải, chia sẻ thông tin tới cộng đồng mạng cần kiểm chứng độ tin cậy. Không nên chia sẻ những thông tin có thể gây ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức hoặc gây hoang mang dư luận nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm chứng, công bố.
“Mạng xã hội hiện rất phát triển, chỉ một chia sẻ hoặc một bình luận công khai có thể thu hút hàng triệu người xem và chia sẻ thêm. Vì vậy, có nhiều người sử dụng mạng xã hội như một công cụ để trục lợi hoặc thực hiện ý đồ xấu.
Người đăng tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức, gây hoang mang dư luận đương nhiên bị xử lý. Tuy nhiên, người chia sẻ công khai lại thông tin này mà gây hậu quả nghiêm trọng cũng bị xử lý”, luật sư Thơm nói.
Các bước cần làm để xử lý đối tượng xúc phạm, bôi nhọ trên mạng xã hội Luật sư Lê Văn Kiên cho biết: Nếu phát hiện bị bôi nhọ, xúc phạm trên mạng xã hội, trước hết, bị hại cần sao chụp lại toàn bộ trang mạng đã đưa thông tin này và lập tức nhờ Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng. Vi bằng được coi là chứng cứ hợp pháp để cá nhân bị xúc phạm liên hệ cơ quan chức năng nhờ can thiệp, yêu cầu xin lỗi công khai. Kế tiếp, bị hại yêu cầu người xúc phạm mình gỡ bỏ những thông tin sai lệch xuống và xin lỗi công khai. Nếu người xúc phạm đã thực hiện việc gỡ bỏ, bị hại cân nhắc việc khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người bị xúc phạm có thể gửi đơn tố cáo đến công an, kèm theo vi bằng để làm chứng cứ xử lý đối tượng xúc phạm, bôi nhọ, vu khống mình. “Với các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tìm ra đối tượng bôi nhọ trên mạng xã hội ngay cả khi đối tượng sử dụng “nick ảo”, luật sư Kiên đánh giá. |
Chủ nhân của những thông tin xuyên tạc, vu khống người khác trên facebook bị xử phạt. Vậy những người chia sẻ thông tin...