Chưa xe nào đóng phí bảo trì đường bộ

Mặc dù đã có nơi niêm yết mức thu nhưng ngay trong ngày 1/1/2013, chưa địa phương nào thu được phí bảo trì đường bộ.

Theo quy định thì từ ngày 1/1/2013, gần 40 triệu phương tiện giao thông đường bộ trên cả nước sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ (BTĐB), mức thu và cách thức thu do HĐND các tỉnh, TP tự quyết định theo khung phí tại  Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, chỉ mới có tỉnh Đồng Nai chính thức triển khai nhưng cho đến cuối ngày vẫn chưa có thông tin về số lượng chủ phương tiện đóng phí.

Mới chỉ niêm yết

Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết Trung tâm Đăng kiểm Đồng Nai và 3 chi nhánh đăng kiểm (Long Thành, Định Quán, Long Khánh) đã chuẩn bị sẵn sàng nhân viên thu phí, máy móc in ấn chứng từ và tem sử dụng đường bộ theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Tại nơi nhận hồ sơ đăng kiểm ở các trung tâm, chi nhánh đều niêm yết bảng công khai mức thu phí để tài xế, chủ xe tìm hiểu.

Tại tỉnh Đồng Nai, phí BTĐB được thu song song với phí đăng kiểm khi tài xế, chủ xe đến làm thủ tục đăng kiểm. Phí được thu theo thời gian của chu kỳ đăng kiểm (3 tháng, 6 tháng… đến 30 tháng) của phương tiện. Biểu thu phí các loại ô tô, rơ-moóc có 11 mức. Mức thấp nhất (ô tô dưới 10 chỗ) là 130.000 đồng/tháng và mức cao nhất (xe tải, ô tô chuyên dùng trên 27 tấn) là 1 triệu đồng/tháng; mức thu đối với ô tô của lực lượng quốc phòng, công an dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng/năm/phương tiện.

Chưa xe nào đóng phí bảo trì đường bộ - 1

Các trạm đăng kiểm ở Hà Nội đều đóng cửa trong ngày 1/1 (Ảnh chụp tại Trạm Đăng kiểm xe cơ giới 29.03S). Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Trạm thu phí T1 trên Quốc lộ 51 (từ Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu) triển khai thu với mức thu thấp nhất là 20.000 đồng/lượt đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và xe buýt công cộng; mức thu cao nhất là 160.000 đồng/lượt đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container loại 40 feet.

Tại Hà Nội, tất cả các trạm đăng kiểm xe cơ giới đều đóng cửa trong ngày Tết Dương lịch 1/1. Tuy nhiên, tại Trạm Đăng kiểm xe cơ giới 29.03S (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), đã niêm yết mức thu phí áp dụng cụ thể cho từng loại xe. Trong sáng 1/1 đã có hàng chục lái xe ô tô đến xem để tìm hiểu thông tin. Anh Nguyễn Viết Long, lái xe tải, cho biết chỉ còn vài ngày nữa anh phải đưa xe đi đăng kiểm lại nên tiện thể sẽ đóng phí luôn.

Chờ hướng dẫn

Tại TP Đà Nẵng, theo kế hoạch, việc thu phí BTĐB sẽ chính thức được áp dụng vào ngày hôm nay (2/1). Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, nói trước mắt chỉ áp dụng đối với ô tô và thực hiện thu tại trung tâm đăng kiểm; với xe máy thì chưa thể thực hiện được vì phải chờ quyết định cuối cùng của HĐND TP. Tuy nhiên, phương án mà Sở GTVT TP Đà Nẵng đưa ra là giao về các tổ dân phố chịu trách nhiệm thu.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, sở chưa chỉ đạo trung tâm đăng kiểm thu vì phải còn chờ văn bản của tỉnh ủy, UBND tỉnh có đồng ý hay không mới thực hiện; hơn nữa, Bộ GTVT có ra lệnh thu thì sở mới chỉ đạo thu. Tương tự, các địa phương như Long An, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và TP Cần Thơ cũng chưa có phương tiện tham gia giao thông nào phải đóng phí trong ngày 1/1. Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau, nói: “Nghị định đã có hiệu lực nhưng các địa phương cần có thời gian để xây dựng phương án khả thi, thông qua HĐND chứ không thể áp dụng ngay được”.

Không thấy ai kêu đóng!

Nhiều người dân vẫn dửng dưng, thậm chí chưa nắm được thông tin về việc đóng phí BTĐB. Chị Vũ Phương Thùy (ngụ thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai - Bạc Liêu) ngạc nhiên: “Thu phí BTĐB? Nói thật, giờ tôi mới được nghe!”. Anh Nguyễn Minh Đương (ngụ xã Tắc Vân, TP Cà Mau) bày tỏ: “Tôi có nghe nói nếu đến ngày 1/1/2013, phương tiện tham gia giao thông không đóng phí sẽ bị phạt nhưng đến bây giờ tôi không thấy ai kêu đóng phí và bản thân tôi cũng không biết phải đóng ở đâu”.
 
Trong khi đó, ông Trương Đắc Đoan, chủ quán cà phê Nhân ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa - Hà Nội, băn khoăn rằng với việc thu phí này, cán bộ phường không thể thu được vì xe máy giờ không chính chủ rất nhiều, nếu phường đến thu mà người dân nói đây là xe mượn thì làm sao thu?
 
Tại TPHCM, khi được hỏi về trách nhiệm thu phí BTĐB, nhiều tổ trưởng tổ dân phố tỏ ra ngạc nhiên, cho biết chưa nghe ai nói đến hay triển khai bất cứ thông tin nào liên quan. Ông Trần Bá Lâm, tổ trưởng tổ 9, ấp 3A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nói: “Cho dù được phân công đi nữa, tôi thấy việc này chẳng khả thi chút nào.
 
Tổ trưởng có quyền hành, nghiệp vụ gì về thuế, phí đâu mà đi thu từng nhà”. Còn theo bà Thái Thị Mười, tổ trưởng tổ 12 của xã này, nếu thực hiện thì cấp trên phải xuống địa bàn, tổ chức họp toàn dân cư trong tổ để thông báo, giải thích rõ về mức tiền phải đóng, công khai phân nhiệm cho người đi thu và phải có biên lai, biên nhận đàng hoàng. “Bây giờ mà bảo chúng tôi đến nhà dân thu phí BTĐB thì dân họ chửi cho. Đâu phải ai cũng đọc báo mà biết có cái loại phí đó” - bà Mười nhận định.


Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN