Chùa Vĩnh Nghiêm nhận tro cốt từ chùa Kỳ Quang 2 ra sao?
“Chùa Vĩnh Nghiêm nhận giữ miễn phí các tro cốt đã được gửi tại chùa Kỳ Quang 2” - Thượng tọa Thích Thanh Phong nói.
Trong cuộc họp với các thân nhân có gửi tro cốt người thân tại chùa Kỳ Quang 2 chiều 5-9, Thượng tọa Thích Quang Thạnh, người được cử phụ trách công việc tại chùa đã công bố ba phương án giải quyết các tro cốt bị xáo trộn.
Trong đó có phương án đối với các tro cốt xác định được danh tính mà thân nhân không muốn để tại chùa Kỳ Quang 2 thì nhà chùa sẽ giới thiệu gửi vào chùa Vĩnh Nghiêm. Sau thông báo trên của Thượng tọa Thích Quang Thạnh, nhiều thân nhân các tro cốt và bạn đọc Pháp Luật TP.HCM bày tỏ thắc mắc về thủ tục nhận tro cốt của chùa Vĩnh Nghiêm sẽ tiến hành ra sao.
Chúng tôi đã trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG VN), trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, về vấn đề này.
Nhận giữ miễn phí tro cốt
. Phóng viên: Thượng tọa có thể chia sẻ nguyên nhân chùa Vĩnh Nghiêm được GHPG VN TP.HCM lựa chọn làm nơi lưu giữ tiếp các tro cốt đang gửi tại chùa Kỳ Quang 2?
+ Thượng tọa Thích Thanh Phong: Sau khi nhận được các thông tin về vụ việc thất lạc di ảnh và tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2, chùa Vĩnh Nghiêm đã chủ động liên lạc với GHPG VN tại TP.HCM mong được nhận giữ các tro cốt đang gửi ở chùa Kỳ Quang 2 nếu thân nhân không muốn tiếp tục gửi tại đấy.
Chùa Vĩnh Nghiêm nhận giữ nhằm hỗ trợ chùa Kỳ Quang 2 sớm giải quyết việc không may xảy ra tại chùa. Đồng thời, mong muốn các thân nhân được an lòng, giải tỏa các bức xúc trong thời gian qua.
Điều này xuất phát từ tôn chỉ hộ quốc an dân của người tu học đạo Phật.
. Thân nhân có tro cốt đang gửi ở chùa Kỳ Quang 2 cần thực hiện các thủ tục ra sao để chuyển tro cốt về gửi tại chùa Vĩnh Nghiêm?
+ Trước tiên, các thân nhân phải liên lạc với chùa Kỳ Quang 2 để làm thủ tục nhận lại cốt và chùa Kỳ Quang 2 sẽ cấp giấy giới thiệu để thân nhân đến gửi cốt tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Sau đó, thân nhân có thể mang tro cốt và giấy giới thiệu đến chùa Vĩnh Nghiêm để làm thủ tục gửi tro cốt.
Về thủ tục gửi tro cốt, nhà chùa sẽ yêu cầu người gửi cung cấp danh tính tro cốt gửi và thông tin của người gửi tro cốt.
Thân nhân có tro cốt đang gửi ở chùa Kỳ Quang 2 nếu muốn gửi vào chùa Vĩnh Nghiêm, nhà chùa sẽ nhận giữ miễn phí.
Hiện nhà chùa đã nhận giữ hơn 20.000 tro cốt và tiếp tục có thể nhận giữ hơn 1.000 tro cốt nữa.
Tro cốt được gửi vào chùa sẽ được làm lễ nhập tháp, đọc kinh cầu siêu và được gửi vĩnh viễn.
Thượng tọa Thích Thanh Lực (Trưởng ban Điều hành tháp cốt, chùa Vĩnh Nghiêm) hướng dẫn cách lưu giữ tro cốt tại chùa. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Sổ lưu mã số hũ cốt và danh tính người mất tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Khó có chuyện bị xáo trộn
. Tại chùa Vĩnh Nghiêm, có cách nào để lưu giữ tro cốt tại chùa để tránh trường hợp bị xáo trộn?
+ Tro cốt được nhà chùa lưu giữ trong tháp cốt. Nhà chùa có ban điều hành tháp cốt.
Công tác quản lý tro cốt đưa vào bảo tháp cũng như đưa tro cốt ra ngoài được ban điều hành tháp cốt chùa thực hiện rất chặt chẽ thông qua biên nhận gửi tro cốt vào.
Nguyên tắc, khi hoàn thành thủ tục nhận giữ tro cốt, nhà chùa sẽ cấp cho người đăng ký gửi một biên lai. Chỉ có người đã từng gửi cốt vào mang theo biên lai mới có thể đưa cốt ra ngoài.
Trong tháp cốt, mỗi tầng, mỗi kệ để các hũ cốt đều được ghi thứ tự theo chữ cái A, B, C… và số 1, 2, 3…
Mỗi hũ tro cốt được gửi vào đều có một mã số để thuận tiện cho việc quản lý.
Người thân đến thăm viếng chỉ cần nói tên, ban điều hành sẽ hỗ trợ tìm vị trí đặt tro cốt người thân của họ.
Không may nếu di ảnh của tro cốt bị mất hay bị mờ, không xác định được danh tính, nhà chùa vẫn có thể dựa trên vị trí để cốt để truy ra danh tính người mất.
Đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm chưa từng xảy ra trường hợp xáo trộn tro cốt.
Nhà chùa cũng thực hiện việc lưu giữ các mã số hũ cốt vào sổ và trên hệ thống máy vi tính.
Rút kinh nghiệm từ vụ việc chùa Kỳ Quang 2, chùa Vĩnh Nghiêm đã có thông báo yêu cầu các thân nhân có tro cốt gửi vào chùa ghi thông tin người mất dưới mỗi hũ cốt.
. Qua vụ việc chùa Kỳ Quang 2, xin thượng tọa chia sẻ những kinh nghiệm chung cho việc gửi giữ tro cốt ở các chùa?
+ Ở góc độ nhà chùa nhận giữ tro cốt cần có thu xếp không gian thờ cúng trang nghiêm. Nhà chùa cần có đầy đủ điều kiện về phương tiện và nhân lực để bảo quản, giám sát việc lưu giữ, thờ cúng các tro cốt. Việc gửi tro cốt phải có biên bản gửi giữ, biên lai nhận gửi của nhà chùa.
Nhà chùa cũng cần có biện pháp lưu trữ thông tin đầy đủ người mất và người gửi tro cốt.
Đừng quá đặt nặng việc gửi tro cốt vĩnh viễn . Nhiều quan điểm cho rằng cứ gửi tro cốt vào chùa thì cũng đến lúc nhà chùa quá tải, hết chỗ. Vậy phải làm sao với tro cốt của thân nhân? Nhiều người không đành lòng rải tro cốt người thân xuống biển? Ý kiến của thượng tọa về vấn đề này như thế nào? + Thượng tọa Thích Thanh Phong: Gửi tro cốt vào chùa là xuất phát từ niềm tin tâm linh của người dân. Ai cũng mong người gửi tro cốt người thân vào chùa để linh hồn người thân được nghe kinh kệ, được cầu nguyện mà sớm ngày vãng sinh cực lạc. Đây là nhu cầu lành mạnh, theo thời gian nhu cầu này càng tăng lên. Dĩ nhiên, sẽ đến lúc các chùa không thể tiếp tục nhận tro cốt. Quan điểm của chùa Vĩnh Nghiêm sẽ nhận giữ tro cốt đến khi hết chỗ và tro cốt được giữ ở chùa vĩnh viễn, không phân biệt thời gian gửi. Tuy nhiên, nhà chùa cũng khuyên Phật tử, người dân đừng quá đặt nặng việc tro cốt nhất thiết phải gửi ở chùa vĩnh viễn hay nhiều năm thì người mất mới được siêu thoát. Chúng ta hãy xem tro cốt như một di vật của người mất để lại. Còn muốn người mất sớm đạt an vui cực lạc thì người còn sống nên hành thiện, tích đức cho mình và cho người thân quá cố. Nhiều quốc gia khác theo đạo Phật, khi tro cốt của thân nhân gửi được một thời gian, người thân sẽ tự nguyện đến chùa nhận lại tro cốt và thủy táng, còn di ảnh thì được tiếp tục thờ ở chùa. Nhiều chùa tại Nhật Bản còn có các tượng Phật được đúc bằng tro cốt từng gửi ở chùa. Đây là những ví dụ chúng ta nên học hỏi. |
Mỗi lượt sẽ có khoảng 10 người vào tìm trong vòng 30 phút, để không ồn ào, giữ tâm thanh tịnh và tránh tình trạng tập...
Nguồn: [Link nguồn]