Chùa Trăm Gian bị phá: Sự việc đáng kinh ngạc
“Đây là việc làm thật hiếm có và rất đáng kinh ngạc, cần phải phê phán mạnh mẽ”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói như vậy trước thông tin chùa Trăm Gian bị hủy hoại không thương tiếc (Báu vật không người trông coi).
Trao đổi với người viết qua điện thoại, bằng giọng rất đỗi bức xúc, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết trong mắt ông, di tích chùa Trăm Gian ở Chương Mỹ (Hà Nội) là một công trình cổ có kiến trúc nghệ thuật truyền thống tuyệt đẹp, tụ chứa nhiều giá trị cả về lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc.
Cần phải xử lý thật nghiêm
Hiểu giá trị của ngôi chùa thuộc hạng quý hiếm này ở VN, GS Thuyết nhấn giọng: “Nhưng nếu đúng như dư luận báo chí phản ánh thì bản thân tôi hết sức bàng hoàng, sửng sốt, xen lẫn chua xót vì chúng ta đã mất đi một di sản có giá trị cực kỳ quý hiếm. Bởi đây là tài sản không chỉ của huyện Chương Mỹ, của Hà Nội mà còn của cả quốc gia và thế giới”.
Đông người “góp sức” phá dỡ, làm mới di tích nhưng chính quyền xã, huyện đều trả lời “không biết”
Cũng theo ông, trước đây ở một số địa phương đã xảy ra một vài vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích dẫn đến công trình bị biến dạng, sai lệch và mất mát nhiều giá trị vốn có. Nhưng việc tự ý, tùy tiện tháo dỡ nhiều hạng mục công trình cổ ở chùa Trăm Gian - di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia - rồi dựng mới mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là trường hợp hiếm có của VN. “Đây là việc làm dại dột, hết sức đáng kinh ngạc, cần phải lên án mạnh mẽ trước công luận”, GS Thuyết đề nghị.
Khi được hỏi trách nhiệm thuộc về ai hay lại rơi vào tình trạng “hòa cả làng”, là một người rất có kinh nghiệm trong việc giám sát thực hiện Luật di sản văn hóa, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ: Theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trách nhiệm trước hết thuộc về người đưa ra chủ trương cũng như người tháo dỡ công trình cổ. Tiếp đó, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương sở tại mà cụ thể ở đây là UBND xã, UBND huyện. Người dân xây dựng một ngôi nhà không phép, chính quyền địa phương phát hiện và xử lý ngay.
Còn ở đây, làm sao một công trình di tích nằm gần trụ sở UBND xã bị tháo dỡ, thi công mấy tháng liền mà lại nói chính quyền xã, huyện không biết. “Nếu đúng như dư luận báo chí phản ánh rằng việc làm này chính quyền xã, huyện không biết thì không thể chấp nhận được”!. Ông giải thích gần như ở phường, xã nào cũng có ban quản lý di tích do một phó chủ tịch làm trưởng ban. Ban quản lý này có trách nhiệm bảo vệ, ngăn chặn tình trạng xâm phạm di tích. Việc chùa Trăm Gian bị hủy hoại có một phần trách nhiệm rất lớn của ban quản lý này vì đã không hoàn thành nhiệm vụ được Luật di sản văn hóa quy định.
“Cần phải thanh tra, kiểm tra và đánh giá mức độ vi phạm. Nếu trong chừng mực nào đó thì có thể xử lý hành chính, còn nếu vi phạm nghiêm trọng, gây hủy hoại di sản thì cần phải xử lý hình sự. Và cần phải xử lý hình sự để có biện pháp răn đe đối với nhiều tổ chức, cá nhân khác”, GS Thuyết nói.
“Kể ra còn nhiều lắm”
Cũng liên quan đến câu chuyện chùa Trăm Gian, PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống, chỉ biết thở dài thườn thượt và ngao ngán. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói rằng “đau thì đau thật đấy. Nhưng trường hợp này chưa phải là duy nhất đâu. Còn nhiều lắm. Có một ngôi đình cổ nằm cách xa bờ hồ Hoàn Kiếm vài cây số cũng vừa bị người ta làm lại, xây mới hết rồi”.
Ông kể cách đây mấy năm chính quyền địa phương và người dân tu bổ, tôn tạo đình Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) - một ngôi đình cổ có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Khi xuống kiểm tra thì thấy rất nhiều cấu kiện kiến trúc có giá trị bị người ta loại bỏ một cách không thương tiếc. Nói mãi cũng không thấy họ đưa vào tái sử dụng. Cục Di sản văn hóa đã nhiều lần có văn bản yêu cầu cần phải đưa những cấu kiện kiến trúc có giá trị vào lắp dựng nhưng cũng không được người ta thực hiện. Kết quả là gì thì ai cũng biết. “Nhiều lắm, kể ra không hết đâu. Vì thế đối với vụ việc chùa Trăm Gian, nếu không rốt ráo truy xét trách nhiệm thì có lẽ cũng rơi vào tình trạng ấy thôi”, PGS Trần Lâm Biền nói.
Việc di tích chùa Trăm Gian bị hủy hoại cũng khiến chúng tôi nhớ đến một bài viết của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đăng trên tạp chí Di Sản của Cục Di sản văn hóa cách đây mấy tháng. GS Tiêu dẫn ra một loạt vụ việc mà báo chí đã phản ánh như: Lắp cổng chùa vào cổng đền, Thành nhà Mạc thành “lò gạch”, Thành Sơn Tây lại “thất thủ”... và cảnh báo “nếu không có biện pháp chấn chỉnh thì sẽ còn tiếp diễn”. Cũng trong bài viết này, GS Lưu Trần Tiêu cho biết một thực trạng đáng buồn quanh các di tích có sai phạm mà báo chí đã nêu, rằng sau khi thanh tra, sau khi có văn bản yêu cầu các ban quản lý dự án tìm biện pháp khắc phục, “xem ra các vụ việc vẫn rơi vào im lặng”. Vậy thì vụ việc chùa Trăm Gian cũng lại rơi vào im lặng nữa chăng?!
Bậc đá cao vút dẫn vào chùa được đẽo gọt thủ công rất đẹp (ảnh trái), giờ bị đập toàn bộ để thay thế bằng đá xẻ thời mới, ném di vật chỏng chơ ngay sân chùa (ảnh phải) Không khoán trắng công tác bảo vệ di tích cho các cá nhân |