Chưa trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã... nhận trách nhiệm

Chưa bước vào phần chất vấn, nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm người đứng đầu ngành về những nhiệm vụ chưa thực hiện được.

Chưa trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã... nhận trách nhiệm - 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Học sinh nặng kiến thức, yếu kỹ năng

Sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chính thức đăng đàn trả lời chất vấn sau phiên đăng đàn của 3 thành viên Chính phủ gồm Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Báo cáo trước Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết thời gian qua, ngành đã nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và đã đạt những kết quả bước đầu, tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều điều chưa làm được.

“Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được, và mong muốn tới đây sẽ cùng các Bộ ngành, với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình”,  Bộ trưởng Nhạ nói trước khi chính thức bước vào phiên chất vấn.

Ngay mở đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 63 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Mở đầu, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) chất vấn Bộ trưởng về chủ trương phân luồng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, nhằm tránh những bất cập hiện nay là tỉ lệ đại học quá lớn trong khi học nghề lại ít.

Cho rằng câu hỏi của các đại biểu đã đánh đúng vào những vấn đề trọng tâm của bộ, Bộ trưởng thừa nhận tình trạng phân luồng chưa tốt, do nhiều nguyên nhân.

"Học sinh chúng ta nặng học kiến thức, phần kỹ năng chưa tốt, định hướng nghề nghiệp chưa tốt. Chúng ta cũng đã đưa ra một hệ thống giải pháp để phân luồng. Ngay từ khi học phổ thông thì phải làm tốt công tác hướng nghiệp, xây dựng một đội ngũ tư vấn hướng nghiệp thật tốt", Bộ trưởng nói và đánh giá, hiện nay phân luồng giáo dục chủ yếu mang tính bắt buộc, bị động, tức là học sinh thi đại học không đỗ thì vào học nghề. Vì thế, Bộ trưởng cho rằng phải làm cho các học sinh đam mê, chủ động lựa chọn nghề nghiệp.

"Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để có giải pháp tốt cho vấn đề phân luồng", ông Nhạ nói.

Giải pháp nào cho 200.000 sinh viên thất nghiệp?

Nêu con số 200.000 sinh viên thất nghiệp gây lãng phí nguồn lực và bức xúc cho xã hội, ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng giải quyết tình trạng này.

Từ góc độ của ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định "cái gốc vẫn là chất lượng". Chất lượng ở đây không phải là cái thầy cô chấm điểm, mà phải là đạt chuẩn quốc tế, đào tạo đúng chuẩn.

"Chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, phương pháp đào tạo. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra rất nghiêm công tác đào tạo, các trường không phải muốn mở ngành gì thì mở, mà phải gắn với thị trường, phải có trách nhiệm với học sinh, chứ không thể khi vào thì hứa rất nhiều nhưng khi ra thì bỏ mặc", ông Nhạ nói.

Chất vấn về "con đường quá độ" của ngành giáo dục, ĐB Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) hỏi Bộ trưởng: phải mất bao lâu để đi hết con đường quá độ này? Hiện nay chúng ta đã đi đến đâu của con đường quá độ?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định giáo dục liên quan đến mọi người, đụng chạm đến toàn xã hội, nên đổi mới phải có lộ trình, có bước đi.

"Ngay thi cử cũng vậy, từ việc tổ chức hai kỳ thi trong năm chúng ta tổ chức lại một kỳ thi, rồi chỉnh sửa dần cho phù hợp. Chúng tôi cũng nghiên cứu cùng với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chứ không thể đổi mới ngay được", ông Nhạ nói.

Ông cũng thông tin tới ĐB Vân, chúng ta đang ở giai đoạn đổi mới và đạt nhiều hiệu quả. Ví dụ phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học chúng ta làm tốt, được quốc tế đánh giá cao. 

Nhân đây, Bộ trưởng GD-ĐT cũng bày tỏ rất mong cử tri, nhân dân, các vị đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành.

"Chúng tôi tin rằng trong từng mốc thời gian sẽ có kết quả. Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả. Về đại học thì đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", ông Nhạ nói.

Bộ trưởng ”quên” chất vấn của ĐBQH về ”sốt đất” ở 3 đặc khu

ĐBQH Nguyễn Anh Trí chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà về tình trạng sốt đất ở 3 đặc khu nhưng Bộ trưởng "quên",...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Vũ - Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN