“Chưa tặng quà sếp, ăn tết không ngon”

“Nhiều khi, nhân viên biếu quà tết theo phong trào, chưa biếu sếp, chưa yên tâm ăn tết. Thậm chí, còn phải lo lắng xem biếu bao nhiêu mới “bằng anh bằng em”, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương chia sẻ.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, Ban Bí thư có chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Trong đó, nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trong dịp Tết trái quy định.

Đo tình cảm bằng phong bì dày mỏng

Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ thị của Trung ương, các dịp Tết Nguyên đán, năm nào Hà Nội cũng có yêu cầu cán bộ công chức không được tặng quà Tết cho cấp trên.

Cụ thể, Hà Nội yêu cầu không được tổ chức đi chúc Tết, tặng quà, tặng hoa lãnh đạo các cấp. Đồng thời, nghiêm cấm sử dụng ngân sách, công quỹ để làm quà biếu trong dịp Tết Nguyên đán; không được sử dụng xe công để phục vụ các hoạt động cá nhân...

Theo ông Long, ngày xưa, tặng quà nhau ngày tết là việc làm rất văn hóa. Ví dụ, con cái nhớ ơn đến tặng quà bố mẹ; học trò đến tặng thầy cô... Đó thường là những món quà đơn giản, có khi chỉ là con gà, cân gạo... không có sự lệ thuộc về giá trị vật chất. Nhưng đằng sau món quà là ý nghĩa cao đẹp.

Nhưng bây giờ, chuyện tặng quà không còn được như thế nữa. Người ta đo tình cảm bằng phong bì dày mỏng, từ mỹ tục biến thành hủ tục, tiêu cực. Ông ví dụ: “Bây giờ, có người vào tặng quà sếp xong, ra ngoài nói rằng “đấy vừa phải cúng nó ngần này, ngần kia”.

“Chưa tặng quà sếp, ăn tết không ngon” - 1

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chuyện nhân viên đi tặng quà sếp bằng tiền riêng, nên để xã hội lên án bằng quy ước đạo đức (Ảnh minh họa)

“Chính cái biến đổi đó, chúng ta phải cảnh tỉnh, răn đe ngăn chặn, sai có cơ sở để xử lý. Nếu giữ nguyên ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, ai ngăn cấm làm gì”.

Ông cũng nói rõ hơn, trong văn bản không nhắc chuyện riêng tư như dùng tiền túi để tặng quà, chỉ đề cập đến công quỹ.

Theo ông Long, nếu một người nào đó tự bỏ tiền túi ra tặng quà tết cho sếp, rất khó có thể kiểm soát được chuyện riêng của người ta. Chuyện nhân viên đi tặng quà sếp bằng tiền riêng, nên để xã hội lên án bằng quy ước đạo đức.

Chưa biếu sếp chưa yên tâm ăn tết

Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương cũng cho rằng, Ban Bí thư nhắc nhở chuyện tặng quà là đúng. Bởi phong tục của Việt Nam, tết đến mọi người thường tặng quà nhau. Nhưng ngày nay, người ta lợi dụng văn hóa đó để làm chuyện không đúng, người nhận biếu từ đó làm giàu, người đi biếu để đạt mục đích khác.

Ông Hương cho rằng: “Đó là món quà có giá trị tiền lớn, nhằm mục đích chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy dự án...”.

“Chưa tặng quà sếp, ăn tết không ngon” - 2

Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương

Nhưng theo ông, hiện nay còn một cái khổ nữa là biếu quà tết theo phong trào, chưa biếu chưa yên tâm ăn tết. Thậm chí, còn phải lo lắng xem biếu bao nhiêu mới “bằng anh bằng em”.

“Người ta biếu món quà to thế, vậy mình biếu bao nhiêu? Biếu cũng chết, không biếu cũng chết”.

Do vậy, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư cho rằng, Ban Bí thư nhắc nhở chuyện biếu quà tết là hoàn toàn đúng. Nhưng ông chỉ có điều băn khoăn rằng “làm được hay không là vấn đề khác”.

Bởi thế nào là quà biếu đúng, thế nào là sai? Khó có quy định nào nào cụ thể được điều đó. Nếu họ có đi biếu nhau cũng không ai có thể kiểm soát được.

Ông đưa ra giải pháp: “Ủy ban Kiểm tra T.Ư có thể giám sát, kiểm tả việc tặng quà trá hình nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn, không khả thi”.

“Do vậy, để ngăn chặn vấn nạn tặng quà trá hình, chỉ còn trông chờ chủ yếu vào ý thức của những người người có chức quyền”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN