Chưa phạt được ai không rọ mõm chó
Đây là khẳng định của lãnh đạo Cục Thú y khi được hỏi về trường hợp cháu bé ở Hưng Yên bị đàn chó cắn tử vong. Cụ thể, quy định về nuôi chó đã được ban hành từ lâu nhưng đến nay chưa có ai bị xử phạt về không rọ mõm, thả rông chó…
Căn nhà của cháu Nguyên thuê trọ, phía trước là một trong 7 con chó đã tấn công em
Có thể xử lý hình sự
Cuối tuần qua, UBND huyện Kim Động (Hưng Yên) cho biết đã ra công điện hỏa tốc gửi đơn vị trực thuộc và các xã về việc tăng cường hơn nữa quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp nuôi chó không đúng quy định trên địa bàn. Về việc xử lý đàn chó đã cắn chết cháu Nguyễn Đắc Nguyên (7 tuổi) ngày 3/4, ông Đặng Hải Đăng - Chánh VP UBND huyện Kim Động cho biết: “Đàn chó hiện đã được bắt, nhốt tại gia đình chủ nuôi. Công an cũng đang thực hiện điều tra xác minh về các vấn đề, quy định liên quan để có thể đưa ra quyết định với chúng”.
Ông Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Thú y
Liên quan vụ việc, ông Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) cho rằng trách nhiệm trên trước hết thuộc về chủ đàn chó. Các vi phạm về nuôi chó có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Ông Thành cho biết, hằng năm đều có trường hợp chó cắn người dẫn đến tử vong vì bệnh dại nhưng: “Chó tấn công người dẫn đến tử vong như trường hợp cháu bé ở Hưng Yên là hi hữu. Việc xử phạt chủ đàn chó ở Hưng Yên thế nào sẽ dựa trên kết quả điều tra của công an, có thể phải xử lý hình sự”.
Về trách nhiệm quản lý chó, theo lãnh đạo Cục Thú y, ngành thú y có chức năng quản lý về dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi còn việc quản lý chó thả rông thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Ông Thành nêu quan điểm: “Nghị định 90 quy định chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi đăng ký”.
Chưa ai bị xử phạt
Cũng theo lãnh đạo Cục Thú y, từ nhiều năm qua, lực lượng thú y luôn tuyên truyền, xây dựng quy định phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng bệnh dại. “Tuy nhiên, dù hành lang pháp lý đã có đầy đủ nhưng đến nay chưa có ai bị xử phạt vì thả rông chó, không rọ mõm hay tiêm phòng nên theo tôi cần có sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng và chính quyền địa phương” - ông Thành nói.
Chó tấn công người dẫn đến tử vong như trường hợp cháu bé ở Hưng Yên là hi hữu. Việc xử phạt chủ đàn chó ở Hưng Yên thế nào sẽ dựa trên kết quả điều tra của công an, có thể phải xử lý hình sự”. Ông Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Thú y |
Vị này cũng cho biết, qua sự việc đau lòng ở Hưng Yên, Cục đã yêu cầu cơ quan thú y Hưng Yên cần tăng cường phòng ngừa, tiêm phòng và nuôi nhốt chó đúng quy định bởi bệnh dại xuất hiện trong thời gian tới là nguy cơ cao. Cụ thể, năm 2018, cả nước đã xảy ra 4 ổ dịch dại tại Lào Cai, Bắc Kạn và Cà Mau; có 400 nghìn người phải điều trị do chó, mèo cắn; bệnh dại đã xảy ra tại 26 tỉnh, thành phố, làm 86 người tử vong (tăng 12 trường hợp so với năm 2017).
Cục Thú y thông tin thêm, hiện có 18/63 tỉnh thành chưa thống kê, không báo cáo về số hộ nuôi chó, tổng đàn chó để phục vụ cho công tác tiêm phòng. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó đạt rất thấp. Các địa phương chỉ dự kiến số lượng chó được tiêm phòng theo kế hoạch, không theo thực tế số chó thuộc diện tiêm.
Cần đeo thẻ, đánh số?
Đánh giá sự việc, Tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Văn phòng Luật sư Toàn Cầu) nêu quan điểm: “Về nguyên tắc, pháp luật quy định chó ra đường phải rọ mõm nếu không sẽ bị xử lý hành chính. Trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự nhưng ở đây thế nào là nghiêm trọng, luật chưa quy định rõ ràng. Đương nhiên chết người là nghiêm trọng nhưng ví dụ cắn chỉ gây bị thương và ảnh hưởng tâm lý với nạn nhân sẽ bị xử lý ra sao?”.
Được hỏi quy định cụ thể với trường hợp đàn chó cắn bé trai tử vong ở Hưng Yên, luật sư Thiệp cho rằng cần xử lý người nuôi chó. “Như vậy đủ sức răn đe, giáo dục tới cộng đồng tránh trường hợp nuôi chó thả rông, không rọ mõm đang hết sức phổ biến hiện nay” - ông Thiệp nói. Vị luật sư cũng cho rằng, việc khởi tố vụ án để là cần thiết: “Dù gia đình không yêu cầu nhưng nếu có vi phạm, cơ quan điều tra có thể khởi tố bình thường. Ngược lại, về bồi thường dân sự, nếu gia đình nạn nhân không yêu cầu bồi thường hoặc các bên tự thỏa thuận với nhau được, cơ quan pháp luật sẽ ghi nhận thỏa thuận đó”.
Tuy vậy, luật sư Lê Văn Thiệp nêu băn khoăn khi pháp luật chưa quy định đầy đủ về các loại vật nuôi nguy hiểm cũng như chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn yếu. Ông lấy ví dụ: “Không tính vụ ở Hưng Yên. Giả sử chó cắn xong, người chủ nói con này ở đâu đến, tôi chỉ cho ăn thôi không phải của tôi, vậy xử lý ra sao? Động vật ở nước ta không được đăng ký cụ thể như ô tô, xe máy. Tôi nghĩ cần xác định chó là nguồn nguy hiểm cao để đánh số, cấp thẻ nhằm quản lý và có thể xử lý chủ sở hữu hoặc người tạm thời sử dụng trong trường hợp có vi phạm”.
Ông Thiệp phân tích, nhiều giống chó được nuôi hiện nay có sức sát thương rất lớn như béc giê, ngao Tây Tạng, Pitbull… Các loại chó này đủ khả năng làm người lớn tử vong và đương nhiên, với trẻ em các loại chó nhỏ hơn cũng là nguy cơ tiềm ẩn. Vì vậy, cần đánh số, đeo thẻ cho chúng nhằm nâng cao ý thức người nuôi trong đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Việc này cũng giúp cơ quan chức năng quản lý về tiêm phòng, xử lý hành chính các vi phạm như vệ sinh bừa bãi…
Ngày 5/4, lãnh đạo xã Trung Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết anh Bùi Văn Tuấn (32 tuổi) và con trai Bùi Văn Tùng là người địa phương vừa tử vong vì chó cắn. Cụ thể, ngày 6/2, chó nuôi của nhà anh đã cắn cả 4 người trong gia đình, anh Tuấn đã chém chết con vật rồi đem chôn nhưng không tiêm phòng. Chiều 2/4, anh Tuấn tử vong sau tình trạng khó thở, co giật, hoảng loạn… Con trai anh tử vong hôm sau với những triệu chứng tương tự. Hiện vợ và con gái anh đã được tiêm phòng. |
Gia đình nạn nhân mong muốn được xử lý tình cảm và không đưa ra pháp luật.