Chùa Hương: Không để khách nhét tiền vào tay phật
Lễ khai hội chùa Hương sẽ diễn ra vào 9h sáng mai, mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (5/2 dương lịch).
Đó là thông tin từ ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng BTC lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, HN) cho biết trong cuộc trao đổi với PV chiều ngày mùng 5 tháng Giêng.
Ông cũng cho biết, lễ khai hội chùa Hương sẽ diễn ra vào 9h sáng mai, mùng 6 tháng Giêng (5/2 dương lịch). Tuy nhiên, ngày từ sáng mùng 2 Tết, hàng vạn lượt khách đã đến chùa Hương.
Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức – Nguyễn Văn Hậu cũng cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội đã sẵn sáng. Trong đó, Ban tổ chức đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, giá cả hàng hóa, lượng xuồng đò đưa đón khách từ suối Yến vào bên trong chùa, cáp treo...
Cụ thể, có khoảng 4.500 chiếc đò đưa đón khách, giá vé đò sẽ giữ ở mức 35nghìn đồng/vé, thắng cảnh 50nghìn đồng /vé. Đáng lưu ý, giá vé cáp treo tăng từ 120 nghìn đồng lên 140 nghìn đồng/vé, tăng 20 đồng/vé so với năm ngoái. Còn các loại hàng hóa khác, Ban tổ chức đã yêu cầu chủ cửa hàng niêm yết giá...
Ông Nguyễn Văn Hậu khuyến cáo du khách khi mua hàng nên có sự thỏa thuận trước để tránh tình trạng bị chặt chém.
Đặc biệt, các quán ăn uống, bán thực phẩm tươi sống... cũng đã được kiểm tra, cấp giấy phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Trước đó, tại cuộc giao ban báo chí trước mùa lễ hội chùa Hương, ông Hậu cũng nói rằng, tại chùa Hương không có thịt thú rừng, động vật hoang dã. Các con vật được giới thiệu là nhím rừng, lợn rừng... là những động vật được nuôi sinh sản trong dân.
Ví dụ, lễ hội năm nay, chỉ có 14 nhà hàng ăn được cấp phép trong khu vực Thiên Trù, tất cả đều đã đặt nguồn đà điểu ở Ba Vì. Hoặc thực phẩm nhím được nuôi ở Mỹ Đức và Phủ Lý (Hà Nam).
Một vấn đề khác, chuyện hạn chế rải tiền lẻ ở chùa Hương cũng được Ban tổ chức đặc biệt quan tâm. Theo đó, Ban tổ chức cử người thường xuyên theo dõi, tuyên truyền du khách không dùng tiền lẻ giắt vào tay tượng, phật, hang đá...
Bên cạnh đó, đường đi của tuyến cáp treo cũng có sự thay đổi. Cụ thể, cáp treo không dừng lại khu vực suối Giải Oan – nơi người dân ném rất nhiều tiền lẻ xuống khi cáp treo dừng lại ở đây.
Ban tổ chức cũng giao nhiệm vụ cho nhà chùa có biện pháp hạn chế việc rải tiền lẻ tại các điểm thờ cúng tại chùa Hương.
Ngay trước mùa lễ hội 2014 – Giáp Ngọ, Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, yêu cầu bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương năm 2014. UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, kiểm định lại các tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống cáp treo tại chùa Hương nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trước khi khai thác sử dụng phục vụ lễ hội, tránh các sự cố kỹ thuật, tai nạn xảy ra. Đồng thời, thành lập tổ kiểm tra liên ngành phối hợp với Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2014 tiến hành kiểm tra việc thực hiện, chấp hành an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống; kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật những trường hợp kinh doanh động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Đặc biệt không để tình trạng treo móc động vật nguyên con, thịt tảng tươi sống trước cửa các nhà hàng, gây phản cảm, ảnh hưởng xấu đến văn hoá tâm linh, văn hoá lễ hội. Tuy vậy, có thể chấp thuận phương án cho phép các hộ kinh doanh ăn uống treo móc thịt động vật tươi sống trong tủ kính để bảo quản kết hợp treo móc bó hành, tỏi, ớt để che bớt tránh lộ liễu, công khai và phải để sâu tủ vào bên trong nhà hàng; không để tủ kính phía trước nhà hàng nhằm mục đích trưng bày, quảng cáo. |