Chưa có nước nào tách thép từ bùn đỏ
“Vấn đề cần bàn ở đây không phải là có thể biến bùn đỏ thành những vật liệu có ích (như thép chẳng hạn) hay không mà là liệu có thể áp dụng sản xuất đại trà hay không và với giá thành là bao nhiêu?” – Ý kiến của Thạc sĩ Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE).
Vừa rồi, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Vinacomin gửi công văn tới các cơ quan báo chí và truyền thông cung cấp thông tin về hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đang thu hút sự chú ý của công luận. Ông bình luận như thế nào về những thông tin Vinacomin cung cấp?
Ông Phạm Quang Tú: Tôi đồng tình với một số điểm trong văn bản của Vinacomin. Thứ nhất, muốn đánh giá hiệu quả của dự án thì phải đánh giá cả chu kỳ. Thứ hai, đánh giá hiệu quả dự án phải là hiệu quả kinh tế xã hội của dự án chứ không chỉ là hiệu quả kinh tế tài chính đơn thuần.
Nhưng chính vì đồng ý với hai quan điểm đó nên tôi buộc phải đặt câu hỏi đối với chương trình bauxite. Tôi băn khoăn rằng trong tất cả các bài toán kinh tế của mình, liệu Vinacomin đã đánh giá đúng và đủ những ảnh hưởng về xã hội và môi trường của hai dự án bauxite Tây Nguyên chưa?
Tôi cho rằng vẫn còn nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí khắc phục những tiêu cực xã hội và khắc phục tác động môi trường chưa được tính toán đầy đủ trong bài toán hiệu quả kinh tế - xã hội mà Vinacomin đã công bố.
Vinacomin cho rằng các dự án của họ tạo ra được hiệu quả, tác động xã hội lan tỏa và tạo ra được nhiều công ăn việc làm. Vấn đề đặt ra ở đây là họ đã và sẽ tạo bao nhiêu công ăn việc làm. Dựa vào cơ sở nào để họ thống kê số liệu, cơ sở nào khiến họ cho rằng, một công ăn việc làm trực tiếp sẽ tạo ra mười công ăn việc làm gián tiếp...
Người ta khó có thể tin vào tuyên bố của tập đoàn vì Vinacomin không công khai phương pháp thống kê, không công khai rõ ràng số liệu để những người quan tâm có thể đối chiếu, xem xét. Thêm nữa, tính tới thời điểm này, dự án Tân Rai đã đi vào hoạt động, nghĩa là tập đoàn đã có đầy đủ căn cứ để đánh giá hiệu quả kinh tế và công khai hiệu quả của dự án.
Chính vì vậy, thái độ mập mờ của Vinacomin càng khó có thể làm cho các nhà quản lý và người dân yên tâm.
Thạc sĩ Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE)
Tuy nhiên, điểm khiến tôi thấy khó đồng tình nhất trong văn bản giải trình của Vinacomin là tập đoàn có ý đề xuất xin chính sách đặc thù của Nhà nước mà theo tôi hiểu đây là chính sách miễn giảm thuế. Việc khai thác tài nguyên và đóng góp kinh tế tài chính cho sự phát triển của đất nước là việc cần thiết phải làm. Nếu một doanh nghiệp khai thác tài nguyên của đất nước mà còn xin miễn giảm thuế thì họ sẽ đóng góp cái gì cho xã hội này?
Xu hướng hiên nay trên thế giới với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, ngoài các khoản đóng góp cố định cho ngân sách Nhà nước theo luật định, các doanh nghiệp, công ty có xu hướng tăng cường trách nhiệm của mình với xã hội bằng cách đóng góp thêm cho các mục đích từ thiện, an sinh xã hội bởi họ hiểu được bản chất của việc khai thác tài nguyên và những tác động tới môi trường và xã hội mà hoạt động khai khoáng của họ để lại.
Vinacomin là tập đoàn kinh tế nhà nước, đóng giữ vai trò tiên phong, đứng mũi chịu sào nhưng không hưởng ứng, tham gia xu hướng tiến bộ chung mà còn muốn được hỗ trợ thêm bằng thuế, điều đó có nên được đồng thuận không? Lại một lần nữa phải đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm xã hội của họ ở đâu?
Công văn gửi báo chí của Vinacomin vẫn lạc quan rằng, sắp tới khi kinh tế phục hồi, giá alumina thế giới có thể lên tới 450 USD/tấn và khi đó thì chắc chắn hai dự án khai thác bauxite sẽ có lãi. Nếu xét ở góc độ kinh tế, theo ông, những dự án lớn như hai dự án bauxite ở Tây Nguyên mà gặp những trục trặc về dự báo hiệu quả, lại phải chờ đợi hiệu quả từ biến động thị trường thế giới thì đó có phải là một điều bình thường?
Ông Phạm Quang Tú: Biến động về thị trường giá là không thể tránh khỏi. Khách quan thì cũng phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua biến động quặng alumina đã đi xuống. Tất nhiên, thị trường sẽ tới lúc phục hồi nhưng bao lâu nữa và giá alumina sẽ tăng đến bao nhiêu là điều cần phải xem xét cẩn trọng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dự báo của chúng ta để đưa ra bài toán hiệu quả nhất.
Nhưng quan trọng hơn là phải tính giá thành sản xuất ra một tấn alumina trong các dự án của Viancomin là bao nhiêu? Đây phải là gốc của vấn đề bởi nếu giá thành là 500 USD/tấn thì dẫu giá bán có tăng tới 450 USD/tấn thì vẫn lỗ. Hay nếu giá thế giới là 350 USD/tấn mà giá thành sản xuất là 300 USD/tấn thì vẫn có lãi. Hiện tại, Vinacomin đang bán chịu lỗ với gía 340 USD/tấn alumina. Như vậy, giá thành sản xuất một tấn alumina của họ phải cao hơn thế.
Cũng phải cần lưu ý rằng, vẫn còn hai loại chi phí nữa mà Vinacomin chưa đưa vào. Thứ nhất, mỗi nhà máy vận hành chậm tiến độ hai năm. Mỗi nhà máy trị giá 700 triệu USD, lãi suất bình quân thấp nhất là 6%/năm, như vậy hai năm, số lãi là 84 triệu USD. Nếu cộng số lãi đó vào chi phí sản xuất thì giá thành phẩm sẽ đội lên và con số lỗ của Vinacomin sẽ vẫn còn tăng lên.
Chi phí thứ hai chưa được tính là ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và xã hội. Khoa học hiện nay có thể giúp lượng hóa các tác động đó vào trong bài toán hiệu quả kinh tế. Vấn đề còn lại chỉ là Vinacomon có thiện chí tính toán và công bố hay không?
Nếu không tính chi phí tác động xấu tới môi trường và xã hội vào chi phí sản xuất nghĩa là doanh nghiệp ăn lạm vào môi trường, ăn lạm vào xã hội. Vấn đề sẽ lại như tôi đã trả lời ở trên, Vinacomin hãy công khai minh bạch với các nhà chuyên môn và dư luận xã hội.
Thưa ông, trong văn bản gửi báo chí của Vinacomin có đề cập tới việc nghiên cứu thu hồi các sản phẩm có ích từ bùn đỏ. Trước đó, báo chí thông tin kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm rằng, 10 tấn bùn đỏ sẽ thu được 2.5 tấn thép. Ông đánh giá như thế nào về thông tin tích cực này?
Ông Phạm Quang Tú: Bùn đỏ vốn là bài toán đau đầu của bất cứ một quốc gia nào đã và đang có dự định khai thác bauxite. Đây cũng là một trong những vẫn đề gây nhiều tranh luận nhất trong chương trình bauxite ở Việt Nam.
Thực tế, trên thế giới, người ta cũng đã nghiên cứu, thử nghiệm các giải pháp đối với bùn đỏ như làm vật liệu xây dựng từ bùn đỏ, đã thành công trong phòng thí nghiệm nhưng chưa một nơi nào áp dụng đại trà để xử lý dứt điểm vấn đề bùn đỏ.
Dễ đoán rằng nguyên nhân là do giá thành sản xuất quy mô công nghiệp, đại trà là quá cao và vì thế không có hiệu quả kinh tế. Như vậy, vấn đề cần bàn ở đây không phải là có thể biến bùn đỏ thành những vật liệu có ích (như thép chẳng hạn) hay không mà là liệu có thể áp dụng sản xuất đại trà hay không và với giá thành là bao nhiêu?
Việc Viện hóa học công bố kết quả thí điểm thu hồi sắt từ bùn đỏ là một kết quả cần khuyến khích. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu sâu hơn để đưa ra kết luận cuối cùng. Một vấn đề nữa cần lưu ý rằng nguyên nhân bùn đỏ trở thành vấn đề mà các nhà chuyên môn và dư luận lo ngại là vì trong bùn đỏ có chứa xút . Dù trong 10 tấn đỏ có 2.5 tấn thép thì trong 7.5 tấn phế thải còn lại vẫn còn xút và vì thế sự lo ngại về độc hại của bùn đỏ vẫn còn nguyên. Giải quyết nỗi sợ bùn đỏ, theo tôi là phải bằng cách thu hồi lượng xút dư thừa ở trong đó.
Qua đó có thể thấy rằng, những thử nghiệm vừa rồi của Việt Nam là nên được ghi nhận nhưng phải thành thật mà nói là vẫn chưa nói lên được gì nhiều và vẫn chưa làm cho mối lo ngại về bùn đỏ giảm đi. Hai câu hỏi lớn nhất đối với vấn đề này đó là: có sản xuất đại trà được không và thu hồi xút thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng, những thông tin đưa ra vừa rồi nhằm mục đích trấn an dư luận. Theo ông, đó có phải là những suy nghĩ quá tiêu cực?
Ông Phạm Quang Tú: Bản chất khoa học của vấn đề là bình thường. Tuy nhiên, thông tin đưa ra trong thời điểm hiện tại có thể khiến những người không quan tâm sâu tới vấn đề bauxite lầm tưởng rằng, vậy là đã có lời giải cho vấn đề bùn đỏ, không cần lo ngại nữa.
Hiện nhiều chuyên gia về kinh tế đã đề xuất, nếu không hiệu quả thì nên dừng lại. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Phạm Quang Tú: Nếu vẫn tiếp tục song song tiến hành hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ trong điều kiện hiện nay thì khó khăn và nguy cơ lỗ rất cao. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có đầy đủ số liệu và cơ sở để quyết định dừng lại cả hai dự án.
Vì thế, tôi cho rằng, Vinacomin nên tập trung toàn lực vào nhà máy Tân Rai và tạm dừng dự án Nhân Cơ. Nếu tập trung toàn lực vào Tân Rai, tính toán lại mà thấy không hiệu quả thì chắc chắn nên dừng hai dự án lại. Còn nếu vẫn có lãi và mức lãi hợp lý thì có thể điều chỉnh ở những dự án sau cho phù hợp.
Quan điểm của Vinacomin hiện nay là dự án đang tiến hành nên không thể dừng lại. Nhưng đề xuất như vậy không có nghĩa là dừng hẳn mà chỉ là tạm thời dừng để điều chỉnh cho hợp lý. Theo dự tính của tôi, nếu Vinacomin cung cấp đầy đủ số liệu thì thời gian để tập trung và đánh giá lại nhà máy Tân Rai chỉ vào khoảng 3- 6 tháng, đó không phải là khoảng thời gian quá dài.
Ngoài ra, thời điểm này đã có đủ cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về khai thác bauxite tại Tây Nguyên cách đây 4 năm. Vì thế, theo tôi, các cơ quan nhà nước nên mời các chuyên gia, hội khoa học để cùng thực hiện việc này, để trình kết quả lên Bộ Chính trị, làm cơ sở để có quyết định về chiến lược tiếp theo.