Chưa biết xử lý thế nào tàu bay bị bỏ quên 12 năm ở Nội Bài

Sự kiện: Tin nóng

Sau 12 năm, ngành hàng không vẫn chưa thể chốt được phương án cuối cùng thanh lý chiếc Boeing 727-200 bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài.

Chiếc Boeing B727 từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia) bị bỏ lại tại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007

Chiếc Boeing B727 từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia) bị bỏ lại tại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007

Chi phí trông coi, đậu đỗ lên tới cả triệu USD

Tha thiết mong cơ quan chức năng có phương án xử lý chiếc tàu bay Boeing B727 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia) đậu đỗ tại Nội Bài từ ngày 1/5/2007, Phó giám đốc CHK quốc tế Nội Bài Vũ Ngọc Kiệm cho hay, Nội Bài thường xuyên đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và có số lượng hành khách qua cảng lớn, điều kiện sân đỗ tàu bay còn hạn chế. Do đó, việc tàu B727 bị bỏ lại gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và thiệt hại kinh tế không nhỏ cho cảng.

Đáng lưu ý, theo ông Kiệm, suốt từ thời điểm tàu bay bị bỏ rơi đến nay, cảng này vẫn phải duy trì việc bảo vệ và đảm bảo an ninh đối với tàu bay này không khác gì các tàu bay đỗ lại vì lý do kỹ thuật.

“Tổng tiền dịch vụ từ thời điểm ngày 1/12/2017 đến lần cuối cùng chúng tôi tính toán (23/4/2018) đã lên tới hơn 832 nghìn USD. Trong đó có 753,8 nghìn USD là tiền dịch vụ đậu sân bay, tiền dịch vụ bảo vệ tàu bay là hơn 78,9 nghìn USD. Từ ngày 24/4/2018 đến nay không tính phí sân đậu vì tàu bay đã được di dời ra vị trí đỗ mới, ngoài sân đậu tàu bay”, ông Kiệm nói và cho biết, để di dời được tàu bay ra ngoài sân đậu, cảng này cũng phải chi tới hơn 480 triệu đồng.

Liên quan đến khoản tiền này, Cục Hàng không VN cho hay, cơ quan này không đủ chức năng và thẩm quyền để thẩm định, công nhận hay phê duyệt do các chi phí chi tiết được CHK quốc tế Nội Bài tính toán căn cứ trên cách tính dịch vụ sân đậu tàu bay và tiền bảo vệ tàu bay tại CHK xuất phát từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Cục Hàng không VN cũng cho rằng, từ ngày 10/1/2017, khi tàu bay được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo Quyết định 34 của Bộ Tài chính, việc tính chi phi sân đậu tàu bay (theo tải trọng cất/hạ cánh) và tiền bảo vệ tàu bay tại cảng với tàu bay không ở tình trạng khai thác và cung cấp dịch vụ vận chuyển là không hợp lý.

Đề xuất giao tàu bay cho “chủ nợ”

Theo Cục Hàng không VN, đến thời điểm hiện tại, 2 phương án để xử lý tàu bay này là đấu giá tàu bay hoặc giao cho TCT Cảng hàng không VN (ACV).

Nghiêng về phương án giao cho ACV, Cục Hàng không VN cho rằng, nếu đấu giá, Cục Hàng không VN không có đủ điều kiện, chức năng để thực hiện xác định giá khởi điểm của tài sản cũng như bán đấu giá mà phải thuê một đơn vị định giá độc lập.

Đáng nói hơn, theo Cục Hàng không VN, nếu tài sản là một tàu bay đang hoạt động, đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật khai thác, cơ quan này có thể tham khảo ý kiến của hãng hàng không, các vụ việc tương tự trên thế giới (nếu có) khi bán đấu giá tàu bay để làm cơ sở phê duyệt, thống nhất giá khởi điểm.

“Tải sản mang đấu giá là một tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự. Do đó, Cục Hàng không VN nhận thấy không đủ cơ sở và sẽ thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra”, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng nêu.

Thực tế, rất nhiều chuyên gia nhận định chiếc Boeing 727 nằm ở sân bay Nội Bài hơn 10 năm qua đến nay chỉ có giá trị như... sắt vụn. Nếu chiếc máy bay còn giá trị kinh tế thì chủ sở hữu trước đó đã đem chiếc máy bay đi chứ không bỏ lại tại Nội Bài.

Hồi năm 2017, Cục Hàng không VN cũng đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp về việc thẩm định giá tài sản, tuy nhiên, sau khi khảo sát, công ty này đã “chào thua” vì không có đủ hồ sơ, tài liệu để xây dựng phương án thuê doanh nghiệp định giá nước ngoài vì chi phí thuê có thể đắt hơn giá trị thu được từ đấu giá tài sản.

Trở lại với phương án giao ACV, Cục Hàng không VN cho rằng, ACV hiện là “chủ nợ” của khoản chi phí dịch vụ sân đậu tàu bay và tiền bảo vệ tàu bay, do vậy, ACV được ưu tiên trong danh sách chủ nợ được thanh toán. Hơn nữa, bản thân ACV cũng là một đầu mối quan trọng trong công tác phòng, chống khủng bố tại CHK, sân bay, do vậy việc giao lại cho ACV làm mô hình huấn luyện, diễn tập hàng năm có ý nghĩa lớn.

Được biết, phía ACV cũng đề xuất được phép sử dụng tàu bay này làm mô hình phục vụ thực hành, đào tạo, huấn luyện nhân viên an ninh hàng không, diễn tập khẩn nguy cứu hỏa, phòng chống khủng bố…

“Chiếc Boeing B727 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia). Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì chiếc máy bay gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007. Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã có phản hồi bằng thông báo khẳng định giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không VN xử lý chiếc máy bay Boeing 727 theo các quy định của pháp luật Việt Nam.”

Thuê chuyên gia định giá máy bay bị bỏ rơi tại Nội Bài

Bộ GTVT vừa cho phép Cục Hàng không VN được toàn quyền quyết định việc xác định giá khởi điểm đấu giá tàu bay Boeing...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Bình ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN