Chu Vĩnh Khang lĩnh án chung thân trong phiên xử kín

Tòa án cho rằng các hành vi của Chu Vĩnh Khang “chưa gây hậu quả nghiêm trọng” nên không tuyên án tử hình.

Ngày 11.6, báo chí Trung Quốc đưa tin cựu trùm an ninh Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã bị kết án chung thân với tội danh tham nhũng trong một phiên xử kín được tổ chức ở Thiên Tân hồi tháng trước.

Bản án này được coi là một thắng lợi lớn trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình, bởi Chu Vĩnh Khang là cựu quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị đưa ra xét xử kể từ phiên tòa xử “Bè lũ Bốn tên” năm 1981 đến nay.

Chu Vĩnh Khang lĩnh án chung thân trong phiên xử kín - 1
Chu Vĩnh Khang (áo đen) bị đưa ra xét xử kín

Trong những bức ảnh do truyền thông Trung Quốc đăng tải, Chu Vĩnh Khang xuất hiện trước tòa với khuôn mặt già nua, mệt mỏi và mái tóc bạc trắng. Ông ta từng là Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách tất cả lĩnh vực an ninh, tòa án của Trung Quốc.

Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu năm 2012, và chỉ một năm sau, ông ta trở thành mục tiêu lớn nhất trong chiến dịch “đả hổ” của ông Tập. Chu Vĩnh Khang chính thức bị truy tố vào hồi tháng Tư, 9 tháng sau khi cuộc điều tra đối với ông này được thông báo.

Tòa án Trung cấp Thiên Tân số 1 đã tuyên án Chu Vĩnh Khang phạm tội nhận hối lộ, lạm quyền và cố tình tiết lộ các bí mật an ninh quốc gia. Tòa án cho hay Chu đã chấp nhận phán quyết và sẽ không kháng cáo.

Theo Tân Hoa Xã, Chu Vĩnh Khang bị đưa ra xét xử kín vào ngày 22.5, nhưng mãi tới nay thông tin về phiên xử này mới được công khai, vì trường hợp này có liên quan đến các bí mật nhà nước.

Chu Vĩnh Khang lĩnh án chung thân trong phiên xử kín - 2
Chu Vĩnh Khang xuất hiện trước tòa với mái tóc bạc trắng

Tân Hoa Xã cho biết Chu Vĩnh Khang nhận án chung thân vì nhận khoản hối lộ lên tới 130 triệu tệ (hơn 455 tỉ đồng), 7 năm tù vì tội lạm quyền và 4 năm tù vì “cố tình tiết lộ bí mật nhà nước”. Theo bản cáo trạng, Chu đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để tạo điều kiện cho nhiều người khác thu về 2,1 tỉ tệ (7,3 ngàn tỉ đồng) tiền lời bất chính trong các thương vụ, gây thiệt hại cho nhà nước 1,4 tỉ tệ (4,9 ngàn tỉ đồng).

Cáo trạng này cũng cho hay Chu Vĩnh Khang đã tiết lộ 5 tài liệu “tuyệt mật” và một tài liệu “mật” cho một thầy bói bí ẩn có tên là Cao Ung Chính.

Mặc dù tội lạm quyền và tiết lộ bí mật nhà nước được coi là rất nghiêm trọng và có khung cao nhất là tử hình, nhưng tòa án cho rằng Chu Vĩnh Khang đã thành khẩn khai báo, nhận tội và tỏ ra hối cải, đồng thời những hành vi của ông ta “chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng”, nên không áp dụng án tử hình đối với ông này.

Với phán quyết này, Chu Vĩnh Khang chính thức bị tước bỏ mọi quyền lợi chính trị, đồng thời các tài sản cá nhân của ông ta cũng bị tịch thu sung công quỹ.

Chu Vĩnh Khang lĩnh án chung thân trong phiên xử kín - 3
Chu Vĩnh Khang khi còn là Bộ trưởng Công an Trung Quốc

Khi nói lời cuối cùng trước tòa, Chu Vĩnh Khang đã chấp nhận phán quyết: “Sự thực cơ bản đã rõ. Tôi xin nhận tội và hối hận về những hành vi sai trái của mình. Những người có liên quan, những người đã đến đưa hối lộ cho gia đình tôi, đều theo đuổi quyền lực mà tôi nắm giữ, và tôi là kẻ chịu trách nhiệm chính”.

Việc tòa án Trung Quốc xử kín Chu Vĩnh Khang và giữ bí mật bản án đến gần một tháng đã khiến giới quan sát của nước này bất ngờ. Trước đó, nhiều người đã tưởng rằng Chu Vĩnh Khang sẽ được đưa ra xét xử công khai và thông báo trước cho báo chí như trường hợp Bạc Hy Lai.

Thậm chí hồi tháng Ba, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc còn hứa hẹn rằng sẽ tổ chức phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang “công khai theo quy định của pháp luật”. Nhưng có vẻ như Chu Vĩnh Khang đã nắm giữ quá nhiều bí mật, nên phiên tòa đã được tổ chức kín mà báo chí nước này không hề hay biết.

Sau khi nhận án chung thân, nhiều khả năng Chu Vĩnh Khang sẽ “hội ngộ” với cựu thân tín của mình là Bạc Hy Lai trong nhà tù đặc biệt dành riêng cho các nhân vật cấp cao Trung Quốc vi phạm pháp luật. Bạc Hy Lai hiện đang thụ án “tử hình treo” tại nhà tù Tần Thành ở ngoại ô Bắc Kinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN