Chủ tọa phiên tòa xét xử Phan Văn Vĩnh: Chúng tôi không thấy áp lực!

“Việc tất cả các bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải để sau này cải tạo thành công dân tốt là thành công lớn của vụ án. Có như vậy, mục đích cuối cùng của hình phạt mới đạt được”.

Hai tuần sau khi kết thúc phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, lần đầu tiên kể từ khi được giao trọng trách làm Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương (Thẩm phán TAND tỉnh Phú Thọ) nhận lời trả lời phỏng vấn báo chí bằng một cuộc trao đổi với PV Infonet.

Theo bà Hương, TAND tỉnh Phú Thọ khi tiếp nhận hồ sơ vụ án đã thực hiện nghiên cứu hồ sơ, xét xử như những vụ án bình thường khác. Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng không cảm thấy có áp lực khi xét xử vụ án này, mặc dù đây là trọng trách hết sức lớn lao và nặng nề.

Nữ Thẩm phán cũng cho rằng, thành công lớn của vụ án là tất cả các bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải để sau này cải tạo thành công dân tốt. Có như vậy, mục đích cuối cùng của hình phạt mới đạt được.

Chủ tọa phiên tòa xét xử Phan Văn Vĩnh: Chúng tôi không thấy áp lực! - 1

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương.

Thưa Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến 2 cựu tướng công an đã kết thúc cách đây hai tuần. Giới chuyên môn cũng như dư luận cả nước đặc biệt quan tâm và bày tỏ sự đồng tình trong cách điều hành phiên tòa của bà cũng như HĐXX. Xin bà cho biết cảm giác của bà trước và sau khi xét xử như thế nào?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Khi được lãnh đạo phân công đối với vụ án này, tôi nhận thấy đây là  một trọng trách  lớn lao, trách nhiệm nặng nề.

Trong vụ án này có 2 bị cáo khi phạm tội là người có chức vụ cao trong ngành bảo vệ pháp luật nên được dư luận cả nước quan tâm. Nhưng khi xét xử, tôi và các thành viên HĐXX xác định mọi công dân đều bình đẳng về địa vị pháp lý trước pháp luật và tuân theo các quy định của pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Chúng tôi cũng xác định đây là công việc thường xuyên của người Thẩm phán.

Sau khi xét xử chúng tôi xin được cảm ơn các phóng viên cũng như giới chuyên môn và dư luận cả nước đã quan tâm và có những đánh giá tích cực đối với phiên tòa.

Những đánh giá tích cực này cũng là một trong những động lực giúp chúng tôi hoàn thiện hơn nữa trong những phiên tòa sau theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Chủ tọa phiên tòa xét xử Phan Văn Vĩnh: Chúng tôi không thấy áp lực! - 2

Các bị cáo đứng nghe HĐXX đọc bản án sơ thẩm

Đây là vụ án phức tạp, có số người bị truy tố đạt mức kỷ lục trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, HĐXX có coi đây là áp lực hay không?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Mặc dù về tính chất vụ án phức tạp, có số người bị truy tố đạt mức kỷ lục trong lịch sử tố tụng, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt có 02 bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa.

Cả hai bị cáo khi phạm tội đều đang công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật nên thu hút rất đông đảo các cơ quan thông tin, truyền thông và sự theo dõi của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, tôi và các thành viên của HĐXX lại không thấy đây là áp lực. Chúng tôi thực hiện việc nghiên cứu hồ sơ, xét xử như những vụ án bình thường khác. Tại tòa, bất kể là ai khi tham gia tố tụng thì  tư cách tham gia tố tụng địa vị pháp lý là như nhau.

Chủ tọa phiên tòa xét xử Phan Văn Vĩnh: Chúng tôi không thấy áp lực! - 3

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương đọc bản án sơ thẩm đối với 92 bị cáo trong vụ án

Trong phần bào chữa của mình, các Luật sư bày tỏ sự ghi nhận trước những nỗ lực trong quá trình xét xử cũng như công tác chuẩn bị của TAND và Viện KSND tỉnh Phú Thọ. Một trong số những điểm đó là đã lắp đặt hai màn hình lớn để trình chiếu những chứng cứ công khai; việc phân loại các nhóm tội danh khi xét hỏi; việc bào chữa của các luật sư và đối đáp của VKS cũng được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”,… Bà có cho rằng đây là những đột phá mới trong công tác xét xử của ngành Tòa án hiện nay?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Đây là phiên tòa đầu tiên chúng tôi phối hợp với Viện kiểm sát lắp đặt hai màn hình lớn phục vụ cho việc tranh tụng tại phiên tòa. Trong quá trình xét xử, cùng việc tranh luận đưa ra những ý kiến quan điểm của mình đại diện Viện kiểm sát đã trình chiếu những chứng cứ công khai giúp cho những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa rõ hơn.

Cá nhân tôi nghĩ rằng hình thức này cần được nhân rộng giúp cho HĐXX đánh giá khách quan, minh bạch toàn diện hơn.

Đây là vụ án rất lớn, lại có nhiều tình tiết phức tạp, đông bị cáo, nhiều tội danh nên Hội dồng xét xử đã phân loại các nhóm tội danh khi xét hỏi; việc bào chữa của các luật sư và đối đáp của VKS cũng được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu” vẫn đảm bảo quyền tham gia khi xét hỏi và tranh luận. Việc áp dụng này theo quan điểm của cá nhân tôi phụ thuộc vào  từng vụ án cụ thể sao cho phù hợp.

Đối với việc đánh giá  đây có phải là những đột phá mới trong công tác xét xử của ngành Tòa án không, chúng tôi xin được nhường cho giới chuyên môn và  người tham gia tố tụng và người tham gia phiên tòa đánh giá cho đảm bảo tính khách quan.

Chủ tọa phiên tòa xét xử Phan Văn Vĩnh: Chúng tôi không thấy áp lực! - 4

Thiết bị phục vụ hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Đây là màn hình lớn được lắp hai bên cánh của phòng xử, VKS sẽ trình chiếu các chứng cứ, tài liệu lên hai màn hình này, qua đó tăng thêm tính minh bạch và thuyết phục. Đây là lần đầu tiên được áp dụng trong một phiên tòa.

Mặc dù quy mô vụ án rất lớn, lại có nhiều tình tiết phức tạp, nhưng sau khi kết thúc xét hỏi các bị cáo đều thành khẩn nhận tội. Dư luận cho rằng HĐXX đã rất thành công trong vụ án này. Quan điểm của bà thế nào?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Có 91 bị cáo đã thật sự thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, 01 bị cáo là Nguyễn Thanh Hóa cũng đã thừa nhận hành vi. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã cố gắng thực hiện chức năng  nhiệm vụ của mình đúng quy định của pháp luật.

Việc phạt các bị cáo tương xứng với hành vi là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là giáo dục các bị cáo trở thành người có ích cho xã hội.

Việc tất cả các bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải để sau này cải tạo thành công dân tốt là thành công lớn của vụ án. Có như vậy, mục đích cuối cùng của hình phạt mới đạt được.

Vụ án này là một trong những “đại án” được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây. Theo bà, việc đưa những vụ việc này ra xét xử sẽ tạo hiệu ứng tích cực như thế nào cho xã hội?

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương: Việc đưa ra xét xử các vụ “đại án” nói chung và vụ án này nói riêng sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu: Xây dựng tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Việc xét xử công khai minh bạch đảm bảo quyền con người cũng như đảm bảo tính nghiêm minh, giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật.

Niềm tin đó xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tin vào bản án minh bạch, khách quan đúng người đúng tội.

Từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, có tác dụng giáo dục chung và phòng ngừa riêng đồng thời cũng dóng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai đã và đang có ý định thực hiện hành vi phạm tội.

Xin cảm ơn bà!

Xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ: Không kêu oan, 21 bị cáo vẫn gửi đơn kháng cáo

21 bị cáo đã gửi đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ tuyên về vụ án tổ chức đánh bạc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Khởi tố cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN