Chủ tịch UBND TP HCM thông tin về tiến độ dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài
Lãnh đạo HĐND - UBND TP HCM kỳ vọng dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài sớm được triển khai để giúp TP HCM phát huy vai trò đầu tàu, mở ra cơ hội phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Sáng 12-5, Thường trực HĐND TP HCM phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình thành phố tổ chức Chương trình "Dân hỏi – Chính quyền trả lời" tháng 5-2024 với chủ đề "Tăng tốc thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội – Sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống".
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ điều hành chương trình.
Cần thiết đẩy nhanh cao tốc TP HCM - Mộc Bài
Nêu vấn đề tại chương trình, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng Nghị quyết 98 đã cho cơ chế để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, trong đó có tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài không chỉ kết nối TP HCM với Tây Ninh mà còn kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra cửa ngõ thông thương trong khu vực Đông Nam Á.
Chương trình "Dân hỏi – Chính quyền trả lời" tháng 5-2024 với chủ đề "Tăng tốc thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội – Sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống".
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, hiện Quốc lộ 22 là tuyến đường huyết mạch kết nối TP HCM với Tây Ninh, là điểm trung chuyển quan trọng kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ với Campuchia nhưng đã quá chật hẹp so với nhu cầu giao thông hiện nay.
"Hầu như ngày nào đoạn từ ngã tư An Sương đến cầu An Hạ cũng ùn ứ giờ cao điểm. Vì vậy, việc đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc là hoàn toàn cấp thiết"- bà Nguyễn Thị Lệ khẳng định và cho biết HĐND TP HCM cũng đã thông qua cơ cấu nguồn vốn để đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư vào tháng 7-2023.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ tin tưởng rằng khi hoàn thành tuyến đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài, cùng với các dự án hạ tầng khác đang hình thành, giúp TP HCM phát huy vai trò đầu tàu, là trung tâm kinh tế dịch vụ của vùng trọng điểm phía Nam.
Đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế; đặc biệt là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải hàng hóa - logistics... cho vùng kinh tế, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm, đóng góp tăng trưởng kinh tế - xã hội cho TP HCM, Tây Ninh lan tỏa qua Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Sẽ khởi công trước 30-4-2025
Trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết cao tốc TP HCM – Mộc Bài là dự án nhóm A, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với 4 làn xe.
Dự án đi qua địa phận TP HCM và Tây Ninh với tổng chiều dài 51 km, trong đó đoạn TP HCM là hơn 24 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh trên 26 km. Dự án bắt đầu từ điểm giao tỉnh lộ 15 với Vành đai 3, kết nối với Quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu - tỉnh Tây Ninh.
Dự án có 4 dự án thành phần, gồm xây dựng đường cao tốc 51 km, đường gom dân sinh, cầu vượt trên tuyến, giải phóng mặt bằng qua địa bàn TP HCM và Tây Ninh.
Dự kiến hướng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài
Theo ông Phan Văn Mãi, cao tốc TP HCM - Mộc Bài chia sẻ lưu lượng đang rất quá tải ở Quốc lộ 22, giảm thời gian lưu thông của các phương tiện, tăng năng lực vận tải hàng hóa và hành khách đi, đến TP HCM. Đồng thời, tăng kết nối Vành đai 3, Vành đai 4, với Tây Ninh, Campuchia và cả vùng Đông Nam Á, mở ra cánh cửa giao thương phía Tây Bắc TP HCM.
"Sau khi dự án hoàn thành, việc khai thác quỹ đất dọc tuyến và vùng phụ cận sẽ giúp TP HCM có thêm nguồn lực để phát triển các trung tâm đô thị, công nghiệp, logictics cũng như có thêm nguồn lực thực hiện các công trình khác"- Chủ tịch UBND TP HCM cho hay.
Về tiến độ, ông Phan Văn Mãi cho hay TP HCM được giao chuẩn bị dự án. Thành phố đã trình hồ sơ cho các cơ quan Trung ương thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt hơn một năm nay. Hiện tại hồ sơ đã đến được với Thường trực Chính phủ để phê duyệt chủ trương đầu tư.
"Tại hội nghị Hội đồng Vùng Đông Nam Bộ tại Tây Ninh diễn ra ngày 5-5 vừa qua, Thủ tướng có chỉ đạo phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án này trước ngày 15-5"- Chủ tịch UBND TP HCM thông tin.
Sau khi Thủ tưởng phê duyệt chủ trương đầu tư, TP HCM với tư cách là cơ quan được giao chuẩn bị hồ sơ, sẽ khẩn trương hoàn thiện dự án và phê duyệt dự án trước cuối tháng 9-2024. Sau đó, các công việc như giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư, các công việc chuẩn bị khác được tiến hành để có thể khởi công dự án này trước 30-4-2025.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM đã kiến nghị giao cho TP HCM làm cơ quan chủ quản dự án đường gom dân sinh, cầu vượt. TP HCM đang rà soát lại các điều kiện. Nếu thuận lợi, TP HCM sẽ khởi công dự án này trong năm 2024.
"Hiện TP HCM cùng với Tây Ninh phối hợp rất chặt chẽ, thường xuyên làm việc với các cơ quan Trung ương, trình cho Thủ tướng cũng như thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo tiến độ này"- ông Phan Văn Mãi cho biết.
Chủ tịch UBND TP HCM thông tin từ tháng 7-2023, TP HCM đã có các nghị quyết về dự án này và bố trí ngân sách 2.900 tỉ đồng. Đây cũng là một trong những nội dung đầu tiên TP HCM áp dụng Nghị quyết 98. Đó là TP HCM được sử dụng ngân sách của TP HCM để làm những dự án vùng, liên vùng để hỗ trợ các địa phương khác.
Thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương để tập trung hồ sơ, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng thực hiện dự án này.
Về các cơ chế để thực hiện dự án, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết đã báo cáo Thủ tướng cho phép áp dụng các cơ chế như Vành đai 3 trong giải phóng mặt bằng, thủ tục dự án.
Đồng thời đề nghị giao cho TP HCM phê duyệt dự án thành phần 1 (dự án BOT) và làm chủ đầu tư dự án đường gom dân sinh, cầu vượt, để tạo sự đồng bộ trong công tác chuẩn bị và triển khai dự án.
"Nếu như thực hiện đúng tiến độ này thì trước 30-4-2025 dự án được khởi công; phấn đấu xây dựng, hoàn thành trong năm 2027"- Chủ tịch UBND TP HCM kỳ vọng.
Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài được giải phóng mặt bằng với tổng diện tích hơn 435 ha. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của UBND TP HCM, tổng mức đầu tư dự án (bao gồm lãi vay) là 19.886 tỉ đồng. Chi phí xây dựng và thiết bị 9.387 tỉ đồng; 6.900 tỉ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm dự phòng). Chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị, trượt giá 1.614 tỉ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng 1.281 tỉ đồng... Về cơ cấu tài chính, phần vốn nhà nước tham gia 9.943 tỉ đồng, tương đương 50% tổng mức đầu tư, sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng... Phần vốn nhà đầu tư 9.943 tỉ đồng, tương đương 50% tổng mức đầu tư dự án được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). |
Chính phủ giao UBND TP.HCM đầu tư tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Nguồn: [Link nguồn]