Chủ tịch TP.HCM yêu cầu tái lập chốt kiểm soát dịch COVID-19
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu ra nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, nhất là trong thời gian qua, nhiều người di chuyển từ các tỉnh thành khác về, không loại trừ về từ các điểm có chuỗi lây nhiễm dịch được phát hiện.
Sáng 10-5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặt ra nhiều giả thiết và lo ngại về nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào TP.
Trước hết, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong biểu dương TP có nhiều nỗ lực chống dịch và kiểm soát mầm bệnh, đây là nỗ lực rất lớn từ Ban chỉ đạo các cấp. Trước tình hình dịch COVID-19 đang lan rộng đến nhiều tỉnh thành, Chủ tịch TP đề nghị nêu cao tinh thần không được phép lơ là, đề cao cảnh giác nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Theo Chủ tịch TP, tình hình dịch bệnh đã chuyển sang giai đoạn mới, rất cần sự ứng phó linh hoạt. “Theo tinh thần của Thủ tướng cần phải có cách tiếp cận mới giữa phòng thủ và tấn công, trong đó tấn công là chính. Hiện nay, nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rất cao đối với TP”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định.
Chủ tịch TP dẫn chứng một số nguy cơ đối với TP gồm hiện nay TP có nhiều khu cách ly tập trung, có nguy cơ lây nhiễm chéo ra cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều người sau khi cách ly tập trung trở về phát hiện dương tính muộn hoặc tuân thủ quy định trong khi cách ly tập trung không tốt, ra ngoài mới phát bệnh, điển hình là ca bệnh ở Hà Nam và Hà Tiên. Vừa qua, ca bệnh 2458 từ Hà Tiên (Kiên Giang) vào quận 3, TP.HCM đã được xét nghiệm âm tính 3 lần ở khu cách ly tập trung và được theo dõi 14 ngày sau cách ly, sau đó lên TP.HCM mới tái dương tính. “Ví dụ cho thấy chúng ta không lường hết biến thể của virus. Chúng ta cứ tưởng con virus còn như đầu tháng 11-2020, thực tế ở Ấn Độ là một ví dụ”, Chủ tịch TP cảnh báo.
Ngoài ra, TP có nhiều bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành khác về, nguy cơ trở thành chuỗi lây nhiễm cao.
Thứ nữa, nguy cơ nhập cảnh trái phép làm lây lan dịch bệnh ở TP cũng luôn chực chờ, thực tế đã ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập cảnh trái phép tại TP nhưng nhờ sự phát hiện sớm nên dịch chưa lây lan.
Cuối cùng, TP là địa phương có mật độ đi lại, giao thương lớn với cửa ngõ sân bay, 60 cảng biển lớn nhỏ, vừa qua, người đi lại dịp lễ và trở về TP lớn, không loại trừ đi từ địa phương có các chuỗi ca lây nhiễm. Đáng lưu ý, vừa qua, TP phát hiện có 3 ca bệnh là thuyền viên đang neo đậu ở Bến Phao Phước Long 5 (huyện Nhà Bè) hết hạn hợp đồng được lên bờ cách ly theo diện nhập cảnh.
Một chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở cửa ngõ TP.HCM từng được thiết lập ở đợt dịch trước. Ảnh: Nguyễn Yên
Từ các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, người đứng đầu TP đề ra một số giải pháp nhằm kiểm soát dịch.
Theo đó, Chủ tịch TP yêu cầu các sở ngành kích hoạt toàn bộ Bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn phòng dịch COVID-19 ở mức độ cao nhất và giám sát việc tuân thủ quy định.
Bên cạnh đó, kiểm soát các đường dịch bệnh có thể xâm nhập vào TP như hàng không, cảng biển, đường bộ.
Đối với hàng không, Chủ tịch TP đề nghị thường xuyên, rà soát bổ sung hướng dẫn phòng chống lây nhiễm trên máy bay, sân bay cho nhân viên, hành khách.
Đối với cảng biển, cảng nào thường xuyên tiếp nhận vận chuyển hàng hóa gắn với địa phương nào cần phối hợp với lực lượng biên phòng để thống nhất quy trình kiểm soát dịch.
Đối với đường bộ, Chủ tịch TP đề nghị tái lập các chốt kiểm soát, các tổ khai báo y tế cho người từ các cửa ngõ liên thông với TP như miền Tây, miền Đông vào TP. Các nhà ga, siêu thị, bến cảng cũng phải bố trí chốt kiểm soát khai báo y tế, kiểm tra thường xuyên. Chủ tịch TP yêu cầu phải hình thành các tổ lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo một ngày được 50.000 mẫu đơn.
Chủ tịch TP đặc biệt lưu ý các khu công nghiệp, khu chế xuất có phương án sẵn sàng tình huống xuất hiện một hay nhiều ca mắc COVID-19. “Nếu không chủ động, chỉ có một trường hợp lây trong khu sản xuất sẽ lây rất nhanh. Nếu không bảo đảm phương án phòng chống dịch có hiệu quả thì phải tạm thời ngưng hoạt động, giống như hiện nay đang làm với công viên nước Đầm Sen”, Chủ tịch Phong nhận định.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị phát huy mạnh mẽ công tác của tổ COVID-19 cộng đồng với 19.000 tổ và 52.000 thành viên được tập huấn sẵn sàng, chú trọng phát hiện người nhập cảnh trái phép, chùm ca bệnh hô hấp cộng đồng, hỗ trợ cơ quan y tế truy vết F1, F2, giám sát hộ dân trong khu vực phong tỏa, truyền thông nguy cơ cho người dân sống ở quanh khu vực cảng biển không xâm nhập bất hợp pháp với tàu thuyền và tiếp xúc với thuyền viên trên tàu...
Chủ tịch Phong cũng đề nghị các quận huyện kiểm tra, yêu cầu các nhà hàng còn mở cửa thực hiện theo yêu cầu 5K, không tập trung quá 30 người.
“Quận huyện vận động mềm mỏng người dân hợp tác chia sẻ trong điều kiện dịch bệnh với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ. Nếu có một trường hợp lây lan ở quán nào đó buộc lòng phải đóng cửa. Để duy trì hoạt động, phải chấp hành nghiêm các quy định của thành phố”, Chủ tịch Phong nói.
Ngoài ra, Chủ tịch TP cũng lưu ý các quận huyện chú ý quy mô giãn cách, đẩy mạnh áp dụng phương thức làm việc trực tuyến, chuyển đổi số.
Chủ tịch TP đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương cần có phương án sẵn sàng ứng phó chủ động khi dịch lan rộng, không để thất thủ. Về phương án tổ chức cách ly tập trung, Chủ tịch TP yêu cầu mỗi quận huyện phải duy trì ít nhất khu cách ly tập trung với ít nhất 20 giường, mở rộng 50 giường trong 24 giờ, cần thiết lên 100 giường, đặc biệt đối với TP Thủ Đức dân đông, địa bàn rộng.
Chủ tịch TP cho biết TP sẽ triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn TP lên 10.000 giường, sẵn sàng phương án điều trị cho 50-100 người bệnh COVID-19, đảm bảo kế hoạch điều trị cho 100-200 người bệnh. Đồng thời, tiếp tục xây thêm bệnh viện dã chiến quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh trên cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: [Link nguồn]
Tất cả 450 người liên quan với bệnh nhân tái dương tính ở TP.HCM đều có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.