Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ tang tại Hội trường Thống Nhất
Chuẩn bị cho lễ tang Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, bên trong Hội trường Thống Nhất có bố trí ba nhà chờ lớn gồm nơi đăng ký, đón tiếp các đoàn khách đến viếng; nhà chờ đón tiếp người dân TP và nhà chờ cho báo chí.
Chiều 24-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM).
Cùng tham dự có Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính.
Ban tổ chức lễ tang TP.HCM họp về công tác chuẩn bị. Ảnh: THUẬN VĂN
Báo cáo tại cuộc họp, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT, cho biết vào thời gian diễn ra lễ tang, tại cổng chính Hội trường Thống Nhất sẽ có lực lượng công an, Bộ Tư lệnh TP và Quân khu 7 cùng đảm trách việc kiểm tra an ninh.
Phía ngoài, xe gắn máy, xe ô tô của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân đến lễ viếng được bố trí trông giữ tại đường Hàn Thuyên và đường Alexandre De Rhodes (phường Bến Nghé, quận 1). Việc trông giữ xe phục vụ lễ tang hoàn toàn miễn phí và Lực lượng TNXP chịu trách nhiệm.
Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: THUẬN VĂN
Bên trong Hội trường Thống Nhất có bố trí ba nhà chờ lớn. Cụ thể, nơi đăng ký, đón tiếp các đoàn khách đến viếng; nhà đón tiếp người dân TP, những người đăng ký cá nhân đến viếng Tổng Bí thư.
“Ở nhà chờ này sẽ có kết nối truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi cũng như chuẩn bị nước, bánh cho người dân trong thời gian chờ, đến khoảng có từ 20 – 30 người thì sẽ tạo thành một đoàn để vào viếng Tổng Bí thư”- ông Nam thông tin và cho biết nhà chờ còn lại là nơi để báo chí hoạt động.
Nhà chờ ngay cổng ra vào Hội trường Thống Nhất. Ảnh: THUẬN VĂN
Các lực lượng trao đổi việc đảm bảo an ninh trước lễ viếng. Ảnh: THUẬN VĂN
Trao đổi với ban tổ chức lễ tang, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định công tác chuẩn bị lễ tang tại Hội trường Thống Nhất phải được thực hiện chu đáo, đúng kế hoạch, bảo đảm an ninh và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trước, trong và sau lễ tang.
Ngoài việc bố trí, sắp xếp các đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nhân sĩ trí thức,… ông Mãi đề nghị đảm bảo việc hướng dẫn người dân đến nhà chờ để kiểm tra an ninh, với những người dân đến viếng một mình thì bố trí cho đi tập trung theo nhóm theo đoàn vào Hội trường Thống Nhất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: THUẬN VĂN
Ông Phan Văn Mãi cũng thông tin 20 giờ tối nay (24-7) Công an TP.HCM sẽ mở sổ tang điện tử để người dân bày tỏ tình cảm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời tại Hội trường Thống Nhất cũng sẽ bố trí nơi để người dân ghi sổ tang.
“Về cơ bản, công tác chuẩn bị lễ tang đã làm chu đáo theo chỉ đạo. Tôi đề nghị các thành viên ban tổ chức lễ tang tại TP.HCM, các cơ quan liên quan… tiếp tục theo dõi chỉ đạo để có sự chuẩn bị tốt nhất có thể. Đây vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của TP.HCM với Tổng Bí thư”- ông Mãi nói.
Bên trong Hội trường Thống Nhất. Ảnh: THUẬN VĂN
Một số hình ảnh khác trước lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
CSGT điều tiết giao thông trước Hội trường Thống Nhất. Ảnh: THUẬN VĂN
Phòng ghi sổ tang được bố trí sẳn. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt trang trọng giữa Hội trường Thống Nhất. Ảnh: THUẬN VĂN
Người dân đến viếng mang theo thẻ CCCD gắn chip hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID mức độ 2 để quét mã QR. Nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đoàn của các cơ quan, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ… hoặc theo đoàn của địa phương. Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25-7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26-7. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26-7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trong hai ngày Quốc tang (25 và 26-7), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng. Ban Tổ chức Lễ tang sẽ tạo điều kiện sắp xếp cho Nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi đến viếng, người dân mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR. |
Nguồn: [Link nguồn]
"Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được..." - là những câu nói ví von, bình dị về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC thường nói, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Người "đốt lò tham nhũng" nay đã đi xa, nhưng di sản mà đồng chí để lại là đặc biệt lớn, với nhiều "biệt dược" chống "giặc nội xâm"...