Chủ tịch TP Hội An: 'Chỉ qua một mùa mưa gió thôi, Chùa Cầu sẽ trở lại màu như cũ'
Chủ tịch thành phố Hội An khẳng định đánh giá tổng quan thì việc trùng tu di tích Chùa Cầu thực hiện đúng hồ sơ giấy phép, đảm bảo nguyên tắc trùng tu. Lần đại trùng tu này đem đến sự vững bền cho di tích, đó là điều quan trọng nhất, và giữ được các yếu tố gốc tối đa nhất. Tuy nhiên, những ý kiến về vấn đề màu sắc di tích sẽ tiếp tục nghiên cứu, trong thời gian từ nay đến ngày 3/8 (lễ khánh thành), có thể pha lại màu sắc như thế nào cho ít thay đổi nhất”, ông Sơn nói.
Diện mạo Chùa Cầu Hội An sau trùng tu. Ảnh: Hoài Văn.
Chiều 28/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) - cho biết đã lắng nghe ý kiến của dư luận về diện mạo khác lạ của di tích Chùa Cầu sau trùng tu.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An.
Theo lãnh đạo thành phố Hội An, Chùa Cầu là di tích quốc gia đặc biệt, là biểu tượng của quan hệ giao lưu Việt Nam – Nhật Bản.
Sau hơn 400 năm tồn tại, di tích này đã qua 7 lần trùng tu, lần gần nhất là vào năm 1986, nhưng lúc bấy giờ trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nên việc trùng tu chưa đảm bảo yếu tố vững bền. Vì vậy gần đây, di tích xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ hệ thống cấu kiện, dầm, sàn bên dưới mục ruỗng, móng lún nứt, các cấu kiện giữa chùa với cầu không liên kết nhau dẫn đến nguy cơ cao sụp đổ di tích, ảnh hưởng an toàn khách tham quan.
Do đó, Bộ Văn hóa - Thể thao, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An quyết tâm trùng tu di tích này.
Hình ảnh Chùa Cầu sau hoàn thành trùng tu.
Để chuẩn bị cho công cuộc trùng tu, công tác chuẩn bị cũng mất mấy năm và trước khi tổ chức triển khai thì thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, trong nước để tham vấn các nhà chuyên môn. Trong quá trình lập hồ sơ, tham vấn đầy đủ các nhà nghiên cứu, đặc biệt các chuyên gia Nhật Bản.
Ông Sơn khẳng định quá trình trùng tu cũng tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc công khai minh bạch, du khách vẫn tham quan khi di tích đang trùng tu.
Trong quá trình triển khai, việc tháo gỡ từng viên ngói, cấu kiện gỗ đều có đánh dấu, mời các chuyên gia thẩm định hiện trạng cấu kiện còn được bao nhiêu phần trăm, sử dụng được phần nào, phần nào bỏ đi đều có biên bản cụ thể. Cái nào hư hỏng mục ruỗng không đảm bảo cho an toàn công trình thì tháo bỏ, còn lại từng viên ngói, viên gạch, từng thanh gỗ có thể sử dụng được đều tuân thủ giữ lại các yếu tố gốc. Do đó, việc trùng tu đảm bảo nguyên các yếu tố gốc tối đa nhất.
“Vào công trình thấy có ngói cũ, ngói mới, có gỗ mới, gỗ cũ. Đó là theo nguyên tắc trùng tu và đều được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao. Công trình đại trùng tu, trùng tu xong dứt khoát phải sơn lại để bảo quản công trình, vì nếu cứ để cũ thì mưa gió sẽ xuống cấp. Tất cả màu đó đều là những màu gốc đã được nghiên cứu. Dĩ nhiên khi mới sơn nó phải mới thôi, nhìn có lạ so với trước đây nhưng chỉ qua một mùa mưa gió thôi nó sẽ trở lại màu như cũ”, ông Sơn nói.
Lãnh đạo thành phố Hội An cũng cho hay các ý kiến của người dân, du khách về vấn đề màu sắc Chùa Cầu sau trùng tu thì thành phố cũng tiếp tục nghiên cứu trong thời gian từ nay đến ngày 3/8 (lễ khánh thành).
“Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu có thể pha lại màu sắc như thế nào cho ít thay đổi nhất. Đánh giá tổng quan thì công trình đã thực hiện đảm bảo đúng hồ sơ giấy phép, đảm bảo nguyên tắc trùng tu, phải nói lần đại trùng tu này đem đến sự vững bền cho di tích, mà rất lâu dài. Đó là điều quan trọng nhất, và giữ được các yếu tố gốc tối đa nhất”, ông Sơn khẳng định.
Diện mạo di tích Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu. Video: Hoài Văn.
Từ tàn tích nền móng hoang phế, đổ nát do chiến tranh bom đạn, điện Kiến Trung - cung điện độc đáo bậc nhất Hoàng thành Huế đã hồi sinh một cách kỳ diệu với sự uy nghi, tráng lệ, lộng lẫy đến choáng ngợp.
Nguồn: [Link nguồn]