Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế: 'TP Huế sẽ lấy lại vị thế'
Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trở thành thành phố trực thuộc trung ương là cơ hội để Huế khôi phục vị thế đã có, từng bước sánh ngang với Hà Nội và TP HCM.
Ngày 30/11, Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc trung ương từ năm 2025 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay. VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phương về những thách thức cũng như cơ hội của địa phương trước quyết định này.
- Cảm xúc của ông thế nào khi hành trình đưa Thừa Thiên Huế thành phố trực thuộc trung ương đã cán đích?
- Phải nói lúc này tôi vô cùng phấn khởi, tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương đã trở thành sự thật. Đây là mốc son, là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của Huế.
Thừa Thiên Huế từng là kinh đô của Việt Nam trong hơn 143 năm, là một trong ba đô thị lớn nhất của cả nước cùng với Hà Nội, Sài Gòn. 28 năm trước, đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đầu tàu của miền Trung đã được trình lên Quốc hội khóa 9, song rất tiếc chưa hội đủ các điều kiện cần thiết nên chưa được thông qua.
Sau lần lỡ hẹn đó, các thế hệ lãnh đạo luôn xác định toàn tỉnh phải trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Và giờ hành trình đã đến đích, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương. Đây là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh
- Trong hành trình đưa Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc trung ương, vấn đề nào khiến lãnh đạo tỉnh đau đầu nhất?
- Huế sở hữu 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử, là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững môi trường ASEAN, thành phố xanh quốc gia nên đô thị Huế phát triển rất khác so với các đô thị trên cả nước. Việc phát triển đô thị Huế làm sao phải hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế. Đây là bài toán rất khó, đặt ra nhiều thách thức cho tỉnh.
Với định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa, bảo tồn di sản, tỉnh Thừa Thiên Huế chấp nhận bỏ qua nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến di tích, cảnh quan, môi trường.
Để giải quyết vấn đề trên, từ lâu tỉnh đã xác định mô hình TP Huế trực thuộc trung ương sẽ theo hướng giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản. Những khu vực cần giữ gìn sẽ tuyệt đối không đầu tư dự án gây tác động tiêu cực. Các ngành, lĩnh vực có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh như công nghiệp nặng, khai thác khoáng sản, nhiệt điện than, tỉnh cũng không kêu gọi đầu tư.
Những năm qua, Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư một số công trình dự án trùng tu, bảo tồn di tích cố đô Huế, di tích xuống cấp nghiêm trọng, hoàn thành đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I kinh thành Huế, các dự án chỉnh trang đô thị. Tỉnh cũng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp phù hợp với các lợi thế của địa phương, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Toàn cảnh Trung tâm TP Huế nhìn trên cao. Video: Võ Thạnh
- Ông đánh giá cơ hội lớn nhất mà Thừa Thiên Huế có được khi lên thành phố trực thuộc Trung ương là gì?
- Việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế sẽ tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa. Đây cũng là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.
Với cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, Thừa Thiên Huế có thêm nguồn lực khi 100% phí tham quan di tích được giữ lại để trùng tu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Tính trung bình, mỗi năm kinh phí trùng tu, bảo tồn di tích trên toàn tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trở thành thành phố trực thuộc trung ương sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng được đồng bộ và hiện đại, các chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần đẩy mạnh nguồn thu ngân sách xứng tầm đô thị của quốc gia.
- Và TP Huế sẽ đối mặt với những thách thức nào khi lên thành phố trực thuộc trung ương?
- Như đã nói, Huế là nơi có nhiều di sản văn hóa và lịch sử, vừa phát triển kinh tế vừa phải bảo tồn giá trị văn hóa là bài toán khó, đòi hỏi sự khéo léo trong quy hoạch và quản lý. Mặc dù đã có những cải thiện, đầu tư cơ bản, song hạ tầng giao thông và dịch vụ vẫn cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và du lịch trong bối cảnh mới. Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ vẫn còn hạn chế.
Bài toán để nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng xa, những nơi người dân chịu tác động bởi quá trình đô thị hóa cũng cần có những chính sách phù hợp. Huế dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, hứng chịu thiên tai bão lũ nhiều, nên cần có các giải pháp ứng phó hiệu quả để bảo vệ cộng đồng và di sản văn hóa.
Để vượt qua những thách thức này, TP Huế tương lai cần một chiến lược phát triển rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội.
Trung tâm TP Huế nằm bên dòng sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh
- Lên thành phố trực thuộc trung ương, TP Huế phải tự cân đối được thu chi ngân sách. Địa phương có kế hoạch gì để giải quyết bài toán này?
- Những năm qua, địa phương đã quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho các khu vực phát triển nhằm nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong kêu gọi, thu hút đầu tư, trong đó xác định rõ các khu vực cần bảo tồn di sản và khu vực có thể phát triển dự án để tránh xung đột. Tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới như xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đường Nguyễn Hoàng, cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại.
Thừa Thiên Huế và sau này là TP Huế đã, đang và sẽ nâng cao hiệu quả khai thác khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô - Bạch Mã, đặc biệt là vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và quần thể di tích cố đô Huế; ưu tiên phát triển kinh tế biển, du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Địa phương sẽ khuyến khích, tập trung vào việc thu hút các dự án đầu tư vào du lịch và dịch vụ, những lĩnh vực có thể mang lại doanh thu cao mà không làm tổn hại đến di sản; ưu tiên phát triển các dự án lớn, vừa và nhỏ cách xa các khu vực bảo tồn di sản, văn hóa. Các sản phẩm du lịch văn hóa, trải nghiệm truyền thống cũng được ưu tiên phát triển. Thành phố sẽ đề xuất các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án, đặc biệt là dự án bảo tồn và phát triển văn hóa.
Trung tâm huyện miền núi A Lưới. Ảnh: Võ Thạnh
- Một trong những tiêu chí lên thành phố trực thuộc trung ương là thu nhập bình quân đầu năm so với cả nước gấp 1,75 lần. Trong khi đó A Lưới mới thoát nghèo, người dân vẫn còn khó khăn. Tỉnh giải quyết vấn đề này thế nào?
- Để nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở Thừa Thiên Huế, đặc biệt là ở huyện A Lưới vừa mới thoát nghèo, tỉnh tập trung vào việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và dịch vụ. Các chương trình khuyến khích hợp tác xã và mô hình kinh doanh cộng đồng được ưu tiên để cải thiện thu nhập cho người dân. Hạ tầng giao thông, điện, nước và thông tin được đầu tư để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Việc này cũng giúp thu hút các nhà đầu tư vào khu vực, tạo thêm việc làm cho người dân.
Tỉnh đã triển khai các chương trình đào tạo nghề cho lao động địa phương nhằm nâng cao kỹ năng và khả năng tiếp cận việc làm, đặc biệt chú trọng vào các nghề phù hợp với điều kiện địa phương như chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ và du lịch, dịch vụ. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm được thúc đẩy để gia tăng giá trị sản phẩm.
Quốc lộ 49 từ trung tâm TP Huế lên huyện A Lưới được mở rộng, đường 74 nối huyện A Lưới và huyện Nam Đông hoàn thành sẽ tạo điều kiện tối đa cho người dân huyện A Lưới trong việc giao thương, đưa hàng nông sản về xuôi.
Tất cả giải pháp trên không chỉ giúp nâng cao thu nhập bình quân đầu người mà còn tạo môi trường kinh tế thuận lợi cho sự phát triển bền vững của A Lưới và toàn tỉnh.
- Ông hình dung 10 năm tới TP Huế sẽ thế nào?
- Việc trở thành thành phố trực thuộc trung ương giúp Huế từng bước khôi phục vị thế đã có, từng bước sánh ngang với Hà Nội và TP HCM. Với những gì Huế đang sở hữu, tôi tin rằng trong 10 năm tới và tương lai xa hơn Huế sẽ phát triển, trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Người dân Huế sẽ có cuộc sống tốt hơn, nâng cao thu nhập từ dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục, khoa học. Bản sắc văn hóa của kinh đô xưa, những giá trị chuẩn mực của những con người đất thần kinh, tinh hoa của nhân loại sẽ từng bước được phục hồi trên mảnh đất cố đô.
Sáng nay, 30-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với 458/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán...
Nguồn: [Link nguồn]