Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 6 quyết nhiều vấn đề quan trọng
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sáng 29-11, sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XV đã bế mạc trọng thể.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc tại kỳ họp. Ảnh: QH
Đối ngoại là điểm sáng nổi bật trong năm 2023
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết QH đã biểu quyết thông qua 7 luật, 8 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 8 dự án luật khác; đồng thời thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành nghị quyết chung của kỳ họp.
Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, theo Chủ tịch QH, QH đã thảo luận kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2023. Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024.
QH cũng thống nhất đánh giá từ năm 2023 và đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Tăng trưởng kinh tế dần được phục hồi theo hướng ngày một tích cực hơn, dự báo cả năm 2023 GDP tăng trên 5% và hoàn thành ít nhất 10/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện.
“Các hoạt động đối ngoại diễn ra liên tục, sôi động và là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước G20. Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Chủ tịch QH cho biết năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó là triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.
Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.
Các đại biểu tại phiên bế mạc sáng 29-11. Ảnh: QH
Lý do chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Đề cập đến công tác lập pháp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhìn nhận các đạo luật được thông qua và cho ý kiến lần đầu có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề cấp bách.
Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch QH cho hay do mang tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của hai dự án luật này, QH đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc, thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Về hoạt động giám sát, Chủ tịch QH đề cập đến các phiên chất vấn, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Ông cho rằng hai hoạt động giám sát này đã được tiến hành công phu, kỹ lưỡng, có tác động tốt... cho mọi cấp, mọi ngành, nhất là các chức danh được chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm.
“Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định kỳ họp thứ sáu, QH khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn” - Chủ tịch QH nêu.
Chính thức giảm 2% thuế VAT đến hết 30-6-2024 Tại phiên bế mạc, QH cũng đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ sáu, QH khóa XV với 477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 96,56%). Theo nghị quyết, tại kỳ họp này, QH đã thông qua bảy luật gồm Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi). QH thông qua chín nghị quyết, trong đó có Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024… Ngoài ra, có tám dự án luật được cho ý kiến lần đầu gồm: Luật BHXH (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. QH đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31-12-2024; đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT trong thời gian từ ngày 1-1 đến hết 30-6-2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa đặc thù. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của QH khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn… |
------------
Xin ý kiến tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1-2024 Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XV sáng 29-11, Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường đã lý giải thêm về việc vì sao QH chưa thông qua hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Cụ thể, theo ông Cường, việc tạm lùi chưa thông qua này thể hiện tinh thần “cẩn trọng, trách nhiệm”, bởi trong quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, cần có thời gian để xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những tác động từ các chính sách. Nếu không sau này sửa luật sẽ rất khó, ví dụ BLHS trước đây, sau khi thông qua phải sửa. “Việc chưa thông qua hai dự án luật này thể hiện sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, làm sao để khi luật ban hành phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, đảm bảo tính bền vững và không xảy ra xung đột với các luật khác” - ông Cường lý giải.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo. Ảnh: QH Tổng Thư ký QH cũng cho biết đang báo cáo cấp có thẩm quyền để tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1-2024 để xem xét một số nội dung cấp bách theo đề nghị của Chính phủ, trong đó có hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, đã thông tin về việc quy định lấy mống mắt tại Luật Căn cước. Theo ông Đức, đây là một trong những quy định mới của Luật Căn cước vừa được thông qua. Thông tin về mống mắt sẽ được cơ quan chức năng thu thập bằng thiết bị chuyên dụng, hiện đại. Khi người dân làm mới, cấp đổi lại thẻ căn cước, cơ quan chức năng sẽ thu thập thông tin để làm giàu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cụ thể, Điều 46 Luật Căn cước đã có bốn khoản quy định về việc chuyển tiếp. Theo đó, với thẻ căn cước còn hiệu lực, người dân vẫn sử dụng bình thường, không phải đến cơ quan chức năng để thu thập thêm thông tin, trừ trường hợp công dân có nhu cầu bổ sung, thay, đổi thẻ căn cước. Về vấn đề cấm nồng độ cồn trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông Đức cho hay Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe. Trên cơ sở đó, cơ quan làm luật đã lấy căn cứ này để đưa vào dự thảo luật. “Theo tổng kết của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, 43% các vụ tai nạn, vi phạm giao thông nghiêm trọng xuất phát từ vi phạm nồng độ cồn” - ông Đức nói và mong muốn nội dung này tiếp tục được tuyên truyền và nhận được sự ủng hộ. NHÓM PV |
Nguồn: [Link nguồn]
Sáng 29-11, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV...