Chủ tịch Quốc hội: 'Không nên quy định cứng chiều cao công trình trong đô thị'

Sự kiện: Thời sự

Dẫn mô hình đô thị nén tại Hong Kong, Singapore với nhiều cao ốc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên quy định cứng chiều cao công trình trong lòng đô thị.

Sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo dự thảo, quy hoạch chi tiết phải quy định ranh giới, phạm vi, tính chất, chức năng khu quy hoạch; chỉ tiêu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất; chiều cao công trình, cốt sàn và chiều cao tầng; hình thức kiến trúc; vật liệu xây dựng; chỉ giới đường đỏ...

Cho ý kiến về điều khoản này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với tiêu chí, tiêu chuẩn quy hoạch đô thị phải gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng. Việc này giúp cân bằng giữa phát triển đô thị theo chiều rộng và phát triển đô thị nén theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).

Tuy nhiên với chiều cao công trình, ông Huệ nói nội dung này đã "tranh luận rất nhiều lần nhưng vẫn chưa rõ". Chiều cao công trình trong đô thị hiện nay chỉ tuân thủ quy định về an ninh, an toàn bay. "Không ai cấm xây dựng nhà cao tầng trong nội đô. Vấn đề quan trọng là xử lý các mối quan hệ giữa kết cấu hạ tầng với điều kiện chiều cao công trình này thế nào", ông nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu sáng 22/4. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu sáng 22/4. Ảnh: Media Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định về chiều cao công trình nội đô đến nay vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn khi cải tạo các chung cư cũ. Lấy ví dụ ở Hong Kong, Singapore đang làm mô hình đô thị nén TOD, xây "nhà chọc trời", ông Huệ cho rằng cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát nội dung này.

Nếu theo quy định về hạ tầng đô thị và mật độ dân số, quận Hoàn Kiếm với diện tích chỉ 5 km2 phải rút rất nhiều dân. Tuy nhiên, cơ quan quy hoạch của thành phố đã thay đổi tư duy. Bốn quận nội thành cũ bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng được đưa vào tổng thể quy hoạch để cân đối, giải quyết vấn đề dân số và hạ tầng.

Vì vậy Chủ tịch Quốc hội đề nghị với mật độ dân số, chiều cao công trình, dự thảo nên để cơ quan tư vấn đề xuất trên cơ sở thực tế từng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí kết cấu hạ tầng đô thị, điện nước, giao thông, đi lại, phát thải. "Tiêu chuẩn về mật độ dân số, chiều cao công trình nên dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể, không nên quy định cứng nhắc", ông Huệ nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Lê Quang Huy cho rằng việc quá tải hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật còn tồn tại ở hầu hết đô thị. Nguyên nhân là quy hoạch từ khi lập, thẩm định, phê duyệt được quan tâm và giám sát rất cẩn trọng, nhưng lúc điều chỉnh cục bộ thì các dự báo, điều kiện yêu cầu lúc đầu bị phá vỡ.

Việc này dẫn đến quá tải về hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, hoặc hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, cây xanh, mặt nước. Ông Huy đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể, căn cứ để biết quá tải và tiêu kinh tế kỹ thuật đối với hạ tầng trong đô thị.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đề nghị ban soạn thảo hướng đến giảm thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo phải kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án treo, chậm triển khai.

Đồng tình với Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa yêu cầu về "không gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội". Ông đề xuất xác định hệ quy chiếu là mật độ cư trú, quy mô, mật độ dân số của khu vực đã có quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo có 9 nhóm nội dung chính. Trong đó có việc phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; quy hoạch không gian ngầm; điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch... Dự luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5.

Chiều 17-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN