Chủ tịch Quốc hội: Không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn
Tại buổi thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh dư địa thị trường bảo hiểm ở nước ta còn lớn, do đó cần sửa đổi luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Ngày 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Nhấn mạnh tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cuộc sống không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sau 20 năm nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Cho rằng dư địa thị thường bảo hiểm ở nước ta con lớn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc tháo gỡ khó khăn tại thị trường bảo hiểm là điều rất quan trọng cho thị trường vốn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi thảo luận tổ ngày 25-10
Tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần rà soát lại nội dung lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm. Cụ thể, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát đảm bảo phát triển cân đối hài hoà, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm kể cả nhân thọ và phi nhân thọ; bảo hiểm và tái bảo hiểm... "Trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…"- Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tiếp tục rà soát nội dung hợp đồng theo hướng bình đẳng quyền giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng (hưởng thụ các dịch vụ). "Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có cả Hiệp hội kinh doanh bảo hiểm bảo vệ quyền lợi. Còn người tiêu dùng trong tình huống đặc thù này thì Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng trong nhiều trường hợp chưa nắm rõ được cụ thể. Do đó cần phải hoàn hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần xác lập một mối quan hệ hợp đồng đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, phù hợp với đặc thù của kinh doanh bảo hiểm, bao gồm kể cả xử lý các vấn đề khi tranh chấp.
Ngoài ra, Luật kinh doanh bảo hiểm cần phù hợp với môi trường không gian mạng, môi trường số, môi trường điện tử, bởi đây là cơ hội lớn để chúng ta tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực.
Tiếp theo liên quan đến nội dung quản trị kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ kết quả của đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm để chúng ta làm sao có những quy định nâng chuẩn lên, không chấp nhận những doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh dưới chuẩn: từ vốn cho đến các vấn đề quản trị…
Về hiệu lực của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng tháng 5-2022, chúng ta dự kiến phê chuẩn dự án luật mà đến tháng 7 năm 2023 mới có hiệu lực là muộn.
"Cá nhân tôi ủng hộ việc nếu sang năm ban hành thì đến ngày 1-1-2023, luật này sẽ có hiệu lực thực thi. Ngay ở thời điểm này phải dự thảo các văn bản hướng dẫn, đến khi thông qua còn 6 tháng nữa, mới không có lý do gì để kéo dài ban hành văn bản"- Chủ tịch Quốc hội nói.
Tham gia thảo luận về dự án luật, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết "bảo hiểm vi mô" đã được quy định trong dự thảo luật này, đây là điều rất cần thiết bởi chúng ta đã triển khai loại hình bảo hiểm này trên thực tế. Theo ông An, loại hình bảo hiểm này hướng tới đối tượng thu nhập thấp, nhằm bảo vệ họ trước những khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, vị đại biểu tỉnh Đồng nai kiến nghị cơ quan soạn thảo nên xem xét, thiết kế thêm các điều về "bảo hiểm vi mô", bởi một Chương trong Luật về "bảo hiểm vi mô" mà chỉ có 2 Điều thì chưa tương xứng.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, loại hình này có những đặc thù riêng, khác loại hình bảo hiểm thông thường. Do đó, đã đề nghị Chính phủ có nghiên cứu, bổ sung những quy định về vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện bảo hiểm vi mô. Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện được chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên.
Trên thế giới, việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12-18 tuổi đã thống nhất và có bằng chứng khoa học về hiệu quả, an toàn
Nguồn: [Link nguồn]