Chủ tịch Quốc hội gợi ý hạn chế ôtô vào nội đô để kiểm soát ô nhiễm
Dẫn kinh nghiệm một số nước, ông Vương Đình Huệ cho biết ôtô di chuyển trong nội đô hoặc từ ngoài vào thành phố phải đi từ hai người trở lên, cấm xe chở một người.
Sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói ô nhiễm môi trường, không khí là vấn đề "nhãn tiền và cốt yếu" của Hà Nội hiện nay. Luật Thủ đô sửa đổi cần quy định theo hướng cao hơn, tích cực hơn đối với tiêu chuẩn khí thải của ôtô và xe máy.
Đối với lộ trình hạn chế phương tiện giao thông, Hà Nội hiện nay mới có chủ trương thu phí. Song, Chủ tịch Quốc hội gợi ý thành phố có thể nghiên cứu cách làm của một số nước, cấm ôtô chỉ chở một người di chuyển trong nội đô và từ ngoài vào trong đô thị.
Ông Huệ nói chính sách này đã được một số nước áp dụng, song đây là "hạn chế quyền của công dân". Vì vậy khi sửa đổi Luật Thủ đô, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và rà soát kỹ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói tại phiên làm việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/3. Ảnh: Media Quốc hội
Theo ông Vương Đình Huệ, tình trạng úng ngập, ô nhiễm môi trường là vấn đề liên ngành, song đối với Hà Nội, thành phố cần được giao thẩm quyền để "tự chịu trách nhiệm, tự giải quyết", thay vì xin ý kiến "bộ nọ, ngành kia". Nội dung này nên phân cấp cho UBND hoặc HĐND Hà Nội quyết để có thể tự cân đối nguồn lực.
"Nhiều người nước ngoài ở Hà Nội nói rằng thủ đô rất tuyệt vời, có điều là không khí tệ quá. Vậy Luật Thủ đô sửa đổi có giải quyết vấn đề này không, phân quyền gì cho Hà Nội trong chuyện này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đồng tình quy chuẩn, tiêu chuẩn về vấn đề môi trường còn rất thiếu. Thêm vào đó, quy định về định mức, đơn giá còn vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong triển khai các dự án quan trọng của thủ đô.
"Trạm sạc điện cho ôtô cũng chưa có tiêu chuẩn, quy định nào cả. Không khéo mỗi hàng một tiêu chuẩn không dùng chung được, rất lãng phí", ông Dũng nói, cho rằng khi sửa đổi Luật Thủ đô, cần rà soát các quy chuẩn, đảm bảo tính khả thi, nhất là về môi trường, xây dựng và đô thị.
Cuối năm 2022, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) Hà Nội báo cáo Sở Giao thông Vận tải việc xây dựng Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".
Cơ quan này đề xuất chia Đề án làm ba giai đoạn triển khai. Giai đoạn thí điểm sẽ bố trí 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô lưu lượng giao thông lớn, có nguy cơ ùn tắc cao. Đến 30/11/2025 các cơ quan báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3. Bản chất việc thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực là một khoản thu mà người sử dụng ôtô sẽ phải chi trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc trong một khoảng thời gian quy định.
Theo dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, HĐND TP Hà Nội có quyền quy định đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc, giảm phát thải; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, dự luật chưa quy định cụ thể các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân.
Dự án Luật Thủ đô sửa đổi được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 (tháng 11/2023) và dự kiến thông qua tại kỳ họp giữa năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Các chuyên gia giao thông đã đưa ra ý kiến trước đề án “cấm xe máy” vào nội thành trên các địa bàn quận Hà Nội năm 2030.