Chủ tịch Quốc hội: Giá nhập khẩu nguyên liệu cao, người dân phải mua thuốc đắt

Sự kiện: Thời sự

Chủ tịch Quốc hội cho rằng hiện khoảng 90% nguyên liệu làm thuốc phải nhập khẩu và nếu giá nhập khẩu cao, người dân phải mua thuốc đắt.

Chiều 16-4, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Sửa luật để người dân được tiếp cận thuốc chất lượng

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay sau hơn năm năm triển khai thi hành Luật, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Các quy định của pháp luật về dược đã tạo cơ sở pháp lý theo hướng công khai, minh bạch, thể hiện tính tiên tiến, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới… Qua đó bảo đảm chất lượng thuốc đến tay người tiêu dùng vẫn duy trì tốt.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Tuy nhiên, theo bà Lan, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Bộ trưởng Y tế dẫn chứng một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính. Một số quy định về quản lý đến chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý; chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá.

Đặc biệt, một số quy định về quản lý giá thuốc chưa phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật về giá mới được ban hành…

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.

“Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc”- bà Đào Hồng Lan nói.

Giá nhập khẩu nguyên liệu cao, người dân phải mua thuốc đắt

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo luật được chuẩn bị công phu, quy mô sửa khá nhiều và có bước tiến lớn về tư duy trong sửa đổi luật.

Nói về chính sách phát triển công nghiệp dược, ông Vương Đình Huệ cho rằng chúng ta đang trong tình trạng đa số thuốc thông thường Việt Nam tự sản xuất được nhưng khoảng 90% nguyên liệu làm thuốc phải nhập khẩu. Đáng chú ý, những thuốc đặc trị, thiết yếu đa số vẫn phải nhập khẩu.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc phát triển ngành dược cần phải được hết sức quan tâm, có chính sách thúc đẩy phát triển, bởi đây vừa là kinh tế, vừa liên quan chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Đánh giá “tiềm năng rất lớn” nhưng thực tế quy mô ngành dược phát triển còn nhỏ, ông Vương Đình Huệ đề nghị rà soát lại Quyết định 376/2021 của Thủ tướng (phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến 2030, tầm nhìn 2045) để luật hóa một số chính sách nhằm khuyến khích ngành này phát triển mạnh.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có các chính sách ưu đãi với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao thông qua các quy định về lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỉ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển thuốc mới.

Cạnh đó, thúc đẩy liên doanh hợp tác trong nước - nước ngoài thành chuỗi, đặc biệt là các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam…

Theo ông Vương Đình Huệ, chính sách phân phối của Việt Nam còn giới hạn nên cần tính đến việc liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng nhau sản xuất, phân phối, lưu thông... thành chuỗi.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý có thể luật hóa một số chính sách ưu đãi về “đầu ra” cho các sản phẩm của cơ sở sản xuất trong nước, như trong đấu thầu mua sắm, lựa chọn thuốc điều trị, thanh toán chi phí thuốc chữa bệnh, bảo hiểm y tế...

Với trên 90% nguyên liệu làm thuốc phải nhập khẩu, người đứng đầu Quốc hội đặt vấn đề nên chăng có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc?

“Giá nhập khẩu cao thì giá thành thuốc sẽ đắt, người dân phải mua thuốc đắt nên cạnh tranh sẽ kém. Nên chăng nghiên cứu chính sách ưu đãi về thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Gần đây, nhiều cơ sở y tế thiếu thuốc hiếm để điều trị, chẳng hạn thuốc giải độc, thuốc cầm máu và chống đông tiêu sợi huyết… khiến nhiều trường hợp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC MINH ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN