Chủ tịch Quốc hội: Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết các cơ quan và Chính phủ nhất trí, thống nhất sẽ trình Quốc hội chuyển dự Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp 6
Tiếp tục Chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, sáng 16-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn một số nội dung có 2 phương án, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đến nay vẫn chưa trình quan điểm, vẫn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, lần này trình dự luật với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thu hẹp tối đa các vấn đề, để còn một phương án và trình Quốc hội phương án này.
Về các nội dung còn khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo, các cơ quan cần tập trung lập luận các ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án.
Về thời điểm thông qua dự luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Các cơ quan hữu quan và Chính phủ đồng tình, nhất trí và Quốc hội cũng đồng tình chuyển sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp thứ 6".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo
Trước đó, trình bày báo cáo tóm tắt về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết trên cơ sở ý kiến 49 ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, 16 ý kiến tranh luận tại hội trường và 17 ý kiến góp ý bằng văn bản, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về các nội dung đề nghị ĐBQH tập trung thảo luận tại báo cáo số 678/BC-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung thảo luận đối với 4 nội dung có 1 phương án và 22 nội dung có 2 phương án. Tổng hợp ý kiến ĐBQH cho thấy có 4/26 nội dung ý kiến ĐBQH tương đối tập trung; 15/26 nội dung có ít ý kiến ĐBQH tham gia, chưa rõ xu hướng ý kiến, ý kiến tham gia còn phân tán, chưa thống nhất; 7/26 nội dung không có ý kiến ĐBQH tham gia.
Về phương án chính sách thể hiện tại dự thảo Luật, có 6/26 nội dung đã tiếp thu gọn còn 1 phương án; 14/26 nội dung còn có 2 phương án; 1/26 nội dung cần có thông tin làm rõ; 5/26 nội dung Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường ngày 3-11-2023, các quy định tại dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ý kiến ĐBQH về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại hội trường cho thấy có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; trong khi đó có 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng; 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong dự thảo Luật, vì vậy, đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.
Các đại biểu cho rằng thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng cần hết sức minh bạch, sòng phẳng với dân, tránh tạo điều kiện cho “lợi ích nhóm” thâu tóm đất.
Nguồn: [Link nguồn]