Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết

Sự kiện: Thời sự

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, cho rằng việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Sáng 26-8, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 13 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo.

Tại phiên họp, ban chỉ đạo thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện đề án: “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” và “Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại tòa án” do Ban cán sự đảng TAND Tối cao trình.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tham gia phiên họp thứ 13 gồm ông Phan Đình Trạc, ông Nguyễn Hòa Bình và ông Tô Lâm (từ trái qua). Ảnh: TTXVN

Các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tham gia phiên họp thứ 13 gồm ông Phan Đình Trạc, ông Nguyễn Hòa Bình và ông Tô Lâm (từ trái qua). Ảnh: TTXVN

Đề xuất bổ sung chế định hội thẩm đoàn

Thống kê từ TAND Tối cao cho thấy tính đến ngày 31-3-2021, toàn quốc có gần 17.300 hội thẩm; trong đó có hơn 16.900 hội thẩm nhân dân và 386 hội thẩm quân nhân. Số hội thẩm này chủ yếu là cán bộ, công chức, cán bộ hưu trí, chỉ có tám hội thẩm là người dân, không làm việc cho các cơ quan, tổ chức đoàn thể (chiếm 0,03%).

Đáng chú ý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hội thẩm được đánh giá còn tản mạn, chưa đầy đủ, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn. Tổ chức thực hiện có phần hình thức, chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của nhân dân trong việc tham gia hoạt động xét xử.

Đặc biệt, mức độ đóng góp của hội thẩm vào chất lượng xét xử chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của hội thẩm. Một số chế độ, chính sách đối với hội thẩm còn chưa phù hợp.

Đề án do Ban cán sự đảng TAND Tối cao trình đề ra các giải pháp gồm: Hoàn thiện cơ chế hội thẩm tham gia xét xử tại tòa án; bổ sung chế định hội thẩm đoàn trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội thẩm; tăng cường tính chuyên môn của hội thẩm khi tham gia xét xử một số loại vụ án đặc thù; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho hội thẩm; hoàn thiện chế độ, chính sách đối với hội thẩm.

Đặc biệt, TAND Tối cao đề xuất tổ chức thí điểm xét xử sơ thẩm vụ án hình sự bằng HĐXX và hội thẩm đoàn, thí điểm xét xử sơ thẩm bằng HĐXX gồm một thẩm phán và hai hội thẩm có chuyên môn về một số lĩnh vực tương ứng đối với một số vụ án có tính chất đặc thù.

Tại cuộc họp, ban chỉ đạo đánh giá đây là những giải pháp thiết thực, có tính khả thi, nếu triển khai thực hiện tốt sẽ khắc phục được những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng đội ngũ hội thẩm nhân dân. Đồng thời, nâng cao hiệu quả nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện quyền lực tư pháp, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phù hợp với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Cùng dự phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương có các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương: Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao; ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Phiên họp còn có sự tham dự của các thành viên ban chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan. 

Xin ý kiến về xét xử trực tuyến

Cũng tại phiên họp, Ban cán sự đảng TAND Tối cao đã báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại tòa án.

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, xét xử trực tuyến khác với các hội nghị trực tuyến, học trực tuyến. Theo đó, xét xử trực tuyến, về bản chất là xét xử trực tiếp, diễn ra ở phòng xét xử theo quy định hiện hành nhưng một số chủ thể do điều kiện khách quan không đến dự được phiên tòa, có thể tham gia từ các điểm cầu phụ, đảm bảo yêu cầu quy định.

Phiên tòa vẫn phải bảo đảm trực tiếp, công khai, minh bạch, có sự giám sát của các bên. Ở các đầu cầu có thể là người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang bị cấp cứu hoặc đang bị mắc COVID-19… không thể đến tòa được có thể tham gia trực tuyến. Chánh án TAND Tối cao cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19, việc áp dụng mô hình này có lợi hơn cho việc xét xử.

Các thành viên ban chỉ đạo đánh giá TAND Tối cao chủ động xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vấn đề này là rất cần thiết. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là vấn đề mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định về hình thức xét xử trực tuyến và cách thức tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Cạnh đó, vấn đề này còn liên quan đến các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Từ những lý do trên, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị TAND Tối cao cần tổ chức xin ý kiến chính thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan về vấn đề này.

Đề nghị TAND Tối cao hoàn thiện đề án

Phát biểu sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết. Ông nhấn mạnh tới bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư diễn ra như vũ bão trên toàn cầu và sự đe dọa của dịch COVID-19…

Theo Chủ tịch nước, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và vẫn bảo đảm yêu cầu tuân theo pháp luật của phiên tòa.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng đây là vấn đề mới nên cần những bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất. Do vậy, trước hết nên áp dụng trong xét xử các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

“Yêu cầu đặt ra là bảo đảm thuận lợi nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa. Bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật chặt chẽ của quá trình tranh tụng…” - Chủ tịch nước nói, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa nguyên tắc “không thí điểm áp dụng pháp luật trong tố tụng”.

Chủ tịch nước đề nghị TAND Tối cao hoàn thiện đề án bảo đảm không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Về thẩm quyền xác định khái niệm xét xử trực tuyến, các ý kiến đóng góp đưa ra nhiều phương án, Chủ tịch nước yêu cầu TAND Tối cao có hướng dẫn cụ thể, phối hợp với các cơ quan tố tụng thống nhất phương án báo cáo Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức.

Cần nâng chất hội thẩm nhân dân

Kết luận về đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc triển khai áp dụng cơ chế hội thẩm nhân dân tham gia xét xử đã được tiến hành từ nhiều năm qua và đã làm tốt.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, quá trình lựa chọn cho vị trí hội thẩm nhân dân, tổ chức hoạt động của hội thẩm… còn một số vấn đề cần quan tâm, khắc phục để làm tốt hơn nữa trong thời gian tiếp theo.

Nhấn mạnh yêu cầu phải tuân thủ Hiến pháp, không làm thí điểm công tác tố tụng và nâng cao tính nhân dân trong quá trình xét xử, Chủ tịch nước chỉ đạo cần triển khai các giải pháp nhằm nâng chất lượng của hội thẩm nhân dân.

Chủ tịch nước sau đó nêu hàng loạt yêu cầu như cần có đội ngũ hội thẩm nhân dân tốt nhất cả về số lượng và chất lượng; bảo đảm quyền lợi chính trị và nâng cao tinh thần trách nhiệm của hội thẩm nhân dân; khắc phục hạn chế trong việc lựa chọn chưa đúng, chưa đủ.

Ngoài ra, ông lưu ý cần chú trọng đến các yếu tố như kiến thức pháp luật của hội thẩm nhân dân, không chỉ về bằng cấp, mà cần bồi dưỡng, đào tạo và có chính sách, chế độ phù hợp.

Ngoài ra, Chủ tịch nước yêu cầu đưa nội dung này vào Chương trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, trong đó có vấn đề cải cách tư pháp, để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công cho Đại úy Phan Tấn Tài

Sáng 4/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đại úy Phan...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN