Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm 4 Thẩm phán TAND Tối cao
Trao quyết định bổ nhiệm 4 Thẩm phán TAND Tối cao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý người thẩm phán phải luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm rất cao trước pháp luật, trước nhân dân.
Chiều nay 16-9, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức lễ bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND Tối cao với 4 ông, bà gồm: Nguyễn Biên Thùy (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre); Nguyễn Văn Dũng (Phó chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng); Đào Thị Minh Thủy (Phó chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội) và Ngô Tiến Hùng (Chánh văn phòng TAND Tối cao). Các quyết định bổ nhiệm này có hiệu lực từ 1-10.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm cho các tân Thẩm phán - Ảnh: Thế Dũng
Sau khi trao quyết định bổ nhiệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng 4 tân Thẩm phán TAND Tối cao.
Chủ tịch nước nhìn nhận các nhân sự được bổ nhiệm lần này đều là những cán bộ có lập trường quan điểm, tư tưởng kiên định, vững vàng; đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý, xét xử. Việc được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND Tối cao không chỉ là niềm vinh dự, tự hào to lớn mà còn là trách nhiệm nặng nề của các Thẩm phán.
Theo Chủ tịch nước, các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm. Đồng thời, cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò của Thẩm phán TAND các cấp, nhất là đội ngũ Thẩm phán TAND Tối cao được xác định là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm công tác trong ngành.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã giao Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược cải cách tư pháp. Đối với lĩnh vực tư pháp, văn kiện Đại hội xác định mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư
Chủ tịch nước cũng nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, vừa qua, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã phân công Ban cán sự đảng TAND Tối cao chủ trì, xây dựng chuyên đề "Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của TAND, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam"
Như vậy, có thể nói công tác cải cách tư pháp, trọng tâm là cải cách tư pháp trong TAND - một trong những nội dung chủ yếu để xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang đặt ra cho hệ thống tòa án nhân dân những nhiệm vụ rất quan trọng.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước sẽ có buổi làm việc với TAND Tối cao để chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt đông của Tòa án nhân dân các cấp.
"Tôi đề nghị toàn thể cán bộ, thẩm phán, công chức, viên chức trong hệ thống TAND nói chung và các đồng chí Thẩm phán TAND Tối cao mới được bổ nhiệm lần này nói riêng cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao"- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm cho một tân Thẩm phán TAND Tối cao
Người đứng đầu Nhà nước cũng lưu ý các tân Thẩm phán TAND Tối cao một số nhiệm vụ.
Theo đó, các thẩm phán phải tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế của TAND nói chung, trách nhiệm của người thẩm phán nói riêng. Tòa án là cơ quan duy nhất được nhân danh Nhà nước để đưa ra những quyết định, phán xét về hành vi của một người bị truy tố trước tòa án là có tội hay không có tội và được quyền áp dụng các hình phạt theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi phạm tội.
Đặc biệt, Chủ tịch nước lưu ý trong các lĩnh vực xét xử khác như dân sự, kinh tế, hành chính, lao động thì phán quyết của tòa án có ảnh hưởng trực tiếp đối với quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và những người tham gia tố tụng.
"Do đó, người thẩm phán phải luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm rất cao trước pháp luật, trước nhân dân. Bất kỳ sai sót nào của Thẩm phán đều ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng xét xử, ảnh hưởng đến uy danh của tòa án, đến niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý"- Chủ tịch nước nhấn mạnh và đề nghị trong công tác xét xử không cho phép người thẩm phán có những quyết định, phán quyết chủ quan, không đúng pháp luật, không hợp lòng dân, không đảm bảo công lý.
"Mỗi bản án đều phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội và có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân, của cả xã hội; qua đó khuất phục được tội phạm, thuyết phục được người dân và tạo sự đồng thuận, tuân thủ trong xã hội"- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng nhắn nhủ người thẩm phán phải thực sự là tấm gương về đức tính thanh liêm, cương trực và nhân hậu; tự rèn luyện tu dưỡng để nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Trong công tác cần phải thường xuyên nhìn nhận, đánh giá lại chính mình, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua mọi cám dỗ trong cuộc sống.
"Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" Chủ tịch nước nhắn nhủ, Thẩm phán TAND Tối cao còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ, thể hiện bản lĩnh của mình trong vai trò là thành viên của cơ quan xét xử cao nhất; làm tốt công tác tham gia xây dựng pháp luật; tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật để ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất; lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ để áp dụng trong xét xử. Không ngừng đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xét xử; giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư. Người thẩm phán phải có bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu kiến thức xã hội, phong tục, tập quán của từng địa phương để có những phán quyết thấu tình, đạt lý, thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ là "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" và phải "gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân". |
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao gồm bốn người.
Nguồn: [Link nguồn]