Chủ tịch nước: "Một số ngành tôi mỏi tay vì ký khen thưởng"
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy định, chứ không phải chú trọng khen thưởng mà không thi đua.
"Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim của nước ngoài?"
Ngày 23/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Phát biểu về Luật Điện ảnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghiệp điện ảnh có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển đất nước, nhiều nước đi từ công nghiệp điện ảnh mà quảng bá hình ảnh quốc gia.
"Như ở châu Á có Hàn Quốc với những bộ phim như Giày thuỷ tinh, Nàng Dae Jang-geum cách đây 18-20 năm, đường phố Hà Nội những buổi chiều chủ nhật vắng tanh người là người ta ở nhà xem phim Hàn Quốc. Sự thu hút mạnh mẽ đến mức độ như vậy", Chủ tịch nước bày tỏ.
Nhấn mạnh vai trò của điện ảnh đến sự phát triển là đất nước rất lớn, “văn hoá soi đường quốc dân đi”, Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu, điện ảnh là một loại hình văn hoá nghệ thuật phải làm được vai trò nhiệm vụ đó.
Cũng theo Chủ tịch nước, luật pháp phải tạo ra hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Luật pháp không thể cản trở hoặc làm hư hỏng điện ảnh.
Bên cạnh đó, chúng ta đang hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường, quy luật thị trường, quy luật giá trị đang chi phối rất lớn, vì vậy điện ảnh và văn hoá dân tộc giữ vai trò rất quan trọng trong kinh tế thị trường.
“Kinh tế thị trường là một sản phẩm văn minh của loài người chứ không phải tật xấu của Chủ nghĩa tư bản. Nhưng bên cạnh đó, mặt trái của kinh tế thị trường rất lớn.
Chúng ta phát triển điện ảnh, giữ gìn văn hoá dân tộc bởi khi hội nhập kinh tế thị trường thì điều làm nên khác biệt chính là văn hoá”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cũng lưu ý việc tính toán để xây dựng luật phải có tuổi thọ lâu dài, nếu quá ngắn ngày sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển.
“Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim của nước ngoài, tất nhiên hội nhập thì không thể không có phim nước ngoài nhưng không phải quá nhiều như vậy, trong khi chúng ta có thể xây dựng nền văn hoá dân tộc thông qua điện ảnh, từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, văn hoá vật thể phi vật thể…”, Chủ tịch nước nói và khẳng định những tác phẩm về truyền thống lịch sử dân tộc giúp chúng ta yêu nước hơn.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu Luật Điện ảnh cần góp phần để tạo ra nhiều tác phẩm tốt, phục vụ nhân dân, giữ gìn tổ quốc bền vững. Về chính sách, mọi tổ chức cá nhân có thể được làm phim theo khung pháp lý để khuyến khích xã hội hoá.
Theo Chủ tịch nước, nhà nước cũng nên đặt hàng kinh phí và hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm lịch sử, tư liệu, giới thiệu đất nước con người Việt Nam.
Đất nước có truyền thống hơn 4000 năm lịch sử, có nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta phải giữ gìn nền văn hoá ấy mãi mãi đến đời sau. Giữ gìn văn hoá ở đây không chỉ là giữ gìn trang phục, chữ viết, ẩm thực… mà còn là các loại hình văn hoá phi vật thể, những di tích, đền đài.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh vai trò của Hội đồng thẩm định trong điện ảnh. Theo ông, hội đồng này giữ vị trí rất quan trọng, đó phải gồm những người có tầm nhìn, những nghệ sỹ tài năng, “đức cao đạo trọng”, “cây đa cây đề”.
“Vừa rồi nhiều bộ phim không tốt đã xuất hiện. Những bộ phim được công chiếu cho thấy vai trò của công an, quân đội, của toà án, viện kiểm sát mờ nhạt đi. Tuy kết thúc có hậu những mấy chục tập phim chỉ toàn thấy cái ác”, Chủ tịch nước nói và yêu cầu phim ảnh phải có cơ cấu, bố cục phù hợp, không để cái ác, các xấu xâm nhập vào xã hội thông qua các bộ phim.
Đối với những hành vi bị nghiêm cấm trong điện ảnh, Chủ tịch nước cho rằng cần phải nêu rất cụ thể những vi phạm đạo đức xã hội, xu hướng xoá nhoà lịch sử, chuyển hoá tiêu cực.
“Gần đây có một số người nổi danh suốt ngày chửi người này người kia, nói năng thô tục bậy bạ, đó là hình ảnh rất xấu, phải nghiêm trị”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch nước, chính sách phát hành phim của nước ta hiện còn thiếu, nhất là quảng bá hình ảnh đất nước ra nước ngoài. Nhiều người biết đến Việt Nam qua những bộ phim chiến tranh, tuy nhiên không chỉ lịch sử mà cả nghệ thuật, văn hoá Việt Nam đều rất tuyệt vời.
Điện ảnh có trách nhiệm quan trọng trong việc đưa hình ảnh Việt Nam ra quốc tế, Luật Điện ảnh phải tạo thành chính sách tốt để thực hiện trách nhiệm này.
Khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy định
Về Luật thi đua khen thưởng, Chủ tịch nước lưu ý chính sách cho những người trong kháng chiến, “phải tiếp tục để giữ gìn truyền thống của đất nước”.
Bằng khen, huân huy chương với những người đổ xương máu giữ gìn cách mạng là rất quý báu, nhưng theo Chủ tịch nước, không thể lạm dụng để xác nhận không đúng đối tượng.
Về hạn chế, Chủ tịch nước cho rằng, hiện chúng ta đang tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua mạnh. Phải làm sao thi đua thực tế hơn, tránh hình thức, tạo nên phong trào quần chúng.
Ngoài ra, trong khen thưởng, có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm.
“Có một số ngành tôi mỏi tay vì ký khen thưởng quá nhiều”, Chủ tịch nước nói và yêu cầu khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy định. Khen thưởng phải phù hợp chứ không phải chú trọng khen thưởng mà không thi đua.
Nhân đây, Chủ tịch nước đề nghị phải có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức tuyến đầu và cả tuyến sau trong cuộc chiến chống COVID-19. Ngoài bác sĩ, công an, quân đội còn nhiều người thiện nguyện, nhiều người đóng góp, hy sinh không tính toán gì cả.
Vấn đề nữa theo Chủ tịch nước đó là vì khen thưởng có quyền lợi nhất định nên có chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình trình thi đua, khen thưởng.
Chủ tịch nước cho rằng, người trình hồ sơ khen thưởng phải chịu trách nhiệm rồi những người thẩm tra, thẩm định cũng phải chịu trách nhiệm. Phải chống tham nhũng, tiêu cực trong thi đua, khen thưởng.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định thi hành kỷ luật đối với với nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và 3...