Chủ tịch nước đề nghị miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Đúng 8 giờ sáng nay 6-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình Quốc hội đề nghị miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Đúng 8 giờ sáng nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội (QH) miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình QH đề nghị miễn nhiệm chức danh Thủ tướng với ông Nguyễn Tấn Dũng
Theo Chủ tịch nước, tại kỳ họp thứ nhất QH XIII, ông Nguyễn Tấn Dũng được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
"Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao"- tờ trình của Chủ tịch nước đánh giá.
Do yêu cầu sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức Nhà nước và công tác cán bộ; căn cứ điểm 5 Nghị quyết số 01 ngày 12-3-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, căn cứ điều 88 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam; căn cứ điều 11 Luật tổ chức QH; căn cứ Nội quy kỳ họp QH, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét: chấp thuận miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ngay sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc xong tờ trình, Chủ tịch QH đã đề nghị các đại biểu sẽ trở về thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ. Theo dự kiến, vào chiều nay, các đại biểu QH sẽ bỏ phiếu kín xem xét miễn nhiệm chức danh Thủ tướng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH sẽ báo cáo QH kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, đồng thời Chủ tịch nước báo cáo QH về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH.
QH tiến hành miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, QH sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong chiều 6-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ trình danh sách đề cử nhân sự để QH bầu Thủ tướng Chính phủ mới. Người được giới thiệu vào chức vụ Thủ tướng Chính phủ kế nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũnglà Ủy viên Bộ Chính trị , Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ngày 6-4 tới, Đảng, Nhà nước, QH sẽ cho ông thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, nghỉ theo chế độ. Tính đến ngày 6-4-2016, ông làm làm Thủ tướng được 9 năm 10 tháng, làm Phó Thủ tướng 2 nhiệm kỳ (từ tháng 9-1997 đến tháng 6-2006).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội vào sáng 22-3
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ cảm ơn các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ đã ủng hộ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để ông hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao với tư cách Thủ tướng. “Chúng ta đã đồng lòng đoàn kết với nhau trong suốt những năm qua để làm tốt nhiệm vụ. Đảng, Nhà nước cũng đã có đánh giá về việc hoàn thành nhiệm vụ của tôi. Tỷ lệ tín nhiệm cao cũng là một sự đánh giá của Đảng, Nhà nước đối với Thủ tướng, với Chính phủ nhiệm kỳ qua” - Thủ tướng nhìn nhận.
Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2016 là phiên họp cuối cùng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành. 20/27 thành viên Chính phủ hiện nay sẽ không tham gia Chính phủ nhiệm kỳ mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết phiên họp tới, ông và 19 thành viên Chính phủ khác sẽ không có mặt.
Dự kiến, sáng 7-4, Quốc hội sẽ tiến hành bầu tân Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tên thường gọi là Ba Dũng) sinh ngày 17-11-1949; quê quán: TP Cà Mau , Tỉnh Cà Mau ; Trình độ học vấn: Cử nhân Luật. Lý luận chính trị Cao cấp. Ông đã tham gia chiến đấu trong Kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, có 4 lần bị thương, là thương binh loại 2/4. Ông được khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng I; 2 Huân chương Chiến công hạng III; 6 danh hiệu Dũng sỹ; Huân chương Chiến sỹ giải phóng và Chiến sĩ vẻ vang hạng I, II, III; Huân chương Hữu nghị hạng Đặc biệt của Nhà nước - Hoàng gia Campuchia. Huân chương Vàng quốc gia và Huân chương ISALA của CHDCND Lào. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa: X, XI, XII, XIII. Ủy viên Trung ương Đảng các khóa: VI, VII, VIII, IX, X, XI. Ủy viên Bộ Chính trị các khóa: VIII, IX, X, XI. Tóm tắt quá trình công tác: - Từ tháng 11-1961 đến tháng 12-1976: Tham gia công tác chiến đấu trong Quân đội, làm liên lạc, văn thư, cứu thương, Y tá; được đề bạt tới cấp Đại đội bậc trưởng thuộc Tỉnh đội Rạch Giá. - Từ tháng 1-1977 đến tháng 9-1981: Học khóa Sỹ quan chỉ huy cấp Tiểu đoàn - Trung đoàn và đảm nhiệm các nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng. - Từ tháng 10-1981 đến tháng 12-1994: Học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội) và đảm nhiệm các nhiệm vụ : Tỉnh ủy viên - Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang - Bí thư Huyện ủy Hà Tiên; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Đại biểu HĐND tỉnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh và Đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 9. Năm 1991- 1994 học Khóa Cử nhân Luật tại chức. - Từ tháng 01-1995 đến tháng 5-1996: Thứ trưởng Bộ Công an, Đảng ủy viên - Đảng ủy Công an Trung ương. - Từ tháng 6-1996 đến tháng 8-1997: Uỷ viên Bộ Chính trị và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng và phụ trách công tác Tài chính của Đảng. - Từ tháng 9-1997 đến tháng 6-2006: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ. Năm 1998-1999, kiêm nhiệm nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước. - Từ tháng 7-2006 đến nay: Thủ tướng Chính phủ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ. |