Chủ tịch nước: Các vụ kích động, gây rối là nghiêm trọng

Sự kiện: Thời sự

“Một số phần tử xấu lợi dụng những chuyện này để kích động, lợi dụng vào hoạt động tụ tập đông người, gây rối. Đây là sự việc đáng tiếc, nghiêm trọng"- Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói với cử tri TP.HCM.

Sáng 19-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp xúc với cử tri ba quận 1, 3 và 4 (TP.HCM) sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Cùng tiếp xúc còn có Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa – Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM và ông Lâm Đình Thắng – Phó bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh.

Chủ tịch nước: Các vụ kích động, gây rối là nghiêm trọng - 1

Cử tri TP.HCM nêu ý kiến với Chủ tịch nước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội, cử tri TP.HCM bày tỏ sự quan tâm đến các dự thảo luật vừa được thảo luận tại kỳ họp cũng như các vụ tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự vừa qua.

Ông Lê Sỹ Đậu, cử tri quận 4, cho rằng hiện nay có một số kẻ lợi dụng không gian mạng để lôi kéo mọi người tụ tập, gây rối tình hình an ninh trật tự đất nước. Từ đó, ông Đậu đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp chế tài, xử lý mạnh những người này.

Ông Đoàn Đình Dũng, cử tri quận 1, bày tỏ sự đồng tình khi Quốc hội đã hoãn việc thông qua Luật Đặc khu và việc cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý những kẻ gây rối. Ông Dũng lý giải việc tụ tập phản ứng thái quá do người dân thiếu thông tin.

“Các dự án luật khi đưa ra cần đưa xuống tận cơ sở để người dân được tiếp cận, bàn bạc. Có như vậy khi luật thông qua sẽ tạo được sự đồng tình của người dân cũng như tránh được kẻ xấu lợi dụng”- ông Dũng kiến nghị.

Cử tri Lê Văn Sỹ đề nghị cần sớm có Luật Biểu tình. Theo ông, nếu có luật, người dân sẽ được bày tỏ ở đúng nơi, đúng chỗ trong khuôn khổ pháp luật và chính quyền có thể quản lý được những người quá khích.

“Sau các vụ  bạo động, đập phá của những kẻ quá khích hồi năm 2014, mới đây thêm vụ việc các cơ quan công quyền ở Bình Thuận... càng cho thấy cần thiết phải có Luật Biểu tình”- ông Sỹ nói và cho rằng Luật Biểu tình sẽ giúp chính quyền điều chỉnh và phân tích được đâu là quan điểm bức xúc được thể hiện qua lòng yêu nước của người dân, đâu là người lợi dụng để kích động.

Ngoài các vụ tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, cử tri TP.HCM cũng đề cập đến nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trong đó có tham nhũng.

Ông Nguyễn Hữu Châu, cử tri quận 3, cho rằng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đã có bước tiến dài, với hàng loạt vụ bị phát hiện, điều tra, khởi tố và bắt giam từ uỷ viên Bộ Chính trị cho đến tướng tá, lãnh đạo ngân hàng...

“Tuy nhiên, hiện người dân vẫn đang mong đợi Đảng, Nhà nước sớm chỉ đạo xử lý các vụ nổi cộm như MobiFone và AVG, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong các vụ sai phạm, trách nhiệm của Bộ Công an với sai phạm của các tướng tá...”- ông Châu nói.

Ông Châu cũng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương sớm vào cuộc, làm đến cùng các vụ việc liên quan đến khiếu kiện đất đai ở Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, Công viên Safari...

“Những vụ việc này liên quan đến một số lãnh đạo ở TP.HCM các nhiệm kỳ khác nhau. Trung ương cần sớm vào cuộc, cái gì thuộc về người dân thì phải trả lại cho dân. Những quan chức nào xâm phạm lợi ích hợp pháp của người dân phải được xử lý nghiêm, không để sót người nào”- ông Châu đề nghị.

Chủ tịch nước: Các vụ kích động, gây rối là nghiêm trọng - 2

Chủ tịch nước phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chia sẻ với cử tri về Luật Đặc khu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết việc xây dựng luật này là cấp thiết để thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước đã được đề cập từ nhiều năm qua. Các cơ quan soạn thảo tiếp thu rất nghiêm túc, nghiên cứu nhiều kinh nghiệm quốc tế cả thành công và thất bại.

Nhưng ông Quang cũng cho rằng việc lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến cử tri chưa được sâu rộng. Có nhiều vấn đề cần tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia, lão thành cách mạng, nhân dân nên đã lùi thời gian thông qua. Về thời gian cho thuê 99 năm, đã được rút lại, theo luật đất đai hiện hành là tối đa 70 năm.

“Đây là luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ xây dựng luật này nên tiếp tục lấy ý kiến nên cần phải nghiên cứu thận trọng”- ông Trần Đại Quang nói.

Đối với Luật An ninh mạng, Chủ tịch nước cho biết đây là một vấn đề được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Để tận dụng được lợi thế của Internet cần phải có cách quản lý hiệu quả. Đó là chưa kể đến các phần tử xấu lợi dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động xâm hại lợi ích cá nhân.

“Một số phần tử xấu lợi dụng những chuyện này để kích động, lợi dụng vào hoạt động tụ tập đông người, gây rối. Đây là sự việc đáng tiếc, nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã bắt giữ một số người quá khích và xử lý đúng pháp luật”- Chủ tịch nước nói và đề nghị thời gian tới, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền giải thích cho người dân việc xây dựng các dự án luật họ hiểu rõ, đầy đủ hơn. Mở rộng dân chủ trong ban hành các quy phạm pháp luật để tạo được sự đồng tình của nhân dân, không để kẻ xấu lợi dụng.

Đối với vấn đề tham nhũng, Chủ tịch nước cho biết chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là kiên quyết ngăn chặn loại giặc nội xâm này. Công cuộc này sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, từ trung ương xuống cơ sở.

“Phải đấu tranh với các loại tội phạm này nhưng đồng thời xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, cấp ủy của những nơi để xảy ra tham nhũng và xử lý nghiêm về trách nhiệm có liên quan”- Chủ tịch nước nói.

Những người gây rối ở Pouyuen khai gì khi bị bắt?

Những người bị bắt vì tụ tập ném đá vào cảnh sát trước Công ty Pouyuen chẳng biết gì về dự luật Đặc khu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tá Lâm (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN