Chủ tịch Hà Nội: Xét nghiệm tất cả những người về từ các vùng dịch Đà Nẵng
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tất cả những người đến các vùng dịch ở Đà Nẵng như bệnh viện C, bệnh viện đa khoa, quận Liên Chiểu, quận Hải Châu, quận Ngũ Hành Sơn.., đều phải khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chiều 27/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Chung cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp. Trước đây trung bình 3 tháng có 1 triệu ca mắc, thì giờ đây khoảng 3 – 4 ngày có 1 triệu ca mắc. Hơn nữa, diễn biến dịch bệnh không phụ thuộc vào thời tiết, thời gian. Nguyên nhân, điều kiện phát tán có thể theo không khí, theo luồng gió, trên diện rộng, lây nhiễm cao hơn. Mỗi nước thì có đột biến gien, chủng khác nhau, ngày càng nguy hiểm hơn.
“Hà Nội đã trải qua 105 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, do phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội họp Ban chỉ đạo để phòng chống dịch COVID-19”, ông Chung nói.
Ông Chung cho biết, theo thông tin từ Bộ Y tế, các ca nhiễm mới phát hiện trong cộng đồng ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi thuộc chủng mới, mã gien hoàn toàn khác các loại đã phát hiện tại Việt Nam thời gian qua, nhiều khả năng lây từ bên ngoài vào. “Qua phân tích, gien của chủng này cũng chưa trùng với mã gien của các nước khác đã ghi nhận”, ông Chung nói.
Ông Chung cũng nhắc thông tin từ Bộ Y tế cho biết, mã gien đột biến này có khả năng lây nhiễm cao hơn và nguy hiểm hơn, nhận định đã xuất hiện qua 4 chu kỳ, thời gian lên tới 2 – 3 tuần. Đáng chú ý, những nơi liên quan đến các ca bệnh đều có nguy cơ cao như bệnh viện C, viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Đa khoa, quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu, quận Hải Châu, Trung tâm tiệc cưới, nơi ở, nơi cư trú của các ca bệnh, lộ trình di chuyển và chưa tìm ra được F0 của các ca bệnh.
“Địa bàn Hà Nội là một trong những nơi có thể có nguy cơ lây nhiễm. Qua rà soát có quận có 500 – 600 người đi du lịch Đà Nẵng. Bản thân tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn của mọi người nêu nhiều học sinh, nhiều nhóm đi du lịch Đà Nẵng. Thông tin từ các hãng hàng không thì từ Hà Nội đi vào Đà Nẵng du lịch có thể lên tới 10 – 20 nghìn người”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, Thủ tướng chỉ đạo rà soát những người đi và đến Đà Nẵng từ ngày 8/7, đảm bảo yêu cầu tinh thần chủ động, phát hiện kịp thời, ngăn chặn nhanh chóng, tuyệt đối không để lây lan rộng.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng “khẩn trương nhưng cũng không quá lo lắng. Mọi người dân trên địa bàn thành phố hoàn toàn yên tâm vì trên địa bàn thành phố 105 ngày qua không có ca lây nhiễm mới”.
Theo ông Chung, tất cả những người đến các vùng dịch ở Đà Nẵng gồm bệnh viện C, bệnh viện đa khoa, Viện chấn thương chỉnh hình, quận Liên Chiểu, quận Hải Châu, quận Ngũ Hành Sơn, trung tâm tiệc cưới, đều phải khai báo y tế và đều phải lấy mẫu xét nghiệm.
“Cần phát hiện nhanh, xét nghiệm sớm, cách ly kịp thời, giám sát chặt chẽ với tinh thần mọi người phải tự giác chấp hành. Các cơ quan, tổ dân phố, toà nhà có đi rà soát nhưng không hết được. Các phương tiện truyền thông đưa thông tin rộng rãi. Những ai đến 7 địa điểm nêu trên, thì tự rà soát và tự theo dõi sức khỏe của mình”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, các trường hợp khác đi du lịch ở Đà Nẵng mà không qua các vùng nói trên cần chủ động khai báo y tế, thường xuyên theo dõi sức khỏe cá nhân như tự đo thân nhiệt, thông báo với cơ sở y tế của phường, làm tốt công tác vệ sinh trong gia đình.
Cũng theo ông Chung, tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, khó thở, sốt trên địa bàn thành phố cần liên hệ ngay cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm. Khi chờ kết quả thì tự cách ly tại nhà. Ông Chung lưu ý, khi các trường hợp này liên hệ với bệnh viện thì bệnh viện phải tiến thành theo dõi, lấy mẫu theo đúng quy trình khám chữa bệnh phòng chống COVID-19.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công an và các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào thành phố. Tất cả các trường hợp nhập cảnh phải tổ chức cách ly, xét nghiệm 2 lần, 1 tháng sau xét nghiệm lại. Cần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép. Có trường hợp dẫn dắt vào thì phải xử lý nghiêm theo quy định.
Cùng với đó, các đơn vị trên địa bàn thành phố phải duy trì nước sát khuẩn. Mọi người phải đeo khẩu trang khi tham gia giao thông và ra nơi công cộng. Các đội phản ứng nhanh hoạt động 24/7, tiếp nhận mọi thông tin báo cáo. Khởi động hệ thống Smart City để người dân kịp thời phản ánh, cập nhật thông tin dịch bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Các cơ quan y tế TP.HCM sẽ lên thời gian, địa điểm để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả những người...