Chủ tàu đâm gãy cầu Thái An sẽ bị xử lý thế nào?

"Nếu công ty sở hữu tàu và nhà đầu tư cầu An Thái không thỏa thuận được, sự việc sẽ được giải quyết dựa theo phán quyết của tòa án", chuyên gia pháp lý nhận định.

Chủ tàu đâm gãy cầu Thái An sẽ bị xử lý thế nào? - 1

Hiện trường vụ đâm cầu của tàu thuỷ Thành Luân 28. Ảnh: Đ.Tuỳ

Liên quan đến việc tàu Thành Luân 28 đâm cầu An Thái, (huyện Kinh Môn – Hải Dương) vào chiều 6/3 khiến cho dầm cầu rạn nứt, có nguy cơ đổ sập.

Theo đánh giá ban đầu của Tổ công tác đặc biệt: Toàn bộ thanh dầm biên phía tả ngạn của cầu An Thái đã bị đâm nát, mất hoàn toàn tác dụng chịu lực.

Tuy nhiên, cầu An Thái vẫn còn 3 thanh neo dầm khác nằm song song và xác định ban đầu là chưa bị ảnh hưởng. Dù bị mất thanh neo dầm biên, nhưng cầu An Thái không bị xô lệch nên khả năng phục hồi tốt.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về trách nhiệm bồi thường của chủ tàu, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: "Dựa trên kết luận ban đầu của các cơ quan chức năng, chúng ta có thể xác định tàu Thành Luân 28 là tàu quá tải, quá khổ, hết thời hạn lưu hành mặc dù cơ quan quản lý đã biết điều này nhưng vẫn cho lưu hành. Đó là lỗi và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".

Cho nên ở đây trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý phương tiện và thuyền trưởng. Các cơ quan này có trách nhiệm bồi thường về mặt vật chất" - Luật sư Thiệp cho biết.

Cũng theo Luật sư Thiệp, vào thời điểm này mà đưa ra yêu cầu, người nào phải chịu trách nhiệm, chịu mức bao nhiêu là quá sớm vì chưa đủ điều kiện và vẫn phải chờ kết quả điều tra.

Trả lời phóng viên, Luật sư Đỗ Văn Quang (Đoàn Luật sư Hải Phòng) cho rằng: “Tàu Thành Luân 28 chắc chắn sẽ bị xử lý theo Luật Dân sự, bởi vì hậu quả chiếc tàu này gây ra chịu tổn thất rất lớn về kinh tế. Trong trường hợp này, người chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ tàu và cơ quan quản lý tàu. Trường hợp chủ tàu không cho phép thuyền trưởng vận hành thì vẫn bị liên đới trách nhiệm với tư cách là cơ quan chủ quản".

Về việc tàu Thành Luân 28 chưa đăng kiểm lại và đã đưa vào sử dụng, các chuyên gia pháp lý đều khẳng định là vi phạm pháp luật.

"Đó là vi phạm, vì tàu chưa đủ điều kiện, chưa được đăng kiểm mà chủ tàu đã tự ý cho lưu hành, trong khi phương tiện lại quá khổ (chiều cao quá giới hạn cho phép) nên đã xảy ra vụ"- Luật sư Quang nói

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết: “ Vấn đề đặt ra xử lý hình sự hay dân sự phải phụ thuộc vào xác minh điều tra, xác định mức độ vi phạm đến đâu. hậu quả của chiếc tàu Thành Luân 28 gây ra. Trên cơ sở đó mới có căn cứ để xử lý. Tôi cho rằng dù là dân sự hay hình sự thì cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự. Điều này đã được định hướng. Trong trường hợp này theo tôi có nhiều khả năng nghĩ đến chế tài hình sự vì gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

Đến cuối giờ chiều (ngày 9/3), trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, Đại tá Hoàng Đức Thúy, Trưởng phòng Tham mưu công an tỉnh Hải Dương cho biết: “Do cầu An Thái thuộc địa bàn của huyện Kinh Môn, nên công an tỉnh đã giao cho đơn vị này thụ lý, giải quyết vụ tai nạn.

Công an huyện Kinh Môn đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc. Căn cứ vào hiện trường và vi phạm thực tế, nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm sẽ khởi tố hình sự vụ án TNGT đường thủy theo quy định của pháp luật”.

Theo thông tin mới nhất, khi trả lời các cơ quan báo chí, ông Phan Quốc Hiếu - Phó Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết:

"Theo tính toán sơ bộ của đoàn công tác do Bộ GTVT thành lập, tàu Thành Luân 28 đâm vào cầu An Thái làm hỏng một dầm bê tông dự ứng lực. Việc thay dầm mới dự kiến sẽ mất khoảng 5-7 tỷ đồng".

Ngoài ra, do cây cầu này nằm trong dự án đầu tư BOT thu phí, vụ tai nạn làm ô tô không thể lưu thông nên làm nhà đầu tư thất thu.

Theo báo cáo sơ bộ của chủ đầu tư cầu An Thái, doanh thu mỗi ngày đạt khoảng 150 triệu đồng. Trong khi việc sửa chữa cầu có thể kéo dài đến 2 tháng, nên hậu quả vụ tai nạn gây ra đối với chủ đầu tư khoảng 9 tỷ đồng; nâng tổng thiệt hại của vụ tai nạn này lên đến 14-16 tỷ đồng.

Người trực tiếp gây tai nạn (người điều khiển, chủ tàu) sẽ phải chịu trách nhiệm. “Nếu công ty sở hữu tàu và nhà đầu tư cầu An Thái không thỏa thuận được, sự việc sẽ được giải quyết dựa theo phán quyết của tòa án” - ông Hiếu nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Tuỳ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN