Chủ sạp “quyền lực” của tổ cảnh sát ở chợ Bà Chiểu: Người vi phạm, chủ sạp lên tiếng
Ngay khi những người vi phạm làm việc với những chủ sạp “quyền lực”, chúng tôi đã chạy xe theo tiếp cận và họ cho hay những người này “làm luật” cho tổ cảnh sát trật tự.
Trên các số báo trước, chúng tôi phản ánh nhiều xe máy chạy ngược chiều vào một đoạn đường Bùi Hữu Nghĩa bên hông chợ Bà Chiểu bị tổ cảnh sát trật tự (CSTT) Công an quận Bình Thạnh dừng xe, xử lý. Tuy nhiên, rất nhiều người vi phạm đã làm việc với người đàn ông bán nước dừa tên Xuân và các chủ sạp nơi tổ công tác làm việc, sau đó lấy lại giấy tờ, chìa khóa xe rồi đi tiếp sau khi đã dấm dúi những vật giống tiền cho ông Xuân và các chủ sạp “quyền lực”.
Chúng tôi tiếp cận những người vi phạm và họ đã kể lại chuyện bị những chủ sạp, ông Xuân “làm luật”.
“Người ta làm giá...”
Sáng 8-8, tổ CSTT-cơ động dựng mô tô bên hông chợ Bà Chiểu, lập chốt làm việc. Một thanh niên chở nho đi bán chạy ngược chiều bị Đại úy Trần Hạnh Phúc bắt lại.
Người này liền đưa giấy tờ cho vị đại úy. Khi các cảnh sát quay lưng đi thì ông Xuân nhanh chóng tiếp cận với người bán nho. Cả hai trao đổi gì đó hồi lâu.
Sau đó người bán nho tiếp cận vị đại úy, ông Xuân cũng đi tới, miệng ngậm thuốc lá, tay chỉ vào người vi phạm. Qua trao đổi chừng vài giây giữa ba người, ông Xuân dẫn người này vào bên trong, nơi có nhiều đồ vật che khuất.
Nam thanh niên bán nho sau đó rút ví, đưa vật giống tiền cho ông Xuân rồi cả hai đi ra. Ông Xuân đi tới chỗ Đại úy Phúc đang đứng cạnh một xe máy. Thấy vị đại úy không chú ý, ông này đập đập vào yên xe và vị đại úy đưa lại giấy tờ cho người vi phạm.
Ngay sau đó chúng tôi đã đuổi theo, tiếp cận được người bán nho và người này khẳng định những vật mà anh đã đưa cho ông Xuân là tiền. “Chuyện này là bình thường rồi, khúc đó lúc nào chả vậy. Lâu lắm rồi tôi mới bị phạt lại” - người này nói. Anh tiếp: “Có trung gian hết, nói chung lúc bị bắt là có người trung gian đứng ra lấy tiền. Người ta làm giá với mình. Lúc đầu thì nói có nhiêu đưa nhiêu. Tôi đưa có 200.000 đồng à!”.
Theo anh này: “Lúc đầu ông già đó (ông Xuân - PV) đòi 400.000 đồng phạt tại chỗ lấy ngay, còn không thì lập biên bản mức phạt 350.000 đồng nhưng phải ba tháng sau mới lấy được bằng lái. Người nói chuyện với tôi là ông già, chứ không phải công an”.
Theo anh này, khi bị chặn xe, anh có năn nỉ nhưng các cảnh sát nói là đợi chút, tí làm việc. “Còn ông già thì nói lấy ngay thì 400.000 đồng, không thì lập biên bản. Ông ấy nói: “Được thì vô chú nói cho một tiếng”” - anh kể.
Chủ sạp cầm những tờ giống tiền và vỏ khăn ướt ra chỗ khuất, sau đó nhét vỏ khăn lên kệ cho vị cảnh sát lấy đi. Ảnh: PV
Người vi phạm nhét tiền vào quầy hàng của chủ sạp và đưa trực tiếp cho ông Xuân.
Nhiều vi phạm tiếp tục bị tố
Cũng trong ngày 8-8, người đàn ông đi xe máy 37B2-2351… chạy ngược chiều và bị một thượng úy thổi còi, yêu cầu vào vỉa hè xử lý. Người này sau đó tiếp cận với người kinh doanh tại sạp số 13-14, rồi ra lấy lại giấy tờ, rời đi.
Tiếp xúc với người vi phạm này, ông kể: “Lúc tôi bị dừng xe vì vi phạm thì có một ông ngồi ở ghế bảo vào bên trong. Người ta bảo bây giờ là 500.000 đồng hoặc là giam xe. Tôi bảo chỉ còn 350.000 đồng thôi. Ông ấy mới giơ tay ra hiệu cho ông công an bên ngoài. Ông công an ấy gật đầu rồi thả cà vẹt xe xuống bàn, tôi đưa tiền xong chỉ việc ra lấy cà vẹt xe và đi”. Khi được hỏi về hình dáng người nhận tiền, ông này miêu tả: “Ông này cũng đứng tuổi rồi, cao ráo, người mảnh mai” (theo tìm hiểu của chúng tôi, người này tên Lê Bá Nh., một thợ sửa đồ gia dụng, điện tử ở cạnh chốt CSTT-cơ động).
Ngày 9-8, chúng tôi tiếp cận hai phụ nữ đi trên xe Wave đen 37F2-5187… bị chặn xe ở hông chợ Bà Chiểu do đi ngược chiều. Sau khi “giao dịch” với ông Xuân, hai người này được một thượng úy tên Nguyễn Phú Trung trả lại giấy tờ mà không cần lập biên bản.
“Ông đó nói bình thường là 1 triệu nhưng tôi bảo là có biết luật, không có 1 triệu gì hết, sau ông già đó (ông Xuân - PV) nói vậy thì 800.000 đồng” - cô gái kể lại.
“Khi tôi nói là không có chuyện đó đâu thì ông Xuân nói “vậy thì thôi, công an nó sẽ giữ bằng”. Sau đó ông Xuân đưa giấy tờ đầy đủ cho chú công an, rồi chú công an nói “vậy thì hai tháng sau em lên lấy bằng”” - cô gái cho hay.
“Sau đó chú công an bảo với tôi là “có chi thì trao đổi với cái chú kia (ông Xuân - PV). Thấy vậy nên tôi nói: “Cái chú đó đâu có liên quan gì đến việc này đâu? Việc này là của công an mà”” - cô gái kể tiếp.
Theo cô gái, dù rất bực bội nhưng cô đã gặp ông Xuân, đưa 300.000 đồng rồi ra lấy xe đi.
Chủ sạp: “Phải, ăn hối lộ mà!”
Chúng tôi cũng tìm cách gặp các chủ sạp, người bán nước dừa để nghe họ nói về việc hỗ trợ nhóm CSTT.
Ngày 11-8, khi đề cập đến chuyện công an bắt xe, một chủ sạp (xin không nêu tên) luôn dặn chúng tôi: “Đường ngược chiều ở đây đi để ý công an nha! Thấy công an thì đừng quẹo”.
Ông cho hay tổ CSTT chủ yếu làm việc buổi sáng, buổi chiều ít đứng. “Sáng có con nhỏ tầm 15-16 tuổi không có bằng lái, không có giấy tờ. Ở quê mới vô mượn xe đi... cắn luôn triệu rưỡi!” - ông nói. “Vậy họ đưa triệu rưỡi xong là cho đi hả?” - chúng tôi hỏi. “Phải, ăn hối lộ mà!” - ông này đáp gọn lỏn, thở dài rồi lại dặn chúng tôi: “Thấy công an thì đừng quẹo vô nha”.
Việc người vi phạm đưa những vật giống tiền cho các chủ sạp, ông Xuân, rồi sau đó những người này giao lại cho tổ cảnh sát cùng mối quan hệ của họ đang được Công an quận Bình Thạnh tiếp tục làm rõ để xử lý.
Huy động cảnh sát điều tra xác minh việc “làm luật” Báo cung cấp một số chứng cứ cho Công an quận Bình Thạnh. Ngày 11-9, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, người phát ngôn Công an TP.HCM, cho hay: Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo xác minh, báo cáo. Trên cơ sở báo cáo của Công an quận Bình Thạnh sẽ xử lý. “Quan điểm của ban giám đốc là có sai phạm sẽ xử lý nghiêm, không bao che” - ông Quang nói. Theo thông tin chúng tôi có được, trong ngày 11-9, cơ quan chức năng quận Bình Thạnh đã làm việc với các chủ sạp, Đội CSTT để làm rõ các thông tin, hình ảnh mà báo đã nêu. “Ban chỉ huy cũng đã huy động thêm một số cảnh sát điều tra của quận có nghiệp vụ điều tra để xác minh làm rõ thông tin mà báo đã nêu” - nguồn tin cho hay. Theo đề nghị của Ban chỉ huy Công an quận Bình Thạnh, trong ngày 11-9, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã cung cấp cho Công an quận Bình Thạnh một số clip ghi cảnh các chủ sạp, người bán nước dừa nhận vật giống tiền từ người vi phạm, sau đó họ giao lại cho tổ CSTT lập chốt bên hông chợ Bà Chiểu. “Căn cứ thông tin, các chứng cứ mà báo chuyển, cộng với việc xác minh, Công an quận Bình Thạnh sẽ có báo cáo, hướng xử lý chính xác, phù hợp” - nguồn tin cho hay. |
Sau khi lấy những vật giống tiền từ những người vi phạm, ông Xuân và các chủ sạp nhét vào bao thuốc lá, vỏ khăn giấy...