Chủ quyền biển đảo lại vào đề thi tốt nghiệp môn Sử
Sau 90 phút làm bài thi môn Sử, thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phần khởi. Cùng với đề Văn, vấn đề biển đảo xuất hiện trong đề thi khiến thí sinh hào hứng.
Tại Hà Nội:
Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi trường THPT Cầu giấy, quận Cầu Giấy có 12 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử. Đúng 17h30 phút, thí sinh bước ra khỏi phòng thi. Nhận định chung của thí sinh, đề thi Lịch sử khá sát chương trình học, không lắt léo, đánh đố thí sinh.
Đặng Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy cho biết, đề thi năm nay tương đối dễ, chủ yếu chương trình nằm trong sách giáo khoa. Em làm trong khoảng 2/3 thời gian là xong bài thi. Đặc biệt, câu 3 hỏi về vấn đề chủ quyền khiến nhiều thí sinh thích thú.
“Vấn đề biển đông em cũng thường xuyên theo dõi qua tivi báo đài nên khi gặp nội dung câu hỏi về vấn đề này em làm bài khá tự tin”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Câu 3 trong đề thi môn sử hỏi: Tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay?.
Theo Quỳnh Anh, đây là câu hỏi mang tính chất tổng hợp kiến thức trong chương trình và hiểu biết xã hội nói chung. Em cũng như nhiều thí sinh khác làm rất tốt câu này vì đây là chủ đề nóng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Đề thi tốt nghiệp môn Sử năm 2014
Còn tại hội đồng thi trường THPT Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội chỉ có hai thí sinh thi môn sử là Lê Minh Châu, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đinh Hoàng Giang (THPT Lý Thái Tổ). Đánh giá đề thi vừa sức, Đinh Hoàng Giang cho biết: “Đề thi chủ yếu trong sách giáo khoa nên em làm được hết. Em là thí sinh duy nhất đăng ký thi tốt nghiệp THPT ở lớp vì em học theo khối C. Em dự tính mình được khoảng 6 đến 7 điểm”.
Tại hội đồng thi trường THPH – Lê Qúy Đôn- Đống Đa – Hà Nội có 17 thí sinh thi môn sử. Đa phần các thí sinh làm bài rất tốt, và rất thích thú với câu hỏi liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay.
Đề thi lịch sử năm nay khá là dễ, phù hợp với sức của học sinh. Nhiều thí sinh ấn tượng với câu hỏi về nguyên tắc của Liên Hợp Quốc và việc ảnh hưởng của nó đến bảo vệ chủ quyền và đảo của Việt Nam.
Thí sinh Hoàng Thu Trang (THPH – Lê Qúy Đôn- Đống Đa – Hà Nội) cho hay.: "Em đã trình bày nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc và em đã nêu ra được vấn đề Trung Quốc đã đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng biển của nước ta và Việt Nam đã giải quyết vấn đề này hòa bình trên bàn đàm phán".
Thí sinh Nguyễn Trang Ngân (12B7 - THPH – Lê Qúy Đôn- Đống Đa – Hà Nội) ) cũng chia sẻ: "Em ấn tượng nhất với câu hỏi về Biển Đông, nó liên quan đến biện pháp hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã đề ra nhưng Trung Quốc lại không thực hiện đúng".
Khi đặt câu hỏi vì sao có rất ít thí sinh thi môn sử, Ngân cũng chia sẻ thêm: "Theo em bạn nào cũng yêu nước cả, còn thi hay không đó là sở thích của mỗi người".
Điểm thi THPT trường Lê Qúy Đôn có 17 thí sinh đăng kí thi tốt nghiệp môn sử. Hầu hết các bạn đều rất vui vì làm được bài
Hai bạn Nguyễn Trang Ngân và Hoàng Thu Trang đang xem lại đề thi và cả hai bạn đều thích thú với câu hỏi về: Nguyên tắc hoạt động của Liên Hiệp Quốc và từ nguyên tắc này liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay.
Tại TPHCM:
Thí sinh Kha Mộng Trân, Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 1, TPHCM cho biết: “Đề thi năm nay không quá khó, cũng không yêu cầu bọn em phải nhớ chính xác nhiều mốc thời gian như những năm trước nên chỉ cần chăm chỉ một chút là có thể làm tốt bài thi của mình. Trong đó, câu hỏi về vấn đề Biển Đông là một dạng câu hỏi mở, yêu cầu bọn em phải có liên hệ đến thực tế xã hội, đây thực sự là một hướng ra đề khá mới mẻ đối với thí sinh”.
Trời đổ mưa lớn trong những môn thi buổi chiều khiến việc đi lại của thí sinh gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, thí sinh Hoàng Hải chia sẻ: “Đề thi khá vừa sức với tụi em, yêu cầu cũng không quá khó nên trong phòng thi của bọn em, nhiều bạn đã làm xong bài khoảng 30 phút trước khi hết giờ. Với bài thi này, đạt điểm 7, 8 là chuyện không hề khó”.
Là một trong hai thí sinh duy nhất đăng ký thi Sử tại hội đồng thi Nguyễn Thị Minh Khai và Lâm Bảo Anh, lớp 12A11 cho biết, “đề thi năm nay dễ hơn mọi năm, nhưng muốn làm được bài tốt, thí sinh không phải chỉ học thuộc bài mà phải có những liên hệ về thực tế. Đặc biệt là ở câu thứ 3, khi đề thi yêu cầu nêu những nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hiệp quốc. Từ đó liên hệ với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bọn em khá bất ngờ ở câu hỏi này, bởi đây là một dạng câu hỏi khá mới trong đề thi môn Lịch sử”.