"Chủ quán phở phải hầu tòa, lĩnh án thì thật trớ trêu"

"Nếu ông Tấn hầu tòa và lĩnh án thì xảy ra trường hợp trớ trêu là khi bộ luật mới được Quốc hội phê chuẩn đã bỏ tội “Kinh doanh trái phép” và chỉ chờ ngày có hiệu lực thì có người vẫn bị xử lý hình sự về tội này”, luật sư Lê Văn Kiên nói.

"Chủ quán phở phải hầu tòa, lĩnh án thì thật trớ trêu" - 1

Ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán phở bị khởi tố hình sự vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày.

Chủ quán phở không tái phạm?

Liên quan đến vụ ông Nguyễn Văn Tấn (SN 1966, thường trú tại P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM) bị truy tố do chậm đăng ký kinh doanh cho quán phở, cà phê ở huyện Bình Chánh, PV đã trao đổi với luật sư Lê Văn Kiên (Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) và luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Hợp danh Thiên Thanh).

Luật sư Lê Văn Kiên cho biết: Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, một số hành vi đã bị xử lý hành chính một lần mà còn vi phạm thì mới xử lý hình sự. Tức là người vi phạm đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính một lần và chưa hết thời hiệu mà tiếp tục có hành vi vi phạm về lĩnh vực mà mình đã bị xử phạt hành chính thì sẽ bị xử lý hình sự.

Nếu vi phạm hành chính ở lĩnh vực khác với lĩnh vực mình đã bị xử lý (nếu không cấu thành 1 tội độc lập khác) hoặc thiệt hại chưa đủ để khởi tố độc lập thì không bị khởi tố.

Trong vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn, cơ quan điều tra khởi tố ông này với tội danh “Kinh doanh trái phép”. Như vậy, cơ quan điều tra phải có căn cứ chứng minh được ông Tấn tái phạm hành vi “kinh doanh trái phép” khi chưa hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt.

Tuy nhiên, cáo trạng truy tố ông Tấn lại nêu rằng: “Ngày 18.8.2015, Công an ra quyết định xử phạt về hành vi kinh doanh chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng ông Tấn vẫn vi phạm. Đến ngày 10.9.2015, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục kiểm tra quán của ông Tấn và phát hiện đang kinh doanh trái phép “cà phê, nước giải khát, ăn sáng, cơm trưa” khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)”.

"Tôi cho rằng, dựa trên căn cứ quán của ông Tấn kinh doanh trái phép khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP để kết luận ông Tấn tái phạm hành vi “kinh doanh trái phép” là thiếu xác đáng. Nếu cơ sở ông Tấn chưa đủ điều kiện đảm bảo VSATTP thì chỉ bị xử lý hành chính về VSATTP.

Thêm nữa, trong trong văn bản trả lời cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh ngày 2.10.2016, Phòng Kinh tế UBND huyện Bình Chánh cũng khẳng định, cơ sở ông Tấn kinh doanh đúng giấy phép và nếu không thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm thì chỉ bị xử lý về hành vi này", luật sư Kiên nói.

Đồng quan điểm với luật sư Kiên, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, giả thiết việc xử phạt vi phạm hành chính là đúng pháp luật thì hành vi vi phạm của ông Tấn không được xem là tái phạm. Bởi lần kiểm tra đầu tiên, ông Tấn vi phạm về hành vi kinh doanh không có giấy phép kinh doanh. Nhưng lần kiểm tra thứ hai ông Tấn đã có giấy phép kinh doanh và chỉ vi phạm về hành vi “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm”.

Quyết định đi ngược lại tinh thần Hiến pháp

Luật sư Trần Tuấn Anh và luật sư Lê Văn Kiên đều cho rằng, giả sử việc khởi tố ông Tấn là đúng pháp luật thì quyết định này vẫn đi ngược lại với tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật Doanh nghiệp 2014 là mọi cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

“Rõ ràng tội “Kinh doanh trái phép” thời điểm này đã bất cập bởi trong Luật Hình sự 2015 được Quốc hội phê chuẩn đã bãi bỏ điều này. Chắc chắn Quốc hội đã thảo luận, nghiên cứu rất kỹ trước khi quyết định bỏ tội danh này.

Từ đó, có thể thấy việc xử lý một chủ quán phở về hành vi “Kinh doanh trái phép” trong thời điểm này (Bộ luật Hình sự cũ vẫn coi là tội phạm và Bộ luật Hình sự mới đã bỏ nhưng chưa có hiệu lực) đang có vấn đề.”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Luật sư Lê Văn Kiên thì cho biết, theo Nghị quyết Hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự 2015 của Quốc hội, nếu hành vi “Kinh doanh trái phép” xảy ra trước ngày 1.7.2016 (ngày Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) thì vẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự 1999 để giải quyết. Điều này có nghĩa, nếu ông Tấn vi phạm đúng theo VKSND huyện Bình Chánh truy tố thì vẫn bị xử lý theo tội “Kinh doanh trái phép” theo Bộ luật Hình sự 1999.

"Sắp tới, nếu ông Tấn phải hầu tòa và lĩnh án thì xảy ra trường hợp trớ trêu là khi bộ luật mới (Bộ luật hình sự 2015) được Quốc hội phê chuẩn đã bỏ tội “Kinh doanh trái phép” và chỉ chờ ngày có hiệu lực thì có người vẫn bị xử lý hình sự về tội này”, luật sư Lê Văn Kiên nói.

Buôn bán nhỏ lẻ như đồ ăn, nước uống không phải đăng ký kinh doanh

Luật sư Lê Văn Kiên cho biết, nghị định 39/2007 của Chính phủ thì các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ như cắt tóc gội đầu hay bán trà đá vỉa hè không phải đăng ký kinh doanh.

Cụ thể, theo khoản 1 điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau không phải đăng ký kinh doanh:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN