Chủ động kịch bản ứng phó Omicron
Hiện TP HCM có 2 tổ chức tham gia giám sát biến thể Omicron, gồm Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) và Viện Pasteur TP HCM
UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch khẩn xây dựng 8 thế trận y tế ứng phó biến thể Omicron, với nhiều giải pháp như tăng cường giám sát, kiểm dịch quốc tế tại cửa khẩu hàng không, hàng hải, xét nghiệm, giải mã gien; triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19…
Lập khu cách ly, điều trị riêng
Ngay khi xác định biến thể Omicron có nguy cơ xâm nhập TP HCM, Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM) được lựa chọn trở thành nơi tiếp nhận, điều trị ca F0 nhập cảnh nghi mắc Covid-19.
Bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12, cho biết sau hơn 1 tuần triển khai, bệnh viện đã tiếp nhận 8 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2 bệnh nhân nước ngoài đã xuất viện, hiện còn 6 thuyền viên người Việt Nam đang được theo dõi, điều trị và chờ kết quả giải trình tự gien từ Viện Pasteur TP HCM. Bệnh viện có quy mô 4.000 giường được chia thành 2 khu riêng biệt, gồm khu tiếp nhận người nghi nhiễm có yếu tố nguy cơ như người nhập cảnh, chờ kết quả giải trình tự gien; nếu xác định là chủng Omicron sẽ được đưa qua khu riêng để theo dõi, chăm sóc và điều trị.
Du khách nước ngoài nhập cảnh tại sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) theo hình thức hộ chiếu vắc-xin. Ảnh: KỲ NAM
Theo bác sĩ Lợi Em, những bệnh nhân nhập cảnh TP HCM đều được chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12 nếu sau khi xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Các trường hợp nhập viện nếu đã được lấy mẫu giải trình tự gien từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM thì bệnh viện không cần làm lại. Tuy nhiên, các trường hợp này nếu chưa được lấy mẫu sẽ được bệnh viện thực hiện và chuyển về Viện Pasteur để giải mã. Hiện các xét nghiệm cần thiết cho người bệnh không có nguy cơ lây lan như xét nghiệm mỡ máu, gan, thận, nước tiểu… sẽ được chuyển về Bệnh viện Da liễu thực hiện.
Cùng với việc chuẩn bị thành lập 1 khu cách ly, điều trị riêng đối với biến thể Omicron, TP HCM còn triển khai các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở cấp quận - huyện. Nhiều địa phương đã chủ động có những biện pháp phòng chống dịch; trong đó, thành lập các bệnh viện dã chiến nhằm tiếp nhận thu dung, điều trị người mắc Covid-19 trên địa bàn.
Sớm muộn sẽ xuất hiện
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết Bộ Y tế xác định biến thể Omicron sớm muộn sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Ngày 14-12 ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Omicron trên thế giới tại Anh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định số ca nhập viện vì Omicron chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với Delta. Khi số ca nhập viện tăng sẽ tăng gánh nặng cho hệ thống y tế các nước, khi đó số tử vong sẽ tăng. Tuy nhiên, vắc-xin vẫn có tác dụng trước Omicron.
Hiện TP HCM có 2 tổ chức tham gia giám sát biến thể Omicron gồm Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) và Viện Pasteur TP HCM. OUCRU nhận 19 mẫu, Viện Pasteur nhận 15 mẫu, trong đó có 14 mẫu Delta, 1 mẫu đang chờ kết quả. Cùng với đó, TP HCM còn tổ chức chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và triển khai tiêm vắc-xin mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu, người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch…
Đánh giá về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - cho biết thông thường đặc tính của virus là sẽ biến đổi theo chiều hướng giảm độc lực như virus cúm, virus tay chân miệng nhưng với virus SARS-CoV-2 được đánh giá là khá phức tạp. So với các chủng trước đó, biến thể Delta có tốc độ lây lan và độc lực mạnh hơn nhiều.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, với số lượng đột biến quá nhiều của Omicron, nhiều dự báo cho rằng biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với biến thể Delta. Khả năng Omicron có thể vô hiệu hóa vắc-xin ngừa Covid-19 cũng được đặt ra. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có kết luận rõ ràng về những nguy cơ này cũng như mức độ nặng cho người bệnh. "Dù Nam Phi tuyên bố có các trường hợp mắc rất nhẹ, là người trẻ, không mất khứu giác… nhưng đây chỉ là những đối tượng nhỏ, chưa nghiên cứu ở đối tượng người dễ bị tổn thương như người già, người mắc bệnh nền, người chưa tiêm vắc-xin. Song với dự báo virus lây lan nhanh và có thể chống lại vắc-xin cũng rất đáng lo ngại" - ông Phu nhấn mạnh.
Tăng cường một bậc phòng ngừa
Một số ý kiến cho rằng từ kinh nghiệm ứng phó với chủng Delta trong thời gian qua cho thấy việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn. Do đó, trong khi còn trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa phải tăng cường thêm một bậc.
Cách đây ít ngày, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm, viêm phổi nặng do virus, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt để xét nghiệm, giải trình tự gien…
Bộ Y tế yêu cầu phải chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 ở địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng, trạm y tế lưu động. Không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.
Các chuyên gia cũng lưu ý người dân không nên hoảng loạn vì chưa có kết luận về việc biến thể này có tăng tỉ lệ tử vong ở người bệnh. Tuy vậy, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh đã được khuyến cáo như 5K và tiêm vắc-xin Covid-19. "Người dân cần phải ý thức rõ các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng chứ không có nghĩa là thả lỏng, buông xuôi. Nếu không thực hiện tốt phòng chống dịch thì dịch bệnh có thể bùng phát phức tạp, nhất là trong trường hợp Omicron xâm nhập nước ta" - PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. Bộ Y tế cho biết ngày 15-12, nước ta ghi nhận 15.527 ca mắc Covid-19 tại 61 tỉnh, thành phố; trong đó có 9.940 ca ở cộng đồng. Trong ngày, có thêm 2.992 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.063.428.
Lo hệ thống y tế quá tải TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết thông thường, phải mất vài tháng để một chủng biến thể chiếm ưu thế, lây lan trong một khu vực, trong khi biến thể Omicron lây lan rất nhanh chóng ở Nam Phi, chỉ trong vài ngày đến vài tuần chứ không phải vài tháng. Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể Omicron gây ra với con người. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác bởi nếu số ca mắc tăng nhanh do sự lây lan mạnh của biến chủng mới, sẽ dẫn tới số người nhập viện tăng và hệ thống y tế bị quá tải, từ đó số người tử vong cũng sẽ tăng cao. N.Dung |
Vắc-xin vẫn là vũ khí hiệu quả nhất Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 14-12 cảnh báo Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Tại buổi họp báo ở TP Geneva -Thụy Sĩ, ông Ghebreyesus còn thông tin kể từ khi được phát hiện lần đầu ở Nam Phi vào tháng trước, Omicron hiện đã có mặt tại 77 quốc gia. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh cần cẩn trọng với Omicron, bởi ngay cả khi biến thể này gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với biến thể khác, số ca nhiễm gia tăng cũng có thể khiến hệ thống y tế quá tải. Cũng trong ngày 14-12, các nhà nghiên cứu Nam Phi cung cấp thêm dữ liệu cho thấy Omicron có thể làm giảm mức độ hiệu quả của vắc-xin. Phân tích hồ sơ y tế của khách hàng trong 3 tuần đầu tiên kể từ ngày Omicron được phát hiện ở Nam Phi, nghiên cứu của Công ty Bảo hiểm Discovery Health (Nam Phi) cho thấy rủi ro nhập viện ở nhóm dân số trưởng thành nhiễm Omicron thấp hơn 29% so với thể gốc. Theo đài CNN, nghiên cứu còn cho biết thêm 2 liều vắc-xin Pfizer-BioNTech cho mức độ hiệu quả 33% trong việc ngăn chặn Omicron lây nhiễm và 70% trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng. Do đó, vắc-xin hiện vẫn là vũ khí hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống Covid-19. Khẩu trang, giãn cách xã hội và những biện pháp khác cũng phát huy tác dụng. Cao Lực |
Nguồn: [Link nguồn]
TP.HCM xét nghiệm giải trình tự gen tất cả trường hợp dương tính thuộc 2 nhóm người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người...