Chủ công trình sai phạm ở Mã Pí Lèng không lấy sinh mệnh của mình để tạo áp lực với luật pháp

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong sáng 8-10, đã có những trao đổi về công trình sai phạm trên đèo Mã Pí Lèng, đang gây xôn xao dư luận.

Sáng nay 8-10, tại buổi họp báo thường kỳ quý III năm 2019 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ này đã trả lời một số vấn đề liên quan đến công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama ở danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) chưa được cấp phép xây dựng nhưng đã đưa vào sử dụng, địa phương đang kiến nghị hợp thức hóa.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL

Theo ông Bình, quan điểm của Bộ VH-TT-DL là dù bất cứ thành phần kinh tế nào, từ hộ gia đình, doanh nghiệp, hay nhà nước thì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc để tồn tại một công trình sai phép dù ở Mã Pì Lèng hay ở đâu, dù nó giúp thúc đẩy kinh tế, văn hóa, du lịch thì Bộ cũng không đồng tình.

"Sáng nay (8-10), đoàn công tác của Cục Di sản văn hóa gồm một phó cục trưởng và các cán bộ lãnh đạo phòng chức năng đã lên Hà Giang để kiểm tra thực tế về công trình sai phạm trên Mã Pí Lèng. Sau chuyến công tác của đoàn kiểm tra, Bộ sẽ có thông tin thêm tới các cơ quan báo chí" - ông Bình nói.

Người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL cũng cho hay công trình sai phạm trên Mã Pí Lèng nằm ngoài khu vực bảo vệ II của di tích danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng nhưng theo điều 36 Luật Di sản văn hóa, để tránh những tổn hại đến cảnh quan danh thắng thì công trình này cần có ý kiến bằng văn bản của Bộ. Đến nay Bộ vẫn chưa nhận được văn bản xin ý kiến của tỉnh Hà Giang.

"Chưa nói tới Luật Di sản văn hóa thì công trình này đã vi phạm Luật Xây dựng, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý địa phương. Vì một xã hội tuân thủ luật pháp luật hãy góp phần lên tiếng để xử lý tất cả hành vi vi phạm pháp luật nói chung, không chỉ luật pháp về trật tự xây dựng. Phải làm sao có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng trong thời gian tới" - đại diện Bộ VH-TT-DL bày tỏ.

Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama ở danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng trong sáng nay vẫn hoạt động bình thường

Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama ở danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng trong sáng nay vẫn hoạt động bình thường

Về phát ngôn của bà chủ công trình trên đèo Mã Pì Lèng về việc nếu công trình bị đập bỏ thì bà "chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế tự tử" và công trình này đang góp phần làm giàu cho bà con địa phương, thúc đẩy du lịch, đại diện Bộ VH-TT-DL cho rằng "không được lôi sinh mệnh của mình ra để tạo áp lực ngược lại với luật pháp". Quan điểm của Bộ là dù là tư nhân, doanh nghiệp hay bất cứ thành phần kinh tế nào thì cũng phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

"Khi sai thì phải nhận thức được cái sai của mình và phải khắc phục, sửa chữa. Đã là doanh nghiệp làm ăn trong một cơ chế thị trường thì phải chấp nhận được ăn thua chịu. Đừng vì thua mà bắt xã hội phải gánh là điều không thể" - người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL nói.

Bà Vũ Ngọc Ánh, chủ nhà nghỉ-nhà hàng Panorama, từng trả lời rằng nếu công trình bị thu hồi thì bà "chỉ có nước nhảy xuống sông Nho Quế

Bà Vũ Ngọc Ánh, chủ nhà nghỉ-nhà hàng Panorama, từng trả lời rằng nếu công trình bị thu hồi thì bà "chỉ có nước nhảy xuống sông Nho Quế

Ngoài ra, theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch, công trình này được xác định là công trình phục vụ khách du lịch trên các chặng đường, tuyến du lịch nếu đáp ứng nhu cầu tham quan, dừng chân và các nhu cầu khác. Tuy nhiên, bất kể công trình ở đâu phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục pháp luật.

Theo kế hoạch, trong sáng nay 8-10, đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Sở Xây dựng; Sở Kế hoạch Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch họp để đưa ra kết luận, tham mưu tỉnh tìm hướng giải quyết cho công trình.

Nhà hàng, nhà nghỉ Panorama chưa có giấy giấy chứng nhận đầu tư; chưa được cấp phép xây dựng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất (vẫn đang là đất trồng trọt); chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng hồi tháng 11-2009. Danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Ngoài ra, khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở nước ta..

Mã Pí Lèng còn được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.

Nhà nghỉ Mã Pí Lèng Panorama mọc lên giữa lòng di sản
Theo bạn, có nên phá bỏ nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng không?

4 sở cùng họp, thống nhất phương án xử lý công trình Panorama trên đèo Mã Pí Lèng

Theo dự kiến, sau khi tiến hành kiểm tra, sáng nay 8-10, đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Giang cùng họp, để tham mưu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.H.Thanh ([Tên nguồn])
Xây khách sạn trên đỉnh Mã Pí Lèng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN