Chủ 8B Lê Trực có quyền kiện UBND quận Ba Đình
Ngày 30-8, đại diện UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận thông tin Công ty CP May Lê Trực (chủ đầu tư công trình tòa nhà 8B Lê Trực) khởi kiện UBND quận này vì ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ sai quy định.
Theo UBND quận Ba Đình, việc phá dỡ công trình vi phạm này thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Hà Nội. Việc doanh nghiệp khởi kiện các quyết định liên quan đến công trình 8B Lê Trực là quyền của doanh nghiệp, được pháp luật cho phép. UBND quận không bình luận thêm về vụ việc mà chờ phán quyết của tòa án.
Công nhân đã hoàn thành phá dỡ, cắt ngọn tầng 19 tòa nhà 8B Lê Trực
Liên quan đến việc phá dỡ, chiều 30-8, ông Đàm Văn Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị thực hiện phá dỡ phần vi phạm của công trình 8B Lê Trực), cho biết đơn vị này đã hoàn thành phá dỡ giai đoạn 1 là "cắt ngọn" tầng 19. Tuy nhiên, giai đoạn 2 đang chậm trễ so với kế hoạch do chờ đánh giá từ các chuyên gia của Bộ Xây dựng. Đơn vị này phải căn cứ vào đánh giá của các chuyên gia về độ an toàn, mức độ ảnh hưởng khi phá dỡ thì mới lên phương án giai đoạn 2.
"Ngay khi có đánh giá của các chuyên gia, chúng tôi sẽ lập phương án kỹ thuật phá dỡ xem có an toàn hay không, khi đó mới triển khai được" - ông Long thông tin. Do vậy, đơn vị này cũng chưa đưa ra được thời gian cụ thể để thực hiện việc phá dỡ giai đoạn 2.
Trước đó, chiều 29-8, ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực, cho biết công ty đã gửi đơn khởi kiện UBND quận Ba Đình liên quan đến việc ra quyết định phá dỡ công trình không đúng quy định.
Theo ông Hùng, công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2008. Một loạt văn bản của UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng ban hành những năm 2008-2010 đều thể hiện dự án có chiều cao công trình 69,1 m với 20 tầng gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, một tầng mái. Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam có văn bản xác nhận độ cao tĩnh không tối đa của công trình là 70 m.
Năm 2010, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và hồ sơ thiết kế chi tiết bản vẽ thi công được Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm tra và doanh nghiệp dựa trên những phê duyệt đó để triển khai dự án từ năm 2010.
Sau đó, vào tháng 3-2014, phía thành phố chỉ cấp phép cho công trình này chiều cao 53 m. Giấy phép xây dựng nêu trên, theo ông Hùng, lại không cấp đúng với quy hoạch chi tiết 1/500 và tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. Chủ đầu tư cho rằng công trình 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải xin giấy phép xây dựng.
Ông Hùng khẳng định việc UBND quận Ba Đình ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình nhưng không căn cứ vào quy hoạch chi tiết 1/500 mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng cấp tháng 3-2014 là không đúng quy định pháp luật. Do vậy, công ty này đã nộp đơn khởi kiện UBND quận Ba Đình hơn 1 năm nay nhưng chưa nhận được phản hồi từ TAND TP Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu, UBND Hà Nội phải chủ động triển khai các phương án xử lý sai phạm về vi phạm trật tự xây dựng,...