Chốt các mức giá vé tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Thấp nhất 7.000 đồng/lượt
Theo Tổng Giám đốc Metro Hà Nội, hành khách đi nhiều trả tiền nhiều, đi ít trả tiền ít chứ không phải đi ngắn mà phải trả tiền cả tuyến.
Chiều 4/11, tại trụ sở Bộ GTVT diễn ra cuộc họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Họp báo cung cấp thông tin kế hoạch khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Mở đầu cuộc họp báo, ông Vũ Hồng Phương – Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, đại diện chủ đầu tư tóm tắt về tình hình thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt, đi toàn bộ trên cao. Tốc độ khai thác trung bình 35km/h, thời gian chạy toàn tuyến từ Cát Linh – Hà Đông là 23,63 phút. Khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h đến 23h hằng ngày.
Theo ông Phương, khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy với tần suất 6 phút có 1 đoàn tàu cập ga, với sức chở là 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác với tần suất 10 phút/chuyến, lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.
Đội ngũ nhân viên đường sắt vận hành trên tuyến Cát Linh – Hà Đông có 651 nhân sự. Theo khuyến cáo tư vấn an toàn, Metro Hà Nội đã bổ sung thêm 82 nhân sự, trong đó 41 nhân sự được đào tạo tại Trung Quốc, 16 nhân sự đào tạo tại Việt Nam.
Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Ông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, kế hoạch vận hành giai đoạn đầu là 1 năm kể từ khi bàn giao dự án. Metro Bắc Kinh hỗ trợ xây dựng kế hoạch chia làm 2 giai đoạn, 6 tháng đầu và 6 tháng tiếp theo.
Theo ông Trường, trong giai đoạn đầu vận hành theo phương án từ thấp đến cao để đánh giá khai thác phù hợp với mức độ dịch vụ của người dân, tránh việc vận hành không có khách. Tuần đầu dự kiến vận hành 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 sẽ là 10 phút/chuyến, lượng khách đi đông sẽ điều chỉnh biểu đồ. 15 ngày đầu sẽ miễn phí, không thu tiền của hành khách đi tàu.
Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho hay, giá vé được TP.Hà Nội phê duyệt chính thức, giá mở cửa là 7.000 đ/lượt, theo chặng là 8.000đ-15.000đ/lượt. Giá vé ngày là 30.000đ/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000đ/người, có định danh là 100.000đ/người). Những đối tượng được miễn phí đi xe buýt sẽ được miễn phí đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
“Hành khách đi nhiều trả tiền nhiều, đi ít trả tiền ít chứ không phải đi ngắn mà phải trả tiền cả tuyến. Việc này nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện, đặc biệt là người có thu nhập thấp và trung bình. Mục tiêu của Hà Nội khuyến khích người dân trải nghiệm giai đoạn đầu, kết nối du lịch trong tương lai”, ông Trường nói.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cũng cho hay, chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp, đội ngũ nhân sự được đào tạo là 733 người, chia cho km là 56 người phục vụ trên mỗi km. Các nhân viên phục vụ tuyến đường sắt đã được sát hạch trong tháng 9 và đạt yêu cầu, nhân viên tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Trên tuyến sẵn sàng trong việc phòng chống dịch COVID-19, có phòng cách ly tạm thời trong vòng 30 phút.
Phê duyệt phương án tuyến buýt kết nối với các ga tàu. Ga tàu Cát Linh và ga Yên Nghĩa có 16 tuyến xe buýt, ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt. Nhà ga không có chỗ để ô tô, chỉ đáp ứng chỗ để xe máy.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, 7h sáng 6/11, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội sẽ tổ chức bàn giao dự án. Sau khi bàn giao xong, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành thương mại.
Theo ông Tuấn, hệ thống vận hành sẽ qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu đã vận hành thử thành công, an toàn. Từ 6/11 sẽ thực hiện giai đoạn 2 là khai thác giai đoạn đầu. Sau 1 năm tư vấn đánh giá an toàn dự án sẽ chuyển sang giai đoạn 3.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư dự án hơn 18.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyền 13,5km/h (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu Depot tại Phú Lương – quận Hà Đông. Dự án có 13 đoàn tàu. Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Ngày 31/3/2021, các đơn vị thực hiện dự án bắt đầu quá trình chuyển giao, cấp cơ sở kiểm đếm, tiếp nhận và xác định trách nhiệm giữa 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu Trung Quốc và phía Hà Nội. Ngày 29/4, Tư vấn ACT của Pháp ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho cho Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đến tháng 7/2021, dự án được cơ quan nhà nước chuyên ngành về cấp chứng nhận thẩm định giá an toàn hệ thống. Ngày 29/10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công trình xây dựng chấp nhận kết quả nghiệm thu có điều kiện, đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông vào khai thác đoạn đầu. |
Chiều 3-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn kiểm tra hiện trường công tác chuẩn bị trước khi tiếp...
Nguồn: [Link nguồn]