Chộn rộn chờ... mở cửa!

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Nhiều người dân TP HCM đã rộn ràng chuẩn bị cho ngày mở cửa để buôn bán, kinh doanh khi chính quyền nơi họ sinh sống tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh

Tính đến chiều 29-9, đã có tổng cộng 8 địa phương ở TP HCM đạt các tiêu chí kiểm soát dịch theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để TP HCM nới lỏng giãn cách, bước vào giai đoạn "bình thường mới".

Đếm ngược từng giờ

Không khí lạc quan đã bắt đầu xuất hiện, người dân khắp các địa phương ở TP HCM đang đếm ngược từng ngày, từng giờ chờ ngày nới lỏng giãn cách... là những gì chúng tôi nghe và thấy trong những ngày gần đây.

Sáng 29-9, vừa lau dọn lại số bàn ghế bám đầy bụi đã 4 tháng nằm im nơi góc quán, chị Đinh Hồng Ngọc, chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp), cho hay trưa 28-9, vừa đọc được thông tin quận đã kiểm soát được dịch bệnh, chị liền lập tức huy động chồng con chung tay dọn dẹp lại quán. "Mọi thứ đã xong, giờ chỉ còn lau và sửa lại vài cái ghế hư hỏng nhẹ là đã có thể sẵn sàng đón khách khi được cho phép hoạt động trở lại rồi" - chị Ngọc cười nói. Cũng như bao hàng quán khác ở quận Gò Vấp, quán của chị Ngọc đóng cửa từ ngày 31-5 đến nay, khi quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch.

Những con hẻm ở quận Gò Vấp “lấy lại sinh khí” khi quận đã kiểm soát được dịch, gỡ phong tỏa Ảnh: GIANG NAM

Những con hẻm ở quận Gò Vấp “lấy lại sinh khí” khi quận đã kiểm soát được dịch, gỡ phong tỏa Ảnh: GIANG NAM

Vui mừng không kém là anh Ngô Minh Đức, chủ tiệm kinh doanh xe máy cũ trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận). Anh Đức cho biết anh đang ra sức chỉnh sửa lại gần 20 chiếc xe máy, lắp thêm đèn và dọn lại khu vực sửa chữa để chuẩn bị cho việc mở cửa kinh doanh nếu được phép. "Mấy tháng trời không buôn bán được gì, nay nghe tin quận nhà đã khống chế được dịch, tôi mừng rơi nước mắt. Đêm qua làm quên ngủ mà vẫn thấy vui" - anh Đức nói.

Ở quận Tân Bình, khu nhà trọ với hơn 10 phòng, đa phần là lao động tự do trên đường Bàu Cát 2 (phường 14) vốn đóng cửa im ỉm những ngày qua, thì trưa 29-9 đã rộn tiếng xe máy. Vừa đưa tay mở bugi chiếc xe Honda Wave sau khi khởi động nhiều lần không nổ máy, anh Nguyễn Văn Hùng (thợ xây, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) nói phải chỉnh lại con "ngựa chiến" cho ngon để còn kịp "lên đường" khi nhà nước "nhấn nút mở cửa". "Thanh niên sức dài vai rộng, về quê không được, nằm phòng trọ hoài cũng chán. Vì vậy, sáng nay hay tin quận đã kiểm soát được dịch bệnh là tôi lập tức chuẩn bị đồ nghề để khi chủ thầu gọi là vào việc ngay" - anh Hùng kể. Anh cho hay công trình anh làm cách khu nhà trọ chưa đầy 2 km nhưng do giãn cách siết chặt nên phải nằm nhà chờ.

Cũng như ở Tân Bình, từ tối 28-9, các xóm trọ với đa phần là lao động tự do ở TP Thủ Đức như được tiếp thêm sinh khí. Biết chúng tôi là nhà báo, anh Nguyễn Anh Khoa (38 tuổi; chuyên nghề bốc xếp; ngụ phường Tam Bình, TP Thủ Đức) nói anh nôn nao được ra khỏi nhà để đi làm lắm rồi! "Thời gian qua, mình nghiêm túc thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" cũng chỉ mong sớm đến ngày TP Thủ Đức nói riêng, TP HCM nói chung sớm kiểm soát được dịch bệnh thôi mà. Nay TP Thủ Đức cơ bản kiểm soát được rồi thì vui chút, lạc quan chút là lẽ thường tình mà" - anh Khoa cười nói nhưng vẫn không quên điện thoại cho nhóm bạn bốc xếp để hỏi thêm về thông tin công việc.

Trả nợ ân tình

Anh Khoa kể từ khi diễn ra đợt dịch lần thứ 4, các công ty tạm dừng kinh doanh khiến anh thất nghiệp, không có đồng ra đồng vào. Vợ anh làm công nhân may cũng tạm thời mất việc, gia đình gặp nhiều khó khăn. "Ngày 26-6, trên địa bàn phường Tam Bình phát hiện ổ dịch đầu tiên ở hẻm 129, toàn bộ tuyến đường Tam Châu bị phong tỏa. Từ thời điểm đó, gia đình tôi được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ mới sống qua mùa dịch một cách an toàn" - anh Khoa tâm sự. Anh Khoa cho biết qua đợt dịch này, anh càng thấm tình nghĩa của người dân cũng như chính quyền TP HCM đối với lao động nhập cư như anh. "Tới đây, tôi sẽ gắng sức làm thật tốt để lo cho gia đình, nếu sau này dư dả nhất định tôi sẽ trả ân tình trên" - anh Khoa nói.

Anh Nguyễn Anh Khoa chỉ mong sớm trở lại với nghề bốc xếp như những ngày trước khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Nguyễn Anh Khoa chỉ mong sớm trở lại với nghề bốc xếp như những ngày trước khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trở lại với khu nhà trọ ở Bàu Cát 2, anh Hùng nói nếu không có các đợt hỗ trợ từ nhà nước, không có những phần quà của các nhà hảo tâm cũng như từ MTTQ phường 13 và quận Tân Bình thì anh không biết bấu víu vào ai. "Trước đây làm được bao nhiêu xài hết bấy nhiêu, không lo tiết kiệm để phòng thân vì nghĩ mình có nghề, có sức khỏe. Đợt dịch này đã dạy tôi nhiều điều, như bên cạnh việc phải biết phòng thân thì cũng cần quan tâm chăm sóc nhiều hơn đến những người yếu thế..." - anh thợ xây bày tỏ về những gì mình chiêm nghiệm qua những ngày phòng chống dịch. Anh nói rồi đây anh sẽ siêng năng làm việc để dần có vốn tích lũy nhằm biến giấc mơ trở thành chủ thầu xây dựng thành hiện thực. "Khi đó chắc chắn tôi sẽ có nhiều điều kiện để giúp đỡ thêm cho những người yếu thế chẳng may rơi cảnh ngặt nghèo" - anh Hùng bộc bạch.

Cũng như anh Khoa, anh Hùng, cả chị Ngọc và anh Đức cũng đang chờ từng giờ đến ngày giãn cách xã hội được nới lỏng để thực hiện kế hoạch tương lai của gia đình đã được vạch ra từ trước. "Là người dân, tôi chấp hành nghiêm chỉnh giãn cách để phòng chống dịch rồi, giờ dịch đã kiểm soát được thì cũng mong chính quyền sớm cho phép mở của để còn làm ăn" - anh Đức mong. Theo anh Đức, với nghề buôn bán xe máy cũ thì dịp cuối năm là thời điểm làm ăn thuận lợi nhất. "Hy vọng kế hoạch cưới vợ và mở thêm 1 cơ sở bán xe máy cũ cho thằng lớn sớm thành hiện thực trong năm 2022" - anh Đức nói và không quên nhắc lại mong muốn nền kinh tế sớm mở cửa trở lại khi dịch ở quận Phú Nhuận nói riêng và nhiều địa phương khác ở TP HCM nói chung đã được kiểm soát.

Sẽ tạo điều kiện tối đa

Ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cho biết ngày 27-9 là ngày đánh dấu sự kiện quan trọng của địa phương, đó là ngày mà theo thống kê cho thấy các tiêu chí kiểm soát dịch đã đạt.

Theo ông Nguyễn Đông Tùng, để có được kết quả đáng mừng trên, quận xác định chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và thực hiện triệt để phương châm 5 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, trách nhiệm tại chỗ. "Quận Phú Nhuận đang tập trung công tác chuẩn bị, nới lỏng dần giãn cách xã hội, đồng thời triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất - kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong từng giai đoạn. Kế hoạch phục hồi kinh tế thời gian tới, sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong mua bán, kinh doanh..." - chủ tịch UBND quận Phú Nhuận thông tin.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết quận sẽ gỡ bỏ các rào chắn nội bộ trong khu dân cư, ngõ hẻm để tạo sự thông thoáng lưu thông nội quận. Riêng với hoạt động của doanh nghiệp, quận sẽ ưu tiên các lĩnh vực chiến lược của địa phương và TP, những ngành nghề thiết yếu, tạo điều kiện để mọi cơ sở kinh doanh sớm hoạt động trở lại trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc phòng dịch. "Khi chủ cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký, quận thẩm định đủ điều kiện thì cho hoạt động luôn, còn về công tác hậu kiểm thì sẽ tính toán vào thời điểm phù hợp trên tinh thần không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát phòng chống dịch. Một trong những thuận lợi của cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn là hầu hết công nhân đã được tiêm vắc-xin nên cũng an tâm phần nào" - chủ tịch UBND quận Gò Vấp nhấn mạnh.

Về vấn đề nguồn lao động, lãnh đạo quận Gò Vấp cho biết thời gian qua, nhiều người lao động về quê, bây giờ có nhu cầu quay lại TP làm việc, các DN cũng cần lao động để phục hồi sản xuất. Ở góc độ địa phương, quận sẽ tạo điều kiện cho người lao động quay trở lại theo các quy định của ngành y tế, trước mắt cần có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tổ chức tiêm vắc-xin cho những người chưa được tiêm. 

Vui nhưng không quên phòng bị

Một điều đáng mừng là suốt trong 2 ngày thực hiện bài viết này, trước khi trao đổi với chúng tôi, cả chị Ngọc, Anh Khoa, anh Hùng hay anh Đức đều chú ý đến khoảng cách và khẩu trang. "Vui thì vui nhưng luôn giữ gìn cho nhau bằng 2 mét cùng cái khẩu trang đeo đúng cách nhé" - chị Ngọc đã nói như vậy trước khi bắt đầu câu chuyện. Trong khi đó, anh Khoa thì nói rằng nhờ thực hiện nghiêm ngặt 5K mà vợ chồng anh vẫn an toàn. "Giờ có "đánh chết", tôi cũng không quên 5K" - anh Khoa khẳng định.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày mai, TP.HCM họp báo công bố kế hoạch chống dịch sau 30-9

9 giờ sáng mai, lãnh đạo UBND TP.HCM sẽ thông tin về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo GIANG NAM - SỸ HƯNG - MINH ANH ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN