Choáng ngợp ngôi mộ đá cổ Cẩm Thạch lớn bậc nhất xứ Thanh
Ngôi mộ đá dựng lớn bậc nhất xứ Thanh là mộ của vị Khai quốc công thần triều Lê sơ, hay chỉ là mộ của một thủ lĩnh khuyết danh của tộc người Thái cổ từng cư trú bên dòng sông Mã?
Ông Hoàng Ngọc Kiều (85 tuổi, ở thôn Chiềng 1, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) vui vẻ mời khách đến bên chiếc bàn gỗ kê dưới tán cây cối phủ bóng, nhanh nhẹn chuyên trà.
Ông vốn là dân vùng biển Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), nhưng lên định cư ở thôn Chiềng 1 từ năm 1978 đến nay. Thôn này là một gò đồi lớn, nằm ngay sát đường 217 và phía bờ phải của sông Mã, thuộc đất Mường Phấm trước đây.
Ông Hoàng Ngọc Kiều bên ngôi mộ đá cổ Cẩm Thạch.
“Khi tôi đến khai hoang, cây cối đã mọc um tùm rậm rạp trên gò đất này như một khu rừng. Phát hiện những phiến đá lớn này, tôi biết là một ngôi mộ cổ của người xưa, nên cố gìn giữ nguyên trạng và hương khói. Lâu lâu, tôi lại dọn dẹp, xây đắp cho gọn gàng, có lúc còn quét sơn trắng lên các tảng đá cho đỡ bị rêu mốc. Lúc trước, đá nằm xen với cây cối, nhìn như một thân cây gỗ mục lớn. Khách đến chơi vẫn nhầm, bảo, sao có gốc cây khô mà không chặt làm củi?” – ông Kiều cho biết.
Trước đây, khi ông Kiều đi làm ăn xa, ngôi mộ từng có lần bị đào trộm. Nhưng khi trở về, ông thấy vết đào không sâu lắm, chỉ khoảng hai mét. Nhìn dấu vết dưới hố chỉ thấy toàn than, dày, không biết đến điểm nào thì sẽ thấy quan quách, nên ông cùng con cái lấp lại như cũ. Hàng xóm của ông kể lại, có tên trộm mộ đang đào thì bị ngất nên chúng sợ quá bỏ đi.
Ông Kiều dẫn tôi đi xem những tảng đá dựng. Sừng sững những phiến đá lớn dựng đứng xếp theo vòng tròn, thoạt trông như ngọn núi giả thường gặp trong khuôn viên của các đại gia tộc xưa. Bên phiến đá lớn nhất, ông kiễng chân, thậm chí nhún người nhảy lên, mà tay không chạm tới đỉnh. Tính từ mặt đất, có lẽ phiến đá này phải cao đến gần 3m, rộng gần 1m, liền khối. Những phiến đá xung quanh thấp hơn, nhưng cũng phải cao gần 2m. Trên thân các phiến đá không có dấu vết chạm khắc hình vẽ hay chữ nghĩa gì.
“Theo lời người già trong vùng, loại đá này được lấy trên vùng Thiết Ống (huyện Bá Thước) hay Ca Da (huyện Quan Hóa) theo sông Mã chuyển xuống đây, không phải loại đá ở địa phương. Các cụ còn bảo, chân của khối đá được chôn rất sâu trong lòng đất, tương đương với mực nước sông Mã. Như vậy, phiến đá phải dài khoảng 20m nữa, bởi dẫu nước cạn, nước dâng cũng chênh lệch dăm ba mét thôi”, ông Kiều nói.
Ông Hoàng Ngọc Kiều không biết chủ nhân của ngôi mộ là ai. Chỉ biết, vào ngày 20 tháng Chạp hàng năm, dân làng Vàn bên cạnh thường ra đây cúng tế. Lại có thời điểm, có cả nhóm người khá đông từ Hà Nội, Thái Bình đến xin làm lễ. Họ ăn mặc lối xưa, tổ chức cầu cúng suốt từ 11h trưa đến tận đêm khuya.
Vẫn theo ông Kiều, sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng cùng một cô thư ký từng đến nhà ông thăm khu mộ và phán đoán: “Có lẽ đây là mộ của ông Phạm Cuống, khai quốc công thần thời Lê sơ”.
Năm 1318, vua Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Ông Phạm Cuống (1367 – 1454), cùng các ông Lưu Trung, Lưu Nhân Chú từ Thái Nguyên vào tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Ông dốc lòng phò tá, lập nên nhiều chiến công lớn, được phong là Khai quốc công thần, hưởng tước Quan Phục hầu. Trải qua ba đời vua, ông mất ở tuổi 87, được vua Lê Thánh Tông truy phong thêm nhiều tước hiệu nữa. Có thể vùng hoạt động và chiến công của ông gắn với đất Mường Phấm xưa. Có điều lạ, nơi chôn rau cắt rốn và đất phong của ông đều ở mạn sông Hồng, sông Lô, nhưng tại sao linh cữu của vị quốc lão này lại được an táng bên bờ sông Mã? Cho đến giờ, đây vẫn là một dấu hỏi lớn.